"Vũ khí" bí mật
Theo trang mạng Strategy Page (Mỹ), Nga đang can thiệp vào tình hình Syria bằng một chiến dịch quân sự huy động 4.000 lính (dù Điện Kremlin phủ nhận thông tin này), cùng khoảng 50 máy bay chiến đấu và trực thăng.
Quy mô trên đã bộc lộ một thực tế đáng buồn về nước Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh: Năng lực chiến đấu của quân đội Nga đã mai một và không có nhiều vũ khí mới được chế tạo trong thời kỳ này.
Nga không có nhiều bom thông minh và hiện nhờ cậy chủ yếu vào số bom không điều khiển được chế tạo trong những năm 1980, không lâu trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991.
Xuyên suốt những năm 1990, có khoảng 80% lực lượng vũ trang quy mô lớn của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh bị cắt giảm.
Trong đó, lực lượng Không quân và Hải quân Nga hiện có sức mạnh chưa bằng 10% thời Chiến tranh Lạnh, Lục quân Nga cũng có số lượng lữ đoàn chiến đấu ít hơn.
Tạp chí quốc phòng Anh IHS Jane's từng đưa tin Nga bí mật giúp Syria nâng cấp các tiêm kích MiG-29 lên chuẩn MiG-29SM.
Tuy nhiên, có một ưu thế quan trọng mà người Nga vẫn đang nắm giữ và lực lượng vũ trang Syria cũng đang rất cần tới, đó là khả năng hỗ trợ duy trì và nâng cấp kho vũ khí hầu hết do Nga chế tạo trong biên chế của Syria.
Ít ai biết rằng các nhân viên kỹ thuật và bảo trì người Nga đang đổ về Syria, mang theo phụ tùng, bộ nâng cấp và những thiết bị bảo trì đặc biệt.
Hàng nghìn vũ khí và phương tiện chiến đấu của Syria vốn không thể hoặc chỉ hoạt động được phần nào thì nay đang được khôi phục khả năng chiến đấu.
Nga còn triển khai rất nhiều UAV mới mà họ chế tạo được, phần lớn trong số đó được rút khỏi cuộc chiến ở Ukraine, cùng với nhiều thiết bị tác chiến điện tử hàng đầu thế giới.
Các hệ thống radio mới hoặc đã được sửa chữa, nhiều thiết bị y tế, thuốc men được tăng cường và khẩu phần ăn đầy đủ mà các lực lượng Syria nhận được hàng ngày cho thấy điều kiện hoạt động của họ đang được cải thiện, ngay cả khi không tác chiến.
Điều này tạo điều kiện cho các lực lượng Syria chiến đấu hiệu quả hơn và là một động lực lớn về tinh thần cho người Syria.
Nga học được gì ở Syria?
Đổi lại, Nga đang sử dụng kinh nghiệm ở Syria để nâng cao chất lượng cho lực lượng vũ trang của chính mình.
Chiến đấu cơ Nga xuất kích đánh IS
Người Nga nhận thấy họ chưa bì được với không quân phương Tây về khả năng duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu cho các phi cơ trong khu vực tác chiến.
Các máy bay quân sự của Mỹ ở Trung Đông có tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu vào khoảng 90% trong khi đó tỷ lệ này của Nga chỉ đạt 70%. Kinh nghiệm của người Mỹ cũng lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là ở Trung Đông.
Người Nga đang học hỏi, đặc biệt là từ người Syria về cách thức đối phó với cát, bụi và nắng nóng.
Cùng lúc này, Nga cũng đang hối hả chế tạo nhiều loại bom, tên lửa dẫn đường bằng laser, GLONASS/GPS. Họ đang tìm xem loại bom thông mình nào có khả năng chiến đấu tốt nhất, cải tiến thiết kế của chúng và thậm chí đẩy nhanh quá trình chế tạo.
Trong các đợt không kích tại Syria, máy bay ném bom chiến thuật Su-34 của Nga đã sử dụng bom dẫn đường bằng vệ tinh KAB-500S.
Nga chưa từng có nhiều loại bom này và hiện nay thì họ đang cần tới chúng. Song có lẽ phải đến cuối năm nay, chương trình sản xuất mới mới bắt đầu mang lại sự thay đổi.
Ngay cả khi đó, Nga vẫn chưa thể sử dụng thường xuyên các loại bom dẫn đường thông minh (bằng laser hoặc GPS) như các lực lượng không quân phương Tây và Ả Rập (tỷ lệ sử dụng lên tới hơn 90% trong các cuộc không kích).
Nga được cho là đã sở hữu các vũ khí thông minh kể từ năm 1970, phần lớn trong số này dựa trên những quả bom thông minh (hoặc mảnh vỡ) của Mỹ mà họ tìm thấy ở Việt Nam.
Song, vấn đề là người Nga chưa từng chế tạo hoặc dùng những vũ khí này với số lượng lớn. Trong một thời gian dài, Nga chỉ cân nhắc sử dụng chúng trong vài dịp hiếm hoi và cho tới nay không có nhiều sự kiện tương tự diễn ra.
Kể từ năm 1990, người Nga nhận ra rằng những vũ khí thông minh này có thể tạo ra sự khác biệt lớn, song trong suốt những năm 1990, họ không có kinh phí để phát triển cá loại bom mới.
Đối với Mỹ, mãi đến cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, tác động toàn diện của những vũ khí này mới được chú ý.
Trong cuộc chiến này, chỉ 16% trong số 250.000 quả bom được thả là bom điều khiển. Tuy nhiên, những phân tích sau đó chỉ ra rằng mức thiệt hại mà chúng gây ra cho đối phương chiếm tới 75%.
Sau nhiều lần chứng minh được hiệu quả, tới cuối những năm 1990, Mỹ quyết định sử dụng hoàn toàn bom thông minh.
Nhưng Nga thì không. Khi bom thông minh mới được phát triển ở Nga, chúng được chế tạo rất ít.
Hơn nữa, không có nhiều máy bay chiến đấu của Nga có khả năng mang bom thông minh và các phi công của nước này cũng không có mấy kinh nghiệm với thứ vũ khí ấy.
Do đó, việc Nga sử dụng bom thông minh với số lượng hạn chế ở Syria là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Thực tế đơn giản là Nga có không nhiều vũ khí này, thậm chí số chiến đấu cơ và phi công Nga có khả năng sử dụng chúng còn ít hơn.
Trong khi đó, mặc dù vẫn đang phải học hỏi Nga nhưng Trung Quốc đã chế tạo nhiều bom thông minh và trang bị cho máy bay chiến đấu của họ khả năng sử dụng chúng.
Trong năm 2010, Trung Quốc đã giới thiệu loại bom dẫn đường bằng laser mới là LT-2. Loại bom này nhìn rất giống với bom dẫn đường laser KAB-500L của Nga. Trong khi đó, KAB-500L có nhiều điểm tương đồng với dòng bom Paveway của Mỹ.
Năm 1994, Trung Quốc đã giới thiệu một loại bom dẫn đường bằng laser có vẻ được chế tạo bằng kỹ thuật đảo ngược công nghệ trên bom Paveway. Song, do loại bom này hoạt động không hiệu quả nên Trung Quốc đang sử dụng bom thông minh của Nga làm hình mẫu.