Hãng Tass ngày 10/12 dẫn lời Phó giám đốc Tổng công ty Uralvagonzavod, ông Vyacheslav Khalitov, cho biết: “Tôi nghĩ nên đưa tăng T-14 ra khỏi danh sách bí mật quốc gia sau khi tiến hành thêm nhiều bài thử nghiệm và phát triển khác.
Điều này là cần thiết không chỉ bởi quân đội Nga mà còn có thể dùng cho xuất khẩu sang nước ngoài”.
Ông Vyacheslav Khalitov hy vọng, tăng T-14 Armata nhận hộ chiếu hình ảnh xuất khẩu trước năm 2020, đồng nghĩa với việc T-14 Armata có thể được bán cho đối tác nước ngoài.
“Nếu mọi việc suôn sẻ cũng như được phép của Bộ Quốc phòng, tôi nghĩ rằng đến năm 2020, chúng tôi có thể nhận hộ chiếu hình ảnh xuất khẩu”, ông Khalitov nói.
Lần đầu xuất hiện trước công chúng hôm 9/5/2015 trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít ở Quảng trường Đỏ, tăng T-14 Armata lập tức thu hút sự quan tâm của các chuyên gia quân sự nước ngoài.
Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia được cho là đặc biệt quan tâm đến việc mua các siêu tăng T-14 Armata.
Trong khi Trung Quốc muốn bổ sung T-14 để từng bước thay thế tăng chủ lực Type-99, một biến thể của T-72, được sử dụng từ những năm 1980, thì Ấn Độ cũng muốn mua tăng T-14 để thải loại tăng T-90 lỗi thời.
Theo các chuyên gia quân sự thế giới, xe tăng T-14Armata sẽ định hình các xu hướng chính trong ngành chế tạo xe tăng thế giới trong 20-30 năm tới.
Ngoài khả năng vô hình trước radar, lớp giáp của siêu tăng T-14 Armata cũng được đánh giá là không thể chọc thủng và có khả năng bảo vệ trước bất kỳ loại đạn xe tăng hiện có nào, cũng như súng phóng lựu và các tên lửa chống tăng.
Hồi tháng 6/2015, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, tăng chiến đấu thế hệ mới T-14 Armata trong tương lai sẽ được trang bị pháo cỡ nòng 152 mm, có thể bắn thủng lớp thép dày 1m.
Một khi được trang bị pháo 152 mm, T-14 Armata sẽ trở thành xe tăng có pháo lớn nhất và mạnh nhất thế giới.
Pháo tăng cỡ nòng này là gần bằng các loại pháo 155 mm của lực lượng pháo binh.