Đằng sau hợp đồng tàu Mistral của Ai Cập và Pháp

Ai Cập vừa ký với Pháp một hợp đồng mua hai tàu chiến Mistral- động thái cho thấy hợp tác quân sự ngày càng tăng sẽ giúp làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hai nước trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại chung về an ninh.

Tàu sân bay trực thăng lớp Mistral Sevastopol (trước) và Vladivostok neo tại cảng Saint-Nazaire, miền tây nước Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Tàu sân bay trực thăng lớp Mistral Sevastopol (trước) và Vladivostok neo tại cảng Saint-Nazaire, miền tây nước Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Noha Bakir, Giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Mỹ ở Cairo (AUC), nhận định:

“Quan hệ hợp tác, đặc biệt ở cấp độ quân sự, có ảnh hưởng tích cực đến hai nước vốn chia sẻ mối lo ngại chung về an ninh và ổn định của các quốc gia Địa Trung Hải và Trung Đông.

Mối quan hệ mật thiết hơn là vô cùng quan trọng đối với cả hai nước, và chúng ta đang được chứng kiến việc hai bên nối lại quan hệ hữu nghị, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự”.

Theo ông Bakir, với tình hình Trung Đông căng thẳng, cuộc khủng hoảng người di cư và sự lan tràn của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan hiện nay, Pháp đang đặc biệt quan ngại về vấn đề an ninh.

Pháp cần “một Ai Cập hùng mạnh và ổn định” để đối phó với mối đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Libya - nước đối tác của họ ở Địa Trung Hải.

Pháp cũng lo ngại việc một số người ở nước ngoài đã gia nhập IS và sau đó quay trở lại để tiến hành chiến dịch trả thù ở châu Âu.

Ngoài ra, Pháp đánh giá cao nỗ lực của Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố với quân đội được huấn luyện và trang bị tốt và không bị chia rẽ.

Ai Cập đang trải qua cuộc chiến chống khủng bố kể từ sau vụ lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi năm 2013 do tướng quân đội khi đó là Abdel Fattah al-Sisi đứng đầu.

Samir Ghatas, Chủ tịch Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược và An ninh Trung Đông, đánh giá:

“Pháp nhận ra rằng Cairo có vai trò thiết yếu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan ở Trung Đông, đặc biệt là chống lại IS. Chi nhánh của tổ chức này ở địa phương đã tiến hành các vụ tấn công đẫm máu sau khi ông Morsi bị lật đổ”.

Phát biểu với Tân Hoa Xã (THX), ông Ghatas cho rằng mối đe dọa an ninh mà Ai Cập đang đối mặt đòi hỏi họ phải đa dạng hóa nguồn lực quân đội và tăng cường công tác chuẩn bị. Biên giới giữa Ai Cập với Libya và Sudan hiện tiềm ẩn nhiều thách thức.

Việc bảo vệ an ninh Eo biển Bab al-Mandab vốn bị đe dọa bởi những căng thẳng ở Yemen là cần thiết cho an ninh của Kênh Suez, bên cạnh sự cần thiết của việc đảm bảo những mỏ khí đốt mới ở Biển Địa Trung Hải.

Theo ông Ghatas, Ai Cập nên sẵn sàng tham gia bất kỳ cuộc chiến nào để hỗ trợ “các đồng minh vùng Vịnh, vốn cấu thành hàng phòng thủ cho Ai Cập”.

Thỏa thuận mua tàu chiến Mistral là thỏa thuận quân sự thứ hai giữa hai nước. Trước đó, tháng 2/2015, Ai Cập đã ký một thỏa thuận trị giá 5,2 tỷ euro để mua một tàu khu trục và 24 máy bay Rafale.

Các tàu chiến Mistral sẽ được chuyển đến Ai Cập vào đầu tháng 3/2016 và theo hợp đồng này, thủy thủ Ai Cập sẽ được huấn luyện 4 tháng ở Pháp.

Cùng quan điểm với ông Ghatas, chuyên gia quân sự Talaat Musalam nói: “Để hỗ trợ các nước vùng Vịnh và để bảo vệ Kênh đào Suez, Ai Cập cần phải chiến đấu ở Yemen”.

Phát biểu với THX, ông Musalam nói: “Tàu Mistral là đặc biệt cần thiết cho việc vận chuyển vũ khí, trực thăng và binh sĩ trong lộ trình dài với tốc độ cao”.

Trong 30 năm qua, Ai Cập vẫn luôn trong thế phòng vệ kể từ sau chiến thắng kẻ thù Israel. Tuy nhiên, theo ông Musalam, hiện nay các mối đe dọa khu vực hiện hữu ở khắp nơi.

Ai Cập đang bị bao vây bởi các “quốc gia thất bại” như Libya, Sudan và Yemen vốn là “mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố”.

Chuyên gia quân sự Musalam nói thêm:

“Thỏa thuận quân sự này dựa trên nhu cầu cần thiết và các mối đe dọa. Mục tiêu của việc mua hai tàu chiến Mistral là để đa dạng hóa ‘nguồn lực quân sự’ và cung cấp cho quân đội các vũ khí và trang thiết bị có hiệu quả cao.

Thỏa thuận này là sự bổ sung và là bước nhảy vọt quan trọng trong kho vũ khí quân sự của Ai Cập”.

Chuyên gia Musalam giải thích rằng mục tiêu của thỏa thuận này là nhằm đạt được sự ưu việt khác biệt và giúp quân đội thực hiện các sứ mệnh chiến đấu bên ngoài biên giới một cách thành thục.

Mistral là một trong những tàu sân bay trực thăng quan trọng nhất trên thế giới và được dùng cho các cuộc chiến trên biển, bởi nó có thể vận chuyển các binh sĩ và máy bay tới các vùng chiến trận bên ngoài biên giới của nước tham chiến. Mistral có trọng tải 22.000 tấn với chiều dài 199m và chiều rộng 32m.

Tàu chiến này có hệ thống tên lửa phòng không và có thể chuyên chở 20-40 trực thăng với 3 radar và một bệnh viện được trang bị đầy đủ.

Theo Saeed al-Lawendy, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Cairo, các chuyến viếng thăm trở lại mới đây giữa hai nước thúc đẩy quan hệ song phương ở nhiều cấp độ khác nhau.

Ông nói: “Pháp đang tìm cách xây dựng cầu nối tin cậy với Ai Cập để làm sâu sắc thêm vai trò của họ ở khu vực Trung Đông”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại