Răn đe hạt nhân trên biển là một trong bộ ba răn đe hạt nhân chiến lược không thể thiếu mà các cường quốc trên thế giới không ngừng tìm cách sở hữu nó để khẳng định sức mạnh. Tương tự như tàu ngầm tấn công hạt nhân, Nga-Mỹ vẫn là 2 nước dẫn đầu thế giới về lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược.
Trụ cột của năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Mỹ là tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) lớp Ohio, trong khi đó trụ cột của Nga là tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta-III và Delta-IV. Nga còn có tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Typhoon và lớp Borei nhưng trong khuôn khổ bài viết này chỉ so sánh tính năng của 2 lớp tàu ngầm Ohio và Delta bởi chúng có cùng thời gian triển khai hoạt động.
Thiết kế
Ohio là loại tàu ngầm hạt nhân lớn nhất từng được chế tạo cho Hải quân Mỹ với lượng giãn nước khi lặn 18.750 tấn. Tuy nhiên, thiết kế này vẫn nhỏ nhắn hơn so với tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei của Nga 24.000 tấn và chưa bằng phân nửa so với gã khổng lồ Typhoon 48.000 tấn.
SSBN lớp Ohio (ở trên) có thiết kế mượt mà hơn so với SSBN lớp Delta-III/IV(ở dưới)
Tàu ngầm lớp Ohio có thiết kế thon dài, 2 cánh ổn định được thiết kế 2 bên tháp chỉ huy. Trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta-III/IV có thiết kế tù hơn, thân tàu phía sau tháp chỉ huy cao hơn phía trước để phù hợp với kích thước ống phóng tên lửa đạn đạo.
Delta là tên chỉ định chung của NATO dành cho lớp tàu ngầm hạt nhân này. Tên gọi của Nga dành cho Delta-III là Đề án 667BDR Kalmar, với Delta-IV Nga gọi là Đề án 667BDRM Delphin (chữ M sau cùng có nghĩa là nâng cấp của Đề án 667BDR).
Thiết kế thủy động lực học của Delta-III/IV là tương tự nhau, chỉ khác về hệ thống vũ khí và hệ thống điện tử. Thiết kế thủy động lực học của Ohio nhìn chung mượt mà hơn so với Delta hay các tàu ngầm hạt nhân khác của Nga.
Hệ thống điện tử
SSBN lớp Ohio được trang bị hệ thống sonar AN/BQQ-6. Tính năng của hệ thống sonar này khá đơn giản, nó có phạm vi tìm kiếm mục tiêu khá hạn chế. Mảng cầu phía trước mũi tàu có phạm vi tìm kiếm mục tiêu tối đa 72km ở chế độ thụ động, mảng kéo phía sau có phạm vi tìm kiếm tối đa 178km.
Trong khi đó SSBN lớp Delta-III được trang bị hệ thống sonar MGK-400 có phạm vi tìm kiếm mục tiêu tối đa tới 200km. Delta-IV được trang bị hệ thống định vị thủy âm MGK-500 tương tự như trên tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula.
Bên trong phòng chỉ huy của SSBN lớp Ohio. Mặc dù hệ thống sonar của Ohio có tính năng yếu hơn một chút so với SSBN Delta-III/IV nhưng tàu ngầm Mỹ lại có hệ thống số hóa cao hơn.
Ngoài ra, cả hai tàu ngầm hạt nhân chiến lược này còn được trang bị radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước cùng các hệ thống điện tử phụ trợ khác. Xét về mặt hệ thống điện tử, Delta-III/IV của Nga có phần nhỉnh hơn so với Ohio của Mỹ.
Tuy nhiên, lợi thế của Delta đã không duy trì được lâu, từ năm 2005, Hải quân Mỹ đã ký hợp đồng với Lockheed Martin nâng cấp tàu ngầm SSBN lớp Ohio với hệ thống sonar kỹ thuật số tốc độ cao AN/BQQ-10 đang được sử dụng trên tàu ngầm tấn công hạt nhân tối tân lớp Virginia. Với chương trình nâng cấp này, lợi thế lại thuộc về phía SSBN Ohio.
Vũ khí
Mặc dù nhỏ nhắn hơn so với Typhoon và Borei của Nga nhưng Ohio lại là lớp tàu ngầm mang nhiều tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) nhất thế giới. Mỗi SSBN lớp Ohio được trang bị 24 ống phóng sử dụng tên lửa Trident-II tầm bắn 10.000km.
Tàu ngầm lớp Delta-III/IV được trang bị 16 ống phóng. Trong đó, Delta-III sử dụng tên lửa R-29RL tầm bắn 9.000km hoặc R-29R tầm bắn 6.500km. Delta-IV sử dụng tên lửa R-29RMU Sineva tầm bắn 11.547km.
Mỗi tàu ngầm lớp Ohio có thể mang đến 24 tên lửa SLBM Trident-II trong khi lớp Delta-III/IV chỉ có thể mang tối đa 16 tên lửa.
Về ngư lôi, cả hai lớp tàu trên đều được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533mm. Về mặt vũ khí, lợi thế lớn đang nghiêng về tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ.
Khả năng cơ động
Tàu ngầm lớp Ohio được trang bị 1 lò phản ứng hạt nhân S8G công suất 45MW, 2 tuabin hơi nước, 1 động cơ diesel phụ trợ công suất 325 mã lực truyền động cho chân vịt 7 cánh. Hệ thống động lực này cung cấp tốc độ tối đa khi nổi 12 hải lý/h, tối đa khi lặn 20 hải lý/h.
Trong khi đó, tàu ngầm lớp Delta-III/IV được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân VM-4S công suất 90 MW, 2 tuabin hơi nước truyền động cho chân vịt 2 trục 5 cánh. Delta-III/IV có tốc độ di chuyển tối đa khi nổi 14 hải lý/h, tối đa khi lặn 24 hải lý/h. Khả năng cơ động luôn là lợi thế của các tàu ngầm Nga so với Mỹ.
Thực trạng
Sau khi Liên Xô sụp đổ, lực lượng răn đe hạt nhân trên biển của Nga lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Trong số 5 chiếc tàu ngầm Delta-II,I chỉ có 3 chiếc sẵn sàng hoạt động. 6 chiếc Delta-IV đang được nâng cấp để sử dụng tên lửa R-29RMU Sineva. Bên cạnh đó, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược START II được ký kết giữa Nga-Mỹ càng làm cho lực lượng răn đe hạt nhân của Nga yếu thế hơn so với Mỹ.
Theo START II mỗi bên chỉ được phép duy trì không vượt quá 14 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, khi START II được ký kết, hải quân Mỹ đang có 18 chiếc SSBN lớp Ohio đang hoạt động. Trong khi đó, con số SSBN của Nga chỉ khoảng 13 chiếc, tính luôn cả 2 chiếc lớp Typhoon.
Bên cạnh đó, các SSBN của Nga mặc dù có kích thước khá đồ sộ nhưng lại mang ít tên lửa hơn so với SSBN Ohio của Mỹ. SSBN lớp Delta-III/IV chỉ có thể mang theo 16 tên lửa, ngay như tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới lớp Typhoon cũng chỉ có thể mang tối đa 20 tên lửa.
Về mặt lý thuyết, 14 SSBN lớp Ohio có thể mang theo 336 tên lửa Trident-II, trong khi đó tổng tất cả các tàu ngầm SSBN của Nga đang hoạt động tính luôn cả 2 chiếc lớp Borei mới đưa vào hoạt động thì số lượng tên lửa SLBM có thể triển khai khoảng 248.
Nga đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách về năng lực răn đe hạt nhân trên biển so với Mỹ bằng chương trình phát triển SSBN lớp Borei. Theo kế hoạch, đến năm 2020 Nga sẽ có khoảng 8 chiếc SSBN lớp Borei trong biên chế.
Chương trình SSBN lớp Borei sẽ tạo cho Nga một bước đột phá về khả năng răn đe hạt nhân trên biển so với Mỹ. Trong khi đó SSBN lớp Ohio vẫn là trụ cột cho năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Mỹ cho đến năm 2029, kế hoạch thay thế Ohio vẫn chưa được thông qua.