Thông tin này được hãng tin AP trích dẫn lời Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết khi đến thăm xưởng đóng tàu Saint-Nazaire ngày 13/10.
"Mọi việc với Nga diễn ra tốt đẹp, Nga đã đồng ý hủy hợp đồng (mua các tàu đổ bộ trực thăng Mistral). Thậm chí, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thỏa thuận hợp đồng các tàu mới", ông Francois Hollande tuyên bố.
Dù chủ động chào mời Nga nhưng ông Hollande không nêu cụ thể loại tàu mới này có phải là tàu quân sự hay không. Đặc biệt, phát biểu của ông Hollande lại được đưa ra sau khi Pháp và Nga đồng ý hủy hợp đồng Mistral và đồng ý bán cho bên thứ 3 là Ai Cập.
Chiến hạm tàng hình của Hải quân Pháp
Sự đổ vỡ của thương vụ tàu Mistral khiến mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Nga - Pháp thêm lạnh nhạt và Paris mất rất nhiều thứ hơn những gì nước này tưởng, theo AP.
Bởi nếu đối với Nga, thương vụ tàu Mistral có thể là bài học chiến lược quan trọng, thì xét theo mọi điều, trong tương lai Pháp sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng, Paris có thể phải đối mặt với sự ngờ vực về độ tin cậy của những nước hôm nay đang được gọi là đối tác.
Trong khi đó, ở chính nước Pháp ngày càng có nhiều ý kiến của cả chính khách lẫn người dân lao động cho rằng, hành động này không chỉ đơn thuần làm giảm sút uy tín và độ tin cậy, mà cả trong tương lai sẽ có giá đắt đối với đất nước.
Như tuyên bố của cựu Thủ tướng Francois Fillon, Pháp phạm phải sai lầm kinh tế và chính trị, khi không trao cho Nga các con tàu chở máy bay trực thăng. Hay cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sackozy đã từng nói, nước này sẽ “mất hết” khi không tôn trọng hợp đồng đã ký.
Uy tín, danh dự của Pháp khi thực hiện các cam kết sẽ bị các đối tác đặt lên bàn cân, khi tính toán tới những mối nguy hại cho an ninh quốc gia nếu giả sử những hợp đồng với Pháp đổ vỡ vì tác động bên ngoài.
Khi đó, câu chuyện Argentina bị cắt nguồn cung vũ khí cho máy bay chiến đấu Mirage trong cuộc chiến bảo vệ quần đảo Malvinas/Falkland và câu chuyện Mistral sẽ khiến nhiều đối tác phải e dè khi mua vũ khí Pháp.
Xây dựng đường lối chính trị của nước mình mà vẫn phải thường xuyên ngó theo “ý chỉ” của Washington, Paris đang ngày càng quên rằng ở bên kia đại dương xa xôi, chẳng mấy ai bận tâm về thực trạng những vấn đề và nhiệm vụ sống còn của Pháp.
Từ những nguyên nhân trên cho thấy, khả năng Nga tiếp tục mua tàu của Pháp là gần như không xảy ra.