Nga bí mật và công khai chuyển vũ khí tới Syria

Vũ Việt |

Từ năm 2012 đến nay, Nga đã vận chuyển hàng trăm chuyến vũ khí tới Syria bằng nhiều kênh khác nhau cả công khai lẫn bí mật. Đặc biệt, các loại chiến đấu cơ siêu cồng kềnh và hiện đại như Su-34… qua mặt tình báo Mỹ một cách ngoạn mục.

Đường hàng hải

Cho tới giữa năm 2012, phù hợp với những hợp đồng ký kết với Syria, Nga vẫn chuyển đến Syria các loại vũ khí dành cho chính quyền Tổng thống Assad bằng con đường công khai và tiết kiệm, tức là bằng các chuyến tàu biển thương mại.

Nhưng rồi các nước phương Tây thay đổi lập trường trong vấn đề Syria. Họ đòi Tổng thống Assad phải ra đi và bắt đầu phong tỏa những chuyến chuyên chở vũ khí của Nga.

Giữa tháng 6 năm 2012 xảy ra một biến cố gây xôn xao dư luận, khi chiếc tàu Alaed của Nga chở 25 máy bay Mi-25 đang trên đường tới Syria thì bị chặn lại ngoài khơi Scotland và buộc phải quay trở lại Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh tuyên bố phương Tây và Mỹ không cho phép bất kỳ nước nào chở vũ khí tới Syria, kể cả Nga.

Trước tình hình đó, Nga quyết định chuyển sang việc sử dụng hạm đội. Cuối năm 2012, 25 máy bay lên thẳng và các hệ thống phòng không của Nga đã được chở đến Syria trên chiếc tàu đổ bộ loại lớn Sezar Kulikov.

Từ đó, Nga bắt đầu đều đặn chở vũ khí đến Syria bằng tàu quân sự trong chiến dịch được mệnh danh là Tốc hành Syria.

Tham gia chiến dịch có 16 tàu đổ bộ cỡ lớn trong tổng số 19 chiếc tàu đổ bộ cỡ lớn của Hải quân Nga. Năm 2013, Nga thực hiện được 29 chuyến chuyên chở, năm 2014 – 36 chuyến và năm 2015 – hơn 50 chuyến.

Chiến dịch còn có sự tham gia của các tàu chiến thuộc hạm đội Biển Đen, hạm đội Bắc, hạm đội Baltic và hạm đội Thái Bình Dương. Tính trung bình, mỗi chuyến chuyên chở kéo dài 5 tháng.

Trong số những vũ khí của Nga cung cấp cho Syria có các loại vũ khí phòng không như các hệ thống tên lửa phòng không Buk- M2, Pechora-2M và hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pansir-S1.

Đường hàng không

Việc chuyên chở vũ khí tới Syria được thực hiện cả bằng đường hàng không. Để làm việc này, Nga sử dụng các loại máy bay vận tải quân sự An- 124, Ruslan và Il-76.

Đương nhiên, so với đường hàng hải, đường hàng không bị hạn chế đáng kể.

Chẳng hạn, nếu chiếc tàu đổ bộ cỡ lớn Aleksandr Nikolaev chở được 46 xe tăng T-90 (mỗi xe tăng có trọng lượng 45 tấn) thì loại máy bay Ruslan chỉ chở được 120 tấn (chưa được 3 xe tăng) và loại máy bay Il-16 chỉ chở được 60 tấn (chưa được 2 xe tăng).

Đường hàng hải rất có lợi khi chuyên chở vũ khí theo hợp đồng, tức là khi thời gian không có ý nghĩa quyết định.

Nhưng giờ đây, khi không quân Nga đã tham chiến tại Syria, tình hình đòi hỏi phải hành động nhanh chóng hơn nhiều. Nói cách khác, đường hàng không đã trở thành phương án ưu tiên.

Cầu hàng không nối Nga với Syria đã hình thành từ lâu và chạy qua 2 nước thuộc bán đảo Balcan là Bulgaria và Hy Lạp.

Nhưng đột nhiên, cầu hàng không quen thuộc này gặp trở ngại. Ngày 8 tháng 9 năm nay, Bulgaria dưới sức ép của Mỹ đột ngột quyết định đóng cửa không phận nước mình đối với máy bay Nga. Ít lâu sau, Mỹ cũng gây sức ép buộc Hy Lạp phải đưa ra quyết định tương tự.

Tuy nhiên, trở ngại này đã ngay lập tức được khắc phục và khắc phục khá dễ dàng. Thay cho Bulgaria và Hy Lạp, Iran và Iraq đã cho phép máy bay Nga bay qua không phận của mình đến Syria.

Chính nhờ cầu hàng không mới đó, Nga đã chuyên chở được vũ khí không chỉ cho quân đội Syria mà còn cho lực lượng quân đội Nga đồn trú tại căn cứ quân sự Latakia.

Ngay trước mũi tình báo Mỹ

Cuối cùng, câu hỏi lý thú và quan trọng nhất là Nga đã làm thế nào để đưa các loại chiến đấu cơ siêu hiện đại Su-24, Su-25. Su-30 và Su-34 đến Syria? Hơn nữa, lại giữ được hoàn toàn bí mật khiến tình báo Mỹ cũng phải sửng sốt khi nhận thấy những loại chiến đấu cơ khủng khiếp đó của Nga trên bầu trời Syria.

Đáng chú ý,  những loại chiến đấu cơ nói trên có kích thước rất lớn, đặc biệt là sải cánh rất dài, nên không một loại máy bay vận tải quân sự nào của không quân Nga có thể chứa nổi. Có nghĩa là chúng đã đến được Syria theo “lối đi” riêng của mình.

“Lối đi” đó như thế nào thì cho tới nay vẫn bao phủ trong vòng tuyệt mật. Người ta chỉ có thể phỏng đoán. Giả thuyết có sức thuyết phục hơn hết là giả thuyết được nêu trên tờ báo Mỹ Los Angeles Times dựa vào nguồn tin của cơ quan tình báo Mỹ.

Theo Los Angeles Times, các chiến đấu cơ Nga bay đến Syria dưới sự yểm trợ chống radar của máy bay vận tải quân sự An-124. Mỗi chiếc An-124 hộ tống 4 chiến đấu cơ đã tắt hệ thống radar.

Nhưng chuyên trang quân sự The Aviationist cũng của Mỹ lại cho rằng máy bay yểm trợ chống radar không phải là An-124 mà là Il-76. Ít lâu trước khi phát hiện ra chiến đấu cơ Nga tại căn cứ Latakia ở Syria, tình báo phương Tây đã ghi nhận được một vài chiếc Il-76 hạ cánh xuông sân bay Hamadan ở Iran.

Mà Il-76 chính là loại máy bay có thể bay thẳng một mạch đến Syria không cần hạ cánh giữa đường để tiếp nhiên liệu.

Kết quả là khi thế giới bắt đầu nói tới việc hiện diện của chiến đấu cơ Nga tại Syria thì chúng đã an bài tại Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại