Myanmar khoe tên lửa đầy lỗi

Hòa Sơn |

Ngày 27/3, Quân đội Myanmar lần đầu tiên trình làng hệ thống phòng không KS-1A nhập khẩu từ Trung Quốc trong cuộc duyệt binh tại thủ đô Naypyidaw.

Theo nguồn tin từ Quân đội Myanmar, đi đầu trong đoàn duyệt binh là hệ thống phòng không KS-1A, tiếp sau đó xe phóng tự hành hệ thống S-125 Pechora cùng nhiều hệ thống vũ khí khác.

Được biết, thương vụ KS-1A được Myanmar ký kết với Trung Quốc hồi tháng 1/2013 và Bắc Kinh bắt đầu thực hiện hợp đồng từ tháng 6/2014.

Đây là dòng sản phẩm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghiệp Không gian vũ trụ Trung Quốc và là “sản phẩm nội địa 100% của Trung Quốc”.

Hệ thống KS-1A trong lễ duyệt binh của Quân đội Myanmar.

Hệ thống KS-1A trong lễ duyệt binh của Quân đội Myanmar.

Hệ thống bắt đầu được thử nghiệm từ năm 1989, đến năm 1998 được đưa vào sản xuất với số lượng hạn chế. Sau nhiều lần cải tiến, năm 2007 KS-1A bắt đầu sản xuất hàng loạt.

Hệ thống KS-1A ra đời nhằm thay thế cho hệ thống tên lửa đối không HQ-2 lỗi thời, tuy nhiên hệ thống phòng không KS-1A SAM ngay từ khi ra mắt nó vẫn luôn bị đánh giá thấp về khả năng chiến đấu và nhược điểm trong thiết kế.

Vấn đề của KS-1A nằm ở cơ cấu bệ phóng, theo đó phần đạn tên lửa được treo dưới ray phóng (thay vì nằm phía trên). Cách bố trí này gây nhiều khó khăn cho quá trình khởi động tên lửa.

Trong chiến đấu, động cơ tên lửa phải được khởi động trước khi hệ thống treo bung ra, nếu không quả đạn sẽ rơi ngay trên đầu bệ phóng. Đây thực sự là “nhược điểm chết người” của KS-1A.

Nhược điểm của KS-1A không chỉ dừng lại ở đó, việc tái nạp tên lửa cũng gặp rất nhiều khó khăn, không rõ tại sao Trung Quốc lại thiết kế KS-1A với cơ cấu phóng kỳ lạ như vậy.

Tuy nhiên theo tuyên bố của nhà sản xuất Trung Quốc, hệ thống KS-1A có khả năng tuyệt vời trong nhiệm vụ đánh chặn máy bay cánh cố định, trực thăng...

Để hoàn thành nhiệm vụ, KS-1A bao gồm 2 thành phần chính gồm: 4 bệ phóng cơ động (8 đạn trên bệ phóng) và đài radar bắt mục tiêu/điều khiển hỏa lực SJ-202. Ngoài ra còn các thành phần hỗ trợ như xe tiếp đạn (18 đạn dự trữ), sửa chữa, hậu cần.

Trong đó, SJ-202 là đài radar mạng pha 3D đầu tiên của Trung Quốc được thiết kế để theo dõi, bắt mục tiêu và dẫn đường tên lửa tấn công. SJ-202 đạt tầm trinh sát 115 km, theo dõi tầm 80 km và dẫn đường tên lửa ở tầm 50 km.

Hệ thống radar được quảng cáo là có khả năng dẫn đường cho 2 tên lửa cùng tấn công 1 mục tiêu, tăng khả năng kháng nhiễu điện tử.

Hệ thống radar này được thiết kế chủ yếu để bắt mục tiêu máy bay có cánh cố định và trực thăng, nhưng nó cũng được cho là có khả năng hạn chế trong bắt mục tiêu tên lửa hành trình.

Đạn tên lửa dùng cho hệ thống KS-1A dài 5,6 m, đường kính thân 0,4 m, sải cánh 1,2 m, trọng lượng 886 kg, lắp đầu đạn nặng 100 kg. Đạn sử dụng động cơ nhiên liệu rắn với lực đẩy kép cho phép hạ mục tiêu hiệu quả trong khoảng cách từ 500 m tới 42 km.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại