Phần 1: Trận đấu S-300 - Máy bay Mỹ ở Iran qua góc nhìn chuyên gia Việt
Với quyết định chuyển giao tên lửa S-300 cho Iran, Tổng thống Nga Vladimir Putin không chỉ hành động hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, mà còn tạo ra những thay đổi lớn trong cục diện địa-chính trị ở trên lục địa Á-Âu.
Iran: Tâm điểm cạnh tranh địa - chính trị toàn cầu
Xét về địa lý, Iran tiếp giáp với vịnh Oman, vịnh Persic, biển Caspi là ba khu vực có ý nghĩa giao thương có tính huyết mạch.
Trong đó eo biển Hormus có ý nghĩa chiến lược, là luồng nước hẹp đổ từ vùng vịnh Persic ra Ấn Độ Dương.
Hàng ngày, có khoảng 1/4 khối lượng dầu thế giới được vận chuyển qua eo biển này tới các thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ và Nhật Bản.
Iran tiếp giáp với nhiều nước Trung Á và Nam Á như Afghanistan, Armenia, Azerbaijan, Turkmenistan, Pakistan, nơi đang diễn ra “bàn cờ lớn” trong thế kỷ XXI giữa các cường quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.
Iran còn sở hữu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt với trữ lượng đứng hàng thứ 2 thế giới, chỉ sau Saudi Arabia.
Ở Trung Đông, Iran vừa là “kẻ thù không đội trời chung” với Israel - đồng minh chiến lược của Mỹ, vừa là đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng với Saudi Arabia trong cuộc tranh giành vị thế lãnh đạo thế giới Hồi giáo.
Iran cũng là quốc gia ủng hộ các tổ chức mà Mỹ cho là khủng bố quốc tế như Hamas và Hezbollah.
Do đó, Iran là một tâm điểm của nền chính trị thế giới đương đại, trong đó có sự cạnh tranh lợi ích chiến lược giữa các nước lớn ngoài khu vực, trước hết là Mỹ, Nga, EU, Trung Quốc, cũng như giữa các nước trong khu vực, gồm Saudi Arabia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.
Vì thế, từ lâu các nước lớn đều có những toan tính chiến lược trong quan hệ với Tehran.
Đối với Trung Quốc, với vai trò ngày càng gia tăng trong nền chính trị và kinh tế toàn cầu, Bắc Kinh có nhiều lợi ích chiến lược về kinh tế, chính trị và quân sự một khi có được ảnh hưởng ở Iran.
”Con đường tơ lụa mới” trong thế kỷ XXI của Trung Quốc sẽ không thể thực thi thành công nếu thiếu sự tham gia của Iran.
Đối với Nga, Iran là một quốc gia có tầm quan trọng then chốt trong việc giúp Nga phát triển ảnh hưởng ở Trung Đông, vừa hạn chế ảnh hưởng của các nước khác trong khu vực.
Hiện nay, Nga có quan hệ hợp kinh tế, thương mại, hợp tác kỹ thuật-quân sự và hạt nhân với Iran.
Nga và Iran đã ký nhiều hiệp định quan trọng, góp phần gia tăng đáng kể tiềm lực quân sự của Iran, trong đó Nga cung cấp cho Iran nhiều vũ khí hiện đại, như tiêm kích MiG-29, Su-24MK, tên lửa phòng không S-200, Tor-M1, xe tăng T-72, xe bọc thép chở quân (BMP).
Hệ thống tên lửa S-200 của Iran
Chính phủ Iran đã soạn thảo một chương trình hiện đại hoá quân đội trong vòng 25 năm dựa chủ yếu vào vũ khí của Nga.
Moscow đã đầu tư 800 triệu USD cho kế hoạch xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở Iran.
Công trình xây dựng nhà máy điện nguyên tử trị giá gần 1 tỷ USD ở Bushera của Iran, dự án nước ngoài đầu tiên sau khi Liên Xô sụp đổ, đã góp phần giúp cho ngành hạt nhân của Nga sống sót.
Nga sẽ ký thêm hợp đồng xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân khác nữa.
Đối với Mỹ, Iran là tâm điểm cạnh tranh địa-chính trị ngày càng gay gắt với Nga và Trung Quốc. Do đó, mục tiêu không bao giờ thay đổi của Mỹ đối với Iran là lật đổ chế độ cầm quyền hiện nay ở Tehran.
Năm 2011, Mỹ đã từng chuẩn bị kịch bản “Mùa Xuân Arập” để lật chính phủ Iran.
Ngay sau khi tiêu diệt Tổng thống Libya Muammar Gaddafi, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain đã từng tuyên bố rằng: “kịch bản Libya” có thể sẽ được lặp lại ở nhiều nước khác, trước hết là Iran.
Đối với Israel và Saudi Arabia - hai đồng minh chủ yếu của Mỹ, Iran là “kẻ thù không đội trời chung” bởi Saudi Arabia đang theo đuổi tham vọng vươn lên đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực, còn Israel có tham vọng mở rộng lãnh thổ và bị Iran cản phá.
Trên thực tế, cái gọi là “nỗ lực ngăn chặn nguy cơ hạt nhân của Iran” nằm trong chiến lược dài hạn của Mỹ nhằm 3 mục đích chủ yếu:
(1) Khống chế nguồn dầu mỏ và khí đốt khổng lồ của Iran;
(2) Kiểm soát tuyến đường biển quan trọng ở Tây Á đi qua eo biển Hormuse;
(3) Thực hiện chiến lược “dân chủ hoá" đối với Trung Đông.
Đối với Mỹ, cái gọi là “mối đe doạ từ phía Iran” không phải là chương trình hạt nhân. Ngay cả khi vấn đề hạt nhân của Tehran đã được giải quyết, cũng khó khắc phục được những mâu thuẫn còn lại giữa Mỹ và Iran.
Nước cờ chiến lược của Putin trong “bàn cờ lớn” trên lục địa Á-Âu
Bề ngoài, thỏa thuận khung của Nhóm P5+1 với Iran có thể hiểu là Iran từ bỏ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân để được Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp cấm vận theo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc năm 2010 về chương trình hạt nhân của nước này.
Trên thực tế, Mỹ và các nước phương Tây đã thất bại khi thực hiện các biện pháp cấm vận Iran trong 5 năm vừa qua.
Hiện nay, họ phải điều chỉnh chiến lược theo hướng lôi kéo Tehran tham gia cuộc chơi mới trên “bàn cờ lớn” ở lục địa Á-Âu.
Tác giả Mike Whitney trong bài viết với tựa đề “Another Idiotic Plan to Hurt Russia” trên báo “CounterPunch” (Mỹ), số ra ngày 20/4/2015, nhận định:
Các cuộc đàm phán giữa Nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức với Iran) không có liên quan gì tới câu chuyện Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Thực chất, đó là nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập và suy yếu Nga. Bằng cách dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Tehran, Mỹ sẽ thuyết phục Iran thay thế vai trò của Nga trên thị trường năng lượng (khí đốt) ở Châu Âu.
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ dầu mỏ của Iran, ông Ali Majedi, trong chuyến công du Châu Âu đã từng đưa ra đề xuất tái khởi động đề án xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Nabucco” và cho biết Tehran sẽ tham gia đề án này để cung cấp khí đốt cho Châu Âu.
Ngày 13/4/2014, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố rằng, Tehran sẵn sàng cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu nhưng sẽ không có ý định thay thế hoặc thách thức Nga.
Hệ thống S-300 khai hỏa
Do đó, quyết định của Putin chuyển giao S-300 và không loại trừ khả năng chuyển giao những vũ khí phòng thủ hiện đại hơn như tên lửa S-400 cho Iran trong tương lai nhằm tăng cường tiềm lực quân sự của quốc gia này là “nước cờ đi trước” trên “bàn cờ lớn” ở lục địa Á - Âu.
Bởi đối với Iran, lợi ích an ninh còn quan trọng hơn lợi ích kinh tế.
Hiện nay, Iran sắp trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức hợp tác Thượng Hải SCO (gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan).
Tại hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này sẽ diễn ra ở Nga trong năm 2015, có thể Iran sẽ được kết nạp vào SCO.
Iran cùng với Nga cũng đã là thành viên tham gia sáng lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở Châu Á (AIIB) do Trung Quốc đề xuất.
Đối với Iran, với lá chắn phòng thủ vững chắc trên cơ sở hợp tác kỹ thuật - quân sự với Nga, lại được dỡ bỏ các biện pháp cấm vận, Iran sẽ là một yếu tố quan trọng làm thay đổi cục diện địa - chính trị không chỉ ở Trung Đông mà cả trên lục địa Á - Âu.
Quyết định của Tổng thống Nga Putin chuyển giao tên lửa S-300 cho Iran còn là lời cảnh báo Mỹ cần tôn trọng các lợi ích của Nga.
Năm 2010, Tổng thống Nga hồi đó là Dmitry Medvedev đã ngừng chuyển giao S-300 Iran theo hợp đồng ký giữa hai nước năm 2007, để nhận được lời hứa của Tổng thống Mỹ Obama “sẽ dỡ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu” ngay sau khi tái đắc cử năm 2012.
Tuy nhiên, lời nói gió bay, sau khi ở lại trong Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa, Tổng thống Obama đã không thực hiện lời hứa đó.
Thậm chí, ông Obama còn thuyết phục Moscow rằng sau khi vấn đề hạt nhân của Iran được giải quyết thì “lá chắn tên lửa” ở Châu Âu “sẽ không còn có ý nghĩa nữa”.
Thế nhưng, sau khi vừa đạt được thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran ngày 2/4/2015, Washington lại khẳng rằng việc triển khai “lá chắn tên lửa” ở Châu Âu “không có liên quan gì tới vấn đề hạt nhân của Iran (!?)
Như vậy, bằng quyết định chuyển giao tên lửa S-300 của Nga cho Iran, Tổng thống Nga Putin muốn gửi tới Tổng thống Mỹ Obama những thông điệp rõ ràng. Đó là:
(1) Nga đã chịu đứng quá mức trước sự thất hứa của Mỹ nên từ nay, mỗi hành động của Mỹ đe dọa an ninh quốc gia của Nga sẽ nhận được hành động đáp trả của Moscow và đã đến lúc Mỹ cần tôn trọng lợi ích của Nga;
(2) Moscow sẽ giúp đỡ những quốc gia nào đang đứng trước nguy cơ bị xâm lược tăng cường khả năng phòng thủ;
(3) Nếu không hợp tác với Nga, Mỹ sẽ không thể một mình giải quyết được nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Để thảo luận cùng tác giả hoặc nêu quan điểm về bài viết, kính mời quý độc giả nhập ý kiến vào ô Bình luận bên dưới. Trân trọng!