Nga bán S-300 cho Iran: Vì sao Mỹ "toát mồ hôi"?

Hải Vy |

Theo Zvezda, S-300 - một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất trên thế giới - đã thể hiện được sức mạnh trên mặt trận chính trị.

Theo kênh truyền hình Nga Zvezda, các hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tại Iran sẽ ngăn cản Mỹ gây áp lực chính trị đối với Tehran và củng cố vị thế của Nga trong khu vực, đặc biệt là khi Moscow đang dẫn đầu chiến dịch chống khủng bố vô cùng thành công ở Syria.

Zvezda dẫn lời chuyên gia Ruslan Pukhov, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (trụ sở tại Moscow) nhận định:

Người Mỹ hiểu rõ rằng "các vũ khí Nga và Trung Quốc tại Trung Đông đang làm thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh trong khu vực và hơn thế nữa".


Đạn tên lửa S-300 rời bệ phóng.

Đạn tên lửa S-300 rời bệ phóng.

S-300 được đánh giá là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất trên thế giới nhưng còn thể hiện được sức mạnh của mình trên mặt trận chính trị.

Chẳng hạn, S-300 đã trở thành công cụ răn đe hiệu quả ở Syria vào năm 2012. 3 năm trước, Washington quyết định không tấn công vào các lực lượng của chính quyền Damascus, do quân đội Syria có trong tay các tổ hợp tên lửa không-đối-không này.

Theo Zvezda, người Mỹ không muốn chứng kiến cảnh S-300 ra trận.

Giới chuyên gia Mỹ nhận định, các hệ thống S-300 sẽ giúp Iran thiết lập một vùng cấm bay đối với các chiến đấu cơ F-16 và F/A-18.

Chỉ có máy bay ném bom B-2 và tiêm kích tàng hình F-22 là có khả năng hoạt động trong một khoảng thời gian hạn chế tại các khu vực được S-300 bảo vệ, do hệ thống phòng thủ tên lửa này có thể dễ dàng thay đổi vị trí trong vài giờ đồng hồ.

Ông Pukhov nói:

"Hệ thống phòng thủ tên lửa này có thể chống tiếp cận đối với không phận phía trên vịnh Persian... Nó có thể vô hiệu hóa gần như hoàn toàn các năng lực quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Israel và Ả-rập Xê-út sẽ tự động mất ưu thế trên không và sẽ không thể tiến hành các cuộc tấn công đường không trong khu vực, cũng như vào một số vùng của Syria".

Màn thị uy sức mạnh với hàng chục tên lửa S-300

Moscow và Tehran đã ký thỏa thuận cung cấp 5 hệ thống S-300 trị giá 800 triệu USD vào năm 2007.

Tới năm 2011, Iran kiện Nga ra Tòa án Trọng tài Geneva sau khi Moscow đình chỉ hợp đồng này vào năm 2010 do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh cấm bán vũ khí với Tehran.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nới lỏng lệnh cấm chuyển giao S-300 cho Iran vào tháng 4/2015, không bao lâu sau khi nhóm P5+1 và Iran đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân.

Theo thỏa thuận này, tất cả các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran sẽ được gỡ bỏ, đổi lại, Iran phải cam kết đảm bảo rằng tất cả các nghiên cứu hạt nhân của nước này đều nhằm mục đích hòa bình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại