Mỹ từng “cuỗm” bom nguyên tử của Liên Xô?

Anh Trần |

(Soha.vn) -Một máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Liên Xô mang theo 2 quả bom hạt nhân đã bị rơi trong lúc đang làm nhiệm vụ. Và Mỹ đã ngay lập tức lên một kế hoạch tuyệt mật...

Dự cảm không lành

Một ngày tháng 5/1976, phó Giám đốc tình báo Anatoly Styrov của Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô đang thực hiện công việc như thường lệ là kiểm tra các báo cáo tình báo của mấy ngày qua. Và rồi, một thông tin được gửi về từ Nhật Bản khiến ông lưu ý: tại căn cứ hải quân Yokosuka, phát hiện sự trở lại của tàu ngầm Grayback cũng như các thành viên của tàu này đã được Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ trao thưởng.

Đây là một điều bất thường, từ trước đến nay, Hải quân Mỹ vốn rất chặt chẽ trong việc xét thưởng, khen tặng, dù là bất kỳ ai. Sự việc lần này ở căn cứ Yokosuka là đặc biệt hiếm, chắc chắn USS Grayback - con tàu được thiết kế đặc biệt cho những nhiệm vụ tình báo, phá hoại tối mật cùng thủy thủ đoàn của nó đã lập được một chiến công lớn! Styrov ngay lập tức có một dự cảm không lành.

USS Grayback chuẩn bị phóng tên lửa Regulus II (US Navy photo)
USS Grayback chuẩn bị phóng tên lửa Regulus II (US Navy photo)

Tàu ngầm diesel-điện USS Grayback 574 là một trong hai chiếc hiếm hoi của lớp tàu Grayback được bắt đầu đóng vào giữa những năm 50. Chúng còn trở nên khác biệt hơn bởi vẻ ngoài khá “dị”. Vốn là những SSG - tức một dạng tàu ngầm phóng tên lửa hành trình nguyên thủy, tàu được thiết kế với hai khoang chứa tên lửa Regulus hình ống đặt ngang nổi trên lưng. Tuy nhiên, những con tàu này nhanh chóng lạc hậu. Chiếc thứ 2 thuộc lớp Grayback đã phải nghỉ hưu năm 1964 khi mới phục vụ được 6 năm. Còn riêng với Grayback 574, chiếc tàu ngầm đầu tiên được đặt tên theo chính lớp của mình vẫn được giữ lại. Người ta đã tạo ra những thay đổi bí mật đặc biệt ở bên trong chiếc tàu ngầm này để biến nó thành tàu tác chiến thủy bộ (LPSS-574) . LPSS-574 cũng từng tham chiến tại Việt Nam, làm nhiệm vụ vận chuyển biệt kích hải quân Mỹ, tìm cứu phi công Mỹ.

Anatoly Styrov nhanh chóng bắt tay vào phân tích tất cả các thông tin tình báo mới được chuyển về bộ tư lệnh. Cuối cùng ông đã đi đến một kết luận gây sửng sốt rằng trong vùng biển Okhotsk, một máy bay ném bom chiến lược Tu-95 có mang theo bom hạt nhân của Liên Xô đã bị rơi. Trong khi đó, Hải quân Thái Bình Dương hoàn toàn không được thông báo. Cần biết rằng vào những năm 1970, Liên Xô đã tiến hành các chuyến bay tuần tiễu vùng Viễn Đông bằng máy bay ném bom chiến lược Tu-95 có mang vũ khí hạt nhân để đáp trả lại những hành động khiêu khích của Mỹ. Các chuyến bay được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu quân đội Xô Viết, Hải quân không có liên quan trực tiếp.

Styrov tức tốc đến gặp Đô đốc V.P.Maslov và nói: ”Có căn cứ để tin rằng, tình báo Mỹ đang thực hiện các hoạt động tìm kiếm bí mật trong vùng xảy ra tai nạn của máy bay ném bom chiến lược”. Ông tin rằng mục tiêu của họ có thể là vũ khí, khí tài trên máy bay hoặc các tài liệu bí mật. Tuy nhiên, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương trả lời rằng không nhận được sự hỗ trợ đủ từ những bên liên quan trực tiếp nên không thể thực hiện một hành động cụ thể.

Chuẩn Đô đốc Anatoly Styrov đã giữ bí mật về vụ việc trong nhiều năm
Chuẩn Đô đốc Anatoly Styrov đã giữ bí mật về vụ việc trong nhiều năm

Kế hoạch của Mỹ

Trước khi sự việc đến với Đô đốc Maslov, ở phía bên kia đại dương, tại Cơ quan tình báo Quốc Phòng (DIA), Trung tướng Mỹ Samuel Wilson đã nhận được một thông báo khẩn từ hệ thống phòng không phía bắc Nhật Bản. Bộ phận phòng không tại Hokkaido xác nhận một mục tiêu giám sát của họ (máy bay Liên Xô) biến mất khỏi màn hình radar: vị trí cách phía đông đảo Sakhalin 36km, ở vùng Vịnh Patience.

Theo thông tin tình báo, trên máy bay có 2 quả bom hạt nhân. Một kế hoạch ngay lập tức được vạch ra: Xác định chính xác vị trí của máy bay ném bom chiến lược Liên Xô, tìm kiếm thi thể các nạn nhân (nếu có) và quan trọng nhất là phải lấy bằng được những thứ có “giá trị” có trong chiếc máy bay. Tất nhiên, mọi thứ đều phải thực hiện một cách nhanh chóng trong vòng tuyệt mật. Lúc này, cần đến một chiếc tàu ngầm đặc biệt, USS Grayback 574 được chọn. Những thiết bị định vị bằng âm thanh và từ kế siêu nhạy trên tàu rất phù hợp cho nhiệm vụ này.

Lầu Năm Góc chỉ do dự một điều, đó là xác chiếc máy bay xấu số vẫn nằm trong hải phận của Liên Xô. Phi vụ nếu bị lộ tẩy, sẽ gây ra một vụ bê bối trầm trọng mà hậu quả của nó không thể lường hết được. Tuy nhiên, qua phân tích những hình ảnh từ vệ tinh cũng như nhiều nguồn tình báo khác cho thấy dường như Moscow không biết hoặc không muốn tìm kiếm chiếc máy bay này.

Tin liên quan: Mỹ từng "cuỗm" bom nguyên tử của Liên Xô? (II)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại