Những hình ảnh mới nhất của buổi hợp luyện Lễ diễu binh - diễu hành kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã cho thấy không có sự tham gia của các phương tiện cơ giới.
Nổi bật nhất trong buổi lễ ngày 30/4 có lẽ vẫn là khối chiến sĩ lục quân mang súng carbine Galil ACE 31 do Việt Nam sản xuất và khối chiến sĩ đặc công dù lần đầu tiên xuất hiện.
Như vậy có thể người xem sẽ chưa cảm thấy thật sự thỏa mãn. Tuy nhiên đây nhiều khả năng chỉ là sự kiện mở đầu cho một buổi duyệt binh hoành tráng hơn được tổ chức vào ngày 2/9, chào mừng quốc khánh lần thứ 70 nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Vậy trong trường hợp Lễ duyệt binh được tổ chức, những phương tiện cơ giới nào có thể sẽ xuất hiện?
Lục quân
Trong cuộc duyệt binh tại quảng trường Ba Đình năm 1985, ngôi sao của khối lục quân có lẽ chính là những xe chiến đấu bộ binh BMP-1 hiện đại nhất của Việt Nam khi đó. Còn trong năm nay, vị trí này rất được hy vọng sẽ là của xe tăng chiến đấu chủ lực T-90.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90A của Lục quân Nga duyệt binh trên quảng trường Đỏ
Nhận định trên nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực, nhất là gần đây Việt Nam đã tiếp nhận xe đầu kéo chở tăng thế hệ mới KZKT-7428 Rusich, loại chuyên đi kèm với xe tăng T-90.
Ngoài ra, khả năng pháo tự hành CAESAR của Pháp sẽ xuất hiện cũng nên được tính tới, mặc dù viễn cảnh trên khá xa xôi vì hợp đồng vẫn chưa chính thức được ký kết, thay vào đó chúng ta nên đặt hy vọng vào pháo phản lực phóng loạt BM-30 Smerch.
Đáng tiếc là dự án nâng cấp xe tăng T-55 vẫn chưa được tiến hành trên diện rộng để Việt Nam có một phương tiện của riêng mình, không "đụng hàng" trong Lễ duyệt binh.
Phòng không
Hình ảnh những xe vận chuyển TMZ chở theo đạn tên lửa V-600 của tổ hợp phòng không S-125 Pechora đã từng xuất hiện trên quảng trường Ba Đình hồi năm 1985 gần như chắc chắn sẽ được tái hiện vào năm 2015.
Nhưng hiện nay hệ thống S-125 cũ đã được nâng cấp lên chuẩn S-125-2TM tiên tiến hơn rất nhiều.
Xe mang phóng tự hành 5P85SE của tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân.
Nếu đã có S-125-2TM thì không thể không có sự xuất hiện của tổ hợp phòng không tầm xa S-300PMU1.
Nhưng do hiện nay Việt Nam mới có 2 trung đoàn trang bị S-300PMU1 bố trí ở 2 đầu đất nước với khoảng 12 xe phóng, nên đi kèm xe 5P85SE sẽ phải có thêm xe radar 30N6E hoặc 96L6E để đội hình đỡ trống trải.
Hệ thống phòng không SPYDER-SR/MR của Israel gần như chắc chắn sẽ chưa thể góp mặt vì gần đây Học viện Phòng không - Không quân mới tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho các đối tượng thuộc những đơn vị được giao tiếp nhận, quản lý, khai thác vũ khí, khí tài mới.
Không quân
Lễ duyệt binh ngày 2/9 sẽ là cơ hội vàng để công chúng lần đầu tiên được quan sát đội hình phi cơ của Không quân Việt Nam bay trình diễn.
Theo như thông lệ hàng năm thì bay dẫn đầu chắc chắn vẫn là những trực thăng Mi-8/17/171 mang Quốc kỳ và Đảng kỳ. Tiếp đó có thể là 3 máy bay vận tải thế hệ mới C-295M mà Việt Nam vừa tiếp nhận, rồi đến đội hình CASA C-212 và DHC-6.
Ngôi sao và cũng là phương tiện cơ giới cuối cùng trình diễn trong Lễ duyệt binh không thể là ai khác ngoài Su-30MK2, loại máy bay chiến đấu đa năng hiện đại nhất của Việt Nam.
Những chiếc Su-30MK2 trên sẽ là của Trung đoàn 923 hoặc 929, hai đơn vị đóng quân ngoài miền Bắc được trang bị loại tiêm kích tối tân này, số lượng có thể là từ 4 tới 9 chiếc, bay theo đội hình cánh cung (4 chiếc) hoặc hình tháp (6 chiếc) hoặc tinh thể kim cương (9 chiếc).
Trên đây là một số nhận định, dự đoán về những phương tiện cơ giới có thể góp mặt trong Lễ duyệt binh ngày 2/9 trên quảng trường Ba Đình.
Rất hy vọng sự kiện trên sẽ được tổ chức để nhân dân cả nước thêm tự hào về sức mạnh và sự phát triển không ngừng của Quân đội nhân dân Việt Nam.