Nguồn cung vũ khí chủ yếu của Niu Đê-li
Trong nỗ lực tăng cường kho vũ khí của mình, Ấn Độ đã nhập một lượng lớn vũ khí, thiết bị quân sự đủ chủng loại từ Nga với giá trị thương mại song phương vào khoảng 10 tỷ USD/năm. Thời báo Hoàn cầu dẫn nguồn tin từ Trung tâm Phân tích giao dịch vũ khí toàn cầu của Nga cho biết, trong năm 2012, Ấn Độ vẫn là khách hàng lớn đối với 10 loại vũ khí hạng nặng xuất khẩu của Mát-xcơ-va.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Xtốc-hôm (SIPRI) cho biết thêm, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm tới 10% tổng giá trị hợp đồng mua vũ khí trong giai đoạn 2007-2011. Đáng chú ý là khoảng 70% lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ là do Nga cung cấp, BBC cho hay.
Gần đây nhất, trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga V. Pu-tin vào cuối tháng 12 năm ngoái, hai bên đã ký một số thỏa thuận quân sự với tổng trị giá 2,9 tỷ USD. Theo BBC, thỏa thuận bao gồm việc Niu Đê-li sẽ mua thêm 42 máy bay chiến đấu Sukhoi SU-30MKI và 71 trực thăng vũ trang MI-17V-5 của Mát-xcơ-va, trong đó 12 chiếc dùng làm phương tiện cơ động cho các lãnh đạo và 59 chiếc được biên chế cho lực lượng không quân.
Trong năm nay, Nga cũng sẽ bàn giao cho phía Ấn Độ một số hợp đồng quan trọng. Cách đây ít ngày, Nga đã bắt đầu cho chạy thử cấp quốc gia tàu khu trục Trikand được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos đóng cho Ấn Độ. Theo hợp đồng ký năm 2006, Nga sẽ đóng ba tàu khu trục Trikand cho Ấn Độ. Hai chiếc đầu tiên mang tên Teg và Tarkash đã lần lượt được bàn giao vào tháng 4 và tháng 11-2012. Chiếc còn lại sau thời gian chạy thử dự kiến sẽ đến tay Niu Đê-li vào tháng 6 năm nay.
Cùng với việc nhấn mạnh hợp tác quân sự Nga-Ấn đã đạt tới “tầm cao chưa từng có”, Tổng thống Nga V. Pu-tin thậm chí còn tỏ ý muốn tăng kim ngạch thương mại quân sự hai chiều giữa hai nước lên 20 tỷ USD vào năm 2015.
Nguy cơ đánh mất vị trí độc tôn
Dù trên thực tế vẫn đang là nhà cung cấp vũ khí số một cho Ấn Độ, nhưng vị trí của Nga đang bị lung lay dữ dội. Trong bản danh sách mua bán vũ khí của Ấn Độ gần đây đã xuất hiện một số cái tên đến từ Mỹ, Pháp hay I-xra-en…
RIA Novosti cho hay, riêng trong năm 2012, Ấn Độ đã chọn mua 126 máy bay chiến đấu trị giá 11 tỷ USD của hãng Dassault Rafale (Pháp) và 15 trực thăng hạng nặng trị giá 1,4 tỷ USD của hãng Boeing, thay vì tìm đến các sản phẩm của Nga như thường lệ. Có thể nói, Nga không còn là cái tên “bất khả chiến bại” trong các cuộc đấu thầu bán vũ khí cho Ấn Độ như trước kia.
Sự thay đổi đó trước hết là vì Ấn Độ đang muốn đa dạng hóa các nguồn cung cấp của mình. Có vẻ như Niu Đê-li nhận thấy rằng, việc tăng cường tiềm lực quân sự bằng cách dựa vào một nhà cung cấp vũ khí duy nhất không phải là một lựa chọn sáng suốt.
Bên cạnh đó, những trục trặc và tranh cãi liên quan đến giá cả, chất lượng, thời hạn bàn giao vũ khí giữa hai nước cũng đã khiến Niu Đê-li phần nào tỏ ra không hài lòng. Việc Nga trì hoãn quá trình bàn giao tàu sân bay Admiral Gorshkov (được Ấn Độ đổi tên thành INS Vikramaditya) có thể coi là một ví dụ điển hình. Theo kế hoạch, lẽ ra Nga phải giao tàu sân bay này cho Ấn Độ từ tháng 8-2008, song hợp đồng đã bị trì hoãn nhiều lần và được ấn định tới cuối năm 2013, khiến giá trị hợp đồng bị đội lên tới 2,3 tỷ USD so với giá ban đầu là 947 triệu USD.
Hợp tác đôi bên cùng có lợi
Có thể nói, điểm then chốt trong quan hệ quân sự Nga - Ấn trong tương lai là cùng nhau phát triển nhiều loại vũ khí tối tân, chứ không chỉ dừng lại ở các vụ mua bán vũ khí thông thường, bởi điều này có thể mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Dù lượng mua bán vũ khí giữa hai nước hiện nay có phần giảm sút, thì vẫn phải thừa nhận rằng, Ấn Độ vẫn coi Nga là đối tác tin cậy hơn cả trong hợp tác về khoa học kỹ thuật quân sự.
Sự hợp tác đó đã được minh chứng rõ nhất thông qua việc Mát-xcơ-va và Niu Đê-li cùng nghiên cứu và cho ra mắt loại tên lửa đạn đạo siêu thanh BrahMos và tổ hợp máy bay chiến đấu đa năng tối tân. Các loại vũ khí này có tiềm lực được cho là sánh ngang với các loại vũ khí tương đương của Mỹ và các đồng minh đang cùng sản xuất.
Ngay từ năm 2000, Nga và Ấn đã bắt đầu bàn thảo về việc hợp tác nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, bởi Ấn Độ không thể tự lực phát triển máy bay chiến đấu hạng nặng và Niu Đê-li muốn tận dụng thế mạnh của Nga trong lĩnh vực này. Thông qua hợp tác, Ấn Độ có thể dần dần thực hiện những bước nhảy về năng lực khoa học kỹ thuật quân sự của mình. Đổi lại, hợp tác phát triển vũ khí cũng là cách để Mát-xcơ-va thắt chặt quan hệ với khách hàng truyền thống của mình, từ đó giành thêm nhiều hợp đồng giá trị.
Hiện nay, Ấn Độ cũng đang tự phát triển hai hàng không mẫu hạm với sự trợ giúp đắc lực về kỹ thuật của Nga, chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2017.
Bên cạnh đó, việc Ấn Độ rót khá nhiều tiền của vào hợp tác quân sự với Nga một phần cũng là do lo ngại Nga sẽ thắt chặt quan hệ hơn với Pa-ki-xtan. Với dự án chung tên lửa đạn đạo siêu thanh BrahMos, lực lượng không quân Ấn Độ sẽ được tăng cường tiềm lực tấn công từ xa và có thể thực hiện các cuộc tấn công vượt qua hệ thống phòng thủ trên không của Pa-ki-xtan.
Có thể nói, mối quan hệ “cộng sinh” ấy chính là cơ sở để người ta tin rằng, những dòng vũ khí tối tân của Nga sẽ tiếp tục ào ạt tiến về Niu Đê-li trong thời gian tới.