Dưới đây là tóm lược nội dung bài viết:
Lực lượng máy bay nhiều hạn chế
Trong nhiều năm, quân đội Nga rơi vào tình cảnh xuống cấp nhanh chóng về vật chất và nhân lực. Mãi tới 6 năm trước, công cuộc tái cấu trúc và hiện đại hóa lực lượng không quân mới được chú trọng. Cuộc xung đột Syria diễn ra khi quân đội Nga đang trong quá trình này.
Những chiến đấu cơ già cỗi như MiG-21, MiG-23, MiG-25 và MiG-27 đã bị loại biên, một số lượng nhỏ tiêm kích MiG-29 cũ hơn vẫn duy trì hoạt động.
Hiện tại, phần lớn lực lượng máy bay chiến đấu của Nga gồm 4 phiên bản của dòng máy bay Su-27, trong đó có phiên bản máy bay ném bom mới nhất là Su-34.
Phi đội tiêm kích chủ yếu của Nga tại Syria gồm 6 tiêm kích đánh chặn MiG-31 tại Damascus (tháng 8 năm nay có thông tin Nga đã cung cấp cho Syria tiêm kích đánh chặn MiG-31 theo hợp đồng ký kết giữa hai nước vào năm 2007) và 4 chiếc Sukhoi-30 ở Latakia.
Chúng được triển khai nhằm ngăn chặn kế hoạch Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lập vùng cấm bay tại phía bắc Syria và không tác động trực tiếp tới cuộc chiến ở mặt đất.
Đáng chú ý hơn là việc triển khai là việc triển khai máy bay Su-34, trong đó lực lượng Không quân Nga hiện có khoảng 60 chiếc đang hoạt động.
6 chiếc máy bay loại này được triển khai ở Syria mang lại khả năng tấn công tầm xa qua việc phóng các loại đạn dẫn đường bằng GPS, một chiến thuật lần đầu tiên Không quân Nga áp dụng.
Những đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga đăng tải trên youtube cho thấy một chiếc Su-34 đang phóng bom dẫn đường chính xác KAB-500 tại Syria.
Tuy nhiên, Su-34 là một dòng máy bay mới và khó có thể duy trì tần suất xuất kích cao. Hay nói theo cách khác, không thể nhiều hơn 4 máy bay cùng xuất kích trong một thời điểm.
Lực lượng máy bay ném bom của Nga tại Syria cũng bao gồm 12 chiếc Su-24. Tuổi thọ trung bình của những máy bay này là hơn 25 năm.
Chỉ có 2 phi đoàn được nâng cấp vì chúng hiện đang được thay thế bằng các máy bay Su-34. Su-24 có hồ sơ an toàn tồi tệ nhất trong không quân Nga và đòi hỏi rất nhiều nhân lực để duy trì hoạt động.
Không quân Syria cũng có 20 máy bay được nâng cấp tương tự vào thời điểm đầu cuộc chiến tranh nhưng đã mất 2 chiếc, một do lực lượng phiến quân tiêu diệt và một bị bắn hạ sau khi lạc vào không phận Israel 800m.
Để ném bom chính xác, Su-24 phụ thuộc vào pod chỉ thị mục tiêu laser thế hệ 3 do hãng Thales (Pháp) sản xuất. Tuy nhiên, điều cốt yếu là nó đã già cỗi và đang trong quá trình bị loại biên.
Để chi viện chiến thuật cho bộ binh, câu chuyện cũng không khả quan hơn đối với những máy bay Su-25. 12 chiếc được triển khai ở Syria dường như thuộc biến thể đã được nâng cấp.
Su-25 tại căn cứ ở Syria
Tuy nhiên, hiệu suất của máy bay này trong cuộc chiến ở Gruzia không được đánh giá cao. Hạn chế trong hoạt động ban ngày và hạn chế trong khả năng phòng vệ đã khiến Su-25 trở thành miếng mồi ngon cho các hệ thống phòng không.
Gần đây, tại Iraq, Su-25 nhanh chóng được triển khai để thúc đẩy năng lực của Không quân Iraq trước IS. Lực lượng này bị thiệt hại nặng do những vụ tai nạn và hỏa lực phòng không làm tiêu hao sinh lực.
Ngoài thiếu khả năng hoạt động ngày-đêm và trong mọi điều kiện thời tiết, Su-25 còn không bền bỉ được như Cessna 208 - đây là loại máy bay từng được Iraq sử dụng, nó có thể theo dõi và tiêu diệt mục tiêu cả ngày lẫn đêm.
Không có hệ thống nào trong kho vũ khí Nga có thể sánh được với tên lửa Hellfire của Mỹ, loại vũ khí này phù hợp để tấn công các mục tiêu cơ động tốc độ cao bên ngoài phạm vi hỏa lực phòng không.
Không có gì ngạc nhiên khi mùa hè năm ngoái, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki yêu cầu được cung cấp ngay những tên lửa Hellfire để đối phó IS.
Những máy bay của Nga đều được chế tạo trong những năm 1980 và có tuổi đời trung bình 27 năm. Mặc dù được nâng cấp nhưng hầu như không có chiếc nào có khả năng thả những loại bom dẫn đường GPS.
Ít khả năng Su-25 sẽ thành công ở Syria sau màn thể hiện ở Iraq.
Thiếu phương tiện trinh sát hiệu quả
Tình hình cũng không tốt hơn với các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát, chủ yếu do phương tiện bay không người lái (UAV) tiến hành.
Ngành hàng không vũ trụ của Nga vẫn còn đi sau trong lĩnh vực UAV. Không có phương tiện bay tầm cao hoặc tầm trung nào do Nga sản xuất có thể hoạt động trong thời gian dài. Họ buộc phải nhờ đến Israel để lắp đặt UAV Heron trong nước.
Thiếu UAV có thời gian hoạt động dài đã cản trở nghiêm trọng những nỗ lực thu thập thông tin kịp thời của Nga trong mọi điều kiện thời tiết để can thiệp chính xác.
Khiếm khuyết này không thể được bù đắp chỉ bằng một máy bay trinh sát điện tử Ilyushin-20M mà Nga điều tới Syria.
Bị lu mờ trước Mỹ
Lực lượng Nga được điều đến Syria bị lu mờ khi so sánh với hỏa lực của bất kì tàu sân bay lớp Nimitz nào của Hải quân Mỹ. 6 chiếc Su-34, 12 Su-24, 12 Su-25 không thể sánh với 4 phi đoàn bay “Siêu ong bắp cày”.
Trên thực tế, nếu người Nga có thứ gì đó có thể so sánh với tàu sân bay USS Nimitz thì họ đã không cần đến căn cứ ở Tartous.
Đô Đốc Kuznetsov - tàu sân bay duy nhất của Nga không mang lại kết quả gì. Loại máy bay cũ, nhiều điểm yếu Su-33 trên tàu sân bay này cũng không mang lại bất kỳ sự chi viện chiến thuật giá trị nào từ trên không.
Rủi ro đối với tên lửa hành trình cũng là nhân tố khác nhắc nhở về hạn chế kỹ thuật của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
4 trong số 24 tên lửa mà Nga phóng từ biển Caspian nhằm vào các mục tiêu IS tại Syria được cho là đã rơi xuống Iran.
Chiến dịch triển khai lực lượng ở Syria có thể đã gia tăng hình ảnh của Nga với vai trò là một đồng minh hùng mạnh và đáng tin cậy, tuy nhiên ít có khả năng cho thấy quy mô của sự can dự này sẽ tạo ra tác động đáng kể trên chiến trường.
Những thiệt hại nặng nề của pháo binh Syria do các tên lửa chống tăng TOW sau những ngày Nga không kích ở tỉnh Idlib không phải là điềm báo tốt cho người Nga.
Khả năng những loại vũ khí đang được Nga quảng bá tại Syria sẽ tìm được khách hàng mới cũng rất đáng nghi ngờ.
Tuy vậy, người Nga quả thực đã đảm bảo được vị trí tốt nhất cho họ trong bất kỳ thỏa thuận chính trị sau cùng nào, song cái giá phải trả cho hành động này là gây thù hằn với thế giới của người Sunni.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Basem Shabb