Theo hãng TASS, Ấn Độ đang xem xét khả năng mua bổ sung tiêm kích Su-30MKI của Nga trong trường hợp hợp đồng mua máy bay chiến đấu Rafale của Pháp đổ vỡ.
Nguồn tin trên cho biết, đầu năm 2015, New Delhi chờ đợi phái đoàn Pháp tới hoàn thành cuộc thương lượng và ký hợp đồng trị giá 20 tỷ, bán 126 chiến đấu cơ Rafale cho Không quân Ấn Độ.
Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán sơ bộ đã nảy sinh một số quan điểm bất đồng đáng kể về quá trình chuyển giao công nghệ và vấn đề trị giá hợp đồng bị tăng gấp đôi.
Tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ
Quyết định về thương vụ này được thực hiện năm 2012 sau cuộc mở thầu tìm đối tác, nhưng tới nay Bộ Quốc phòng Ấn Độ và nhà sản xuất máy bay Pháp Dassault Aviation vẫn đang tiếp tục thống nhất điều khoản hợp đồng.
Theo điều kiện hồ sơ dự thầu, 18 chiến đấu cơ đầu tiên sẽ được cung cấp như sản phẩm hoàn chỉnh, phần còn lại được sản xuất theo giấy phép tại Ấn Độ bởi Tập đoàn chế tạo quốc gia Hindustan Aeronautics Limited.
TASS cho rằng, bất đồng quan điểm trong hợp đồng tiêm kích Rafale với Pháp không phải là vấn đề duy nhất hiện nay của Ấn Độ.
Theo đó, New Delhi bắt đầu cảm thấy lo lắng cho bản hợp đồng này sẽ giống với thương vụ tàu Mistral giữa Pháp và Nga nếu Ấn Độ xảy ra xung đột vũ trang với một bên nào đó.
Đây cũng là điều truyền thông Pháp đã từng cảnh báo Ấn Độ. Cụ thể, tờ La Tribune (Pháp) hồi cuối tháng 11/2014 đã cảnh báo Ấn Độ về số phận của thương vụ tiêm kích Rafale, theo đó hợp đồng có thể bị hủy bỏ nếu chiến tranh xảy ra.
Theo La Tribune, Pháp hoạt động rất tích cực trên thị trường xuất khẩu, đặc biệt là vũ khí.
Tình huống với tàu sân bay trực thăng Mistral của Nga đang phá hoại niềm tin của khách hàng với nước Pháp, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu vũ khí khác như Mỹ, Anh và Nga, khai thác tình hình.
Tờ báo này cho biết thêm, hiện nay một số quốc gia xuất khẩu quốc phòng đã gợi ý với Ấn Độ rằng Pháp không đáng tin cậy trong lời hứa, tờ báo viết tiếp rằng về phần mình, người Ấn Độ muốn sự rõ ràng về tương lai các thoả thuận với Paris.
"Nếu ngày mai Ấn Độ có cuộc chiến mới với Pakistan hay Trung Quốc thì liệu Pháp có thực hiện hợp đồng bán Rafale?" - La Tribune đặt ra tình huống.
Theo tờ báo, "máy bay chiến đấu, tàu chiến đều là các vũ khí có khả năng sử dụng với mục đích quân sự, vì vậy hợp đồng Rafale hoàn toàn có thể bị chung số phận như vụ tàu Mistral bán cho Nga".
Những diễn biến quanh hợp đồng bán tàu Mistral cho Nga khiến cho uy tín của Pháp bị ảnh hưởng nặng nề trong việc xuất khẩu vũ khí.
Vì vậy, đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian thuyết phục chính phủ Ấn Độ mua máy bay chiến đấu Rafale.
Hôm 1/12, ông Jean Yves Le Drian đến Delhi, gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar.
Nếu thỏa thuận bán cho Ấn Độ 126 chiếc Rafale được ký kết, Paris hy vọng sẽ nhận được ít nhất 20 tỷ USD.
Tuy nhiên, Delhi không vội vã đi đến quyết định cuối cùng, không chỉ vì chi phí khổng lồ của giao dịch.
Vụ bê bối với việc Pháp từ chối bàn giao tàu sân bay trực thăng Mistral cho Nga đang làm cho Paris mất uy tín với tư cách là nhà cung cấp vũ khí tin cậy.
Rắc rối trong giao dịch với Mistral cực kỳ bất lợi cho Pháp. Theo ước tính khác nhau, chỉ riêng tiền phạt do sai phạm hợp đồng với Nga đã có thể đạt tới trên 3 tỷ Euro.
Nhưng dường như áp lực của Mỹ còn lớn hơn nhiều so với tất cả thiệt hại về kinh tế và uy tín đất nước. Sự phụ thuộc của Pháp vào tình hình chính sách đối ngoại như vậy không thể không khiến cho Ấn Độ quan ngại.
Phó Giám đốc Trung tâm phân tích tình hình mua bán vũ khí thế giới Vladimir Shvarev cho biết:
"Việc từ chối chuyển giao tàu Mistral cho Nga chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến hình ảnh của Pháp với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí đáng tin cậy.
Rất dễ hình dung rằng nếu Hoa Kỳ muốn gây áp lực đối với Ấn Độ - chẳng hạn, khi có bất đồng nào đó về hợp tác trong WTO - họ có thể ép Paris chấm dứt thực hiện hợp đồng Rafale. Khi đó không quân Ấn Độ sẽ có nguy cơ thiếu đồng bộ máy bay chiến đấu hiện đại.
Brazil và Trung Quốc đã nếm trải nguy cơ tương tự. Theo các phương tiện truyền thông quốc tế, các nhà ngoại giao của những nước này bắt đầu hoài nghi về triển vọng hợp tác quân sự-kỹ thuật với Pháp.
Cuối cùng tờ La Tribune kết luận, nếu cảm thấy rủi ro thật sự với hợp đồng Rafale, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ hủy hợp đồng và chuyển sang mua tiêm kích Su-30MKI của Nga.
Như vậy, ngoài khoản tiền phạt 3 tỷ USD Nga kiếm được từ hợp đồng tàu Mistral với Pháp đổ vỡ, Moskva còn kiếm được hợp đồng bán tiêm kích Su-30MKI cực lớn cho Ấn Độ. Và cuối cùng, Nga là người được lợi nhiều nhất.