Pháp không thể bán tàu chở trực thăng lớp Mistral cho NATO hay các quốc gia thành viên thuộc NATO, đặc phái viên của Nga tại NATO, ông Alexander Grushko cho biết cuối tuần trước.
Ông Grushko lý giải tàu Mistral đóng cho Nga được thiết kế phù hợp với hệ thống vũ khí của Nga
"Tôi nghĩ rằng chuyện đó (bán tàu cho NATO) là không thể bởi vì, trước hết, hợp đồng này đã được ký kết giữa Nga và Pháp", ông Grushko nói. "Hơn nữa, tàu đã được thiết kế để trang bị vũ khí của Nga".
Trước đó, Phó Thủ tướng Nga phụ trách quốc phòng Dmitry Rogozin cũng cảnh báo nếu Pháp hủy hợp đồng không giao tàu cho Nga thì họ cũng không được bán cho ai hay đem vào sử dụng mà phải phá hủy chúng đi. Lý do là 1/3 cấu kiện của tàu là do Nga chế tạo.
"Trước hết, phần đuôi của Mistral đã được thực hiện tại Nhà máy đóng tàu Baltic ở St Petersburg. Đó là lý do tại sao nếu họ muốn giữ con tàu, chúng ta sẽ phải phá đi phần đuôi của nó và mang về Nga sử dụng cho các tàu khác ", ông Rogozin nói.
Vào tháng 6.2011, Nga và Pháp đã ký một thỏa thuận trị giá 1,6 tỉ USD để Pháp đóng hai tàu lớp Mistral và chuyển giao công nghệ cho Nga.
Chiếc đầu tiên có tên Vladivostok được dự kiến chuyển đến Nga vào cuối năm 2014 và chiếc thứ hai có tên Sevastopol sẽ được hoàn thành vào năm 2015.
Nhưng Pháp luôn lần lữa giao tàu từ 4 tháng qua với lý do Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Nga cũng không hài lòng trước cách hành xử của Pháp và yêu cầu phải có thái độ rõ ràng: hoặc trao tàu, hoặc trả tiền (gồm cả tiền bồi thường lên đến 3 tỷ USD).
Đã có gợi ý là NATO nên mua tàu của Pháp nhưng Brussels đã từ chối.
"Ngân sách của NATO là quá nhỏ để mua tàu chở trực thăng Mistral mà Nga đặt hàng. Mà dù có mua thì cũng chỉ bù đắp Pháp một nửa tiền phạt theo quy định của hợp đồng", một nguồn tin quân sự tại Brussels, Bỉ thừa nhận.
Ngoài ra, ý tưởng về việc bảo NATO mua tàu Mistral bị cho là "bất hợp lý từ góc độ quân sự" vì tàu “được đóng theo tiêu chuẩn của Nga, nên khi sử dụng cho NATO thì phải tốn thêm tiền chỉnh sửa lại rất đắt đỏ”, nguồn tin NATO cho biết.