Nếu không phải bom H, Triều Tiên đã thử vũ khí gì sáng nay?

Vy Lam |

Triều Tiên vừa tuyên bố thử nghiệm thành công bom H, song theo các chuyên gia, làm chủ công nghệ và kỹ thuật phát triển loại vũ khí này không hề đơn giản.

Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom H

Triều Tiên vừa tuyên bố thử nghiệm thành công một quả bom hydro (còn được biết đến là bom nhiệt hạch, bom khinh khí, bom H) được thu nhỏ kích thước.

Cuộc thử nghiệm diễn ra vào lúc 10h sáng ngày 6/1 (giờ địa phương, tức 1h30 giờ GMT) tại bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri, phía đông nước này. Triều Tiên tuyên bố lý do thử nghiệm là để tự vệ trước Mỹ và đây là "quyền hợp pháp" của họ.

Nếu đúng thì đây sẽ là cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ 4 của Triều Tiên và là lần đầu tiên thử nghiệm bom hydro, với sức công phá lớn hơn rất nhiều so với bom hạt nhân.


Trận động đất vừa xảy ra ở Triều Tiên có thể là kết quả của vụ thử hạt nhân. Ảnh: AFP

Trận động đất vừa xảy ra ở Triều Tiên có thể là kết quả của vụ thử hạt nhân. Ảnh: AFP

Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố Triều Tiên đã trở thành cường quốc hạt nhân mạnh mẽ “sẵn sàng kích nổ bom hydro bất cứ lúc nào”.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định khó có khả năng Triều Tiên đã chế tạo được loại bom này.

Cụ thể, theo hãng tin CNN, các quốc gia đang nghiên cứu vũ khí hạt nhân trước tiên thường phát triển những loại vũ khí hạt nhân dựa trên phản ứng phân hạch.

Phản ứng này nhằm phân rã hạt nhân của các nguyên tử lớn như uranium và plutonium thành những nguyên tử nhỏ hơn, giải phóng một nguồn năng lượng đáng kể.

Trong giai đoạn sau này họ mới phát triển vũ khí hạt nhân hợp hạch. Ở quá trình này, các nguyên tử nhỏ như hydrogen được kết hợp để tạo ra nguồn năng lượng khổng lồ. Vì vậy, các vũ khí hạt nhân dựa trên phản ứng hợp hạch được gọi là bom hydro.

Các loại vũ khí hạt nhân dựa trên phản ứng phân hạch thường có sức công phá khoảng 10 kiloton, còn vũ khí hạt nhân dựa trên phản ứng hợp hạch có sức công phá lên tới hàng megaton (1 megaton = 1.000 kiloton).


So sánh bán kính hủy diệt giữa bom A (bom nguyên tử) và bom H.

So sánh bán kính hủy diệt giữa bom A (bom nguyên tử) và bom H.

Có thật Triều Tiên đã phát triển được bom H?

Làm chủ công nghệ và kỹ thuật phát triển vũ khí hạt nhân không hề đơn giản.

Các quốc gia phải mất nhiều năm mới có thể độc lập phát triển vũ khí phân hạch và thêm nhiều năm nữa (như trường hợp của Mỹ là 7 năm) từ lúc tiến hành cuộc thử nghiệm vũ khí phân hạch đầu tiên cho tới khi có thể bắt đầu thử nghiệm vũ khí hợp hạch.

Triều Tiên có vẻ đã có một khoảng thời gian khó khăn để làm chủ những công nghệ thậm chí là cơ bản nhất của vũ khí phân hạch.

Họ bắt đầu bằng vụ nổ thử nghiệm đầu tiên với sức công phá chưa đầy 1 kiloton và đến cuộc thử nghiệm thứ 3, vào 7 năm sau, mới đạt đến sức công phá khoảng 10 kiloton.

Điều này cho thấy trừ phi có sự hỗ trợ của các chuyên gia bên ngoài, nếu không Triều Tiên khó có khả năng chế tạo được bom hydro trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, tính từ cuộc thử nghiệm hạt nhân gần đây nhất của nước này (2013) tới nay, tức là mới 3 năm.

Nếu như vậy, tuyên bố của ông Kim Jong Un có thể không phải là sự thật.

Tuy nhiên, vẫn còn một khả năng khác.

Trong quá trình phát triển vũ khí hợp hạch, một số quốc gia đã phát triển vũ khí phân hạch "gia tăng", trong đó sử dụng một chút hợp hạch để thúc đẩy quá trình phân hạch, giải phóng một nguồn năng lượng lớn hơn nữa.

Kết quả ban đầu có thể tạo ra một vũ khí có sức công phá khoảng 50 kiloton.

Do vũ khí này dựa trên cả phản ứng hợp hạch nên có thể là ông Kim tuyên bố Triều Tiên đã chế tạo được bom hydro nhưng trên thực tế, đó chỉ là bom phân hạch gia tăng mà thôi.

Bom phân hạch gia tăng tạo ra sự khác biệt như thế nào?

Theo CNN, nếu Triều Tiên thực sự có bom phân hạch gia tăng với sức công phá khoảng 50 kiloton thì nó có thể gây thiệt hại đáng kể cho một thành phố đông dân cư như Seoul, Hàn Quốc, có thể khiến 250.000 người thiệt mạng.

Điều này sẽ đánh dấu một sự gia tăng lớn trong năng lực tấn công và phá hủy của Triều Tiên. Và hẳn nhiên, nếu một ngày, nước này chế tạo thành công bom hydro, với sức công phá 1 megaton thì mọi chuyện sẽ đáng sợ hơn nữa.


Khó có khả năng Triều Tiên đã phát triển được bom hydro.

Khó có khả năng Triều Tiên đã phát triển được bom hydro.

Hiện tại, việc Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom hydro vẫn cần thời gian để chứng thực.

Ông Jeffrey Lewis, Giám đốc Trung tâm kiểm soát vũ khí hạt nhân Đông Á nhận định, nhiều khả năng đúng là một cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên.

Chấn động kéo dài 30' và tâm chấn có tọa độ rất gần nơi Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân.

Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap dẫn thông tin từ cơ quan tình báo Hàn Quốc cho rằng thiết bị mà Triều Tiên vừa thử nghiệm có thể không phải là bom hydro.

Cơ quan khí tượng Hàn Quốc cho biết họ chưa phát hiện bất cứ dấu hiệu phóng xạ nào sau khi Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom hydro.

Ông John Carlson, nguyên Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ và Kiểm soát Hạt nhân Australia, cho rằng khó có thể xác định mức độ xác thực trong tuyên bố của Triều Tiên cho tới khi phân tích được bụi phóng xạ sản sinh ra từ vụ nổ, có thể mất tới vài ngày.

Theo ông Carlson, việc phát triển vũ khí nhiệt hạch sẽ là “thách thức lớn” đối với Triều Tiên, nhất là phiên bản thu nhỏ, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn cao hơn.

Ông Carlson cũng nhận định rằng có thể trên thực tế, Triều Tiên đã chế tạo bom phân hạch gia tăng, với sức công phá nhỏ hơn bom hydro.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại