Mỹ từng "cuỗm" bom nguyên tử của Liên Xô? (II)

Anh Trần |

(Soha.vn) - Sau khi 2 quả bom hạt nhân trên chiếc máy bay Tu-95 gặp nạn của Liên Xô được tìm thấy, Mỹ đã ngay lập tức tổ chức một cuộc họp khẩn...

Tin liên quan: Mỹ từng “cuỗm” bom nguyên tử của Liên Xô?

Chiến dịch tuyệt mật

Sau khi có những thông tin tình báo cho thấy Moscow không biết hoặc không có ý định tìm kiếm chiếc máy bay Tu-95 gặp nạn, Tổng thống Mỹ khi đó là Gerald Ford đã ngay lập tức triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia, kế hoạch tiếp cận chiếc máy bay được thông qua.

Một ngày sau đó, tàu ngầm Grayback lặng lẽ rời khỏi căn cứ Yokosuka mang theo 3 đặc nhiệm SEAL là đại úy Michael Grant, trung úy Drew Wood và thượng sĩ David Pirson. Họ được giao phó phần nguy hiểm nhất của nhiệm vụ là lặn tìm kiếm và kiểm tra xác chiếc Tu-95. Với hai quả bom hạt nhân, môi trường ở khu vực tai nạn nhiều khả năng sẽ bị nhiễm phóng xạ nghiêm trọng.

Cựu Tổng thống Mỹ Gerald Ford

Cựu Tổng thống Mỹ Gerald Ford

Grayback nhanh chóng xác định được vị trí của chiếc máy bay Liên Xô. Đúng như dự tính, họ không phát hiện được sự hiện diện của bất cứ tàu chiến Liên Xô nào trong khu vực. Quả là một điều kiện không thể tốt hơn cho những người thực hiện nhiệm vụ.

Theo một số tài liệu không chính thức ghi lại, lần theo tín hiệu từ các bộ định vị và cảm biến, ở độ sâu 40m nước, ba đặc nhiệm SEAL bắt đầu tìm thấy những mảnh vỡ của chiếc máy bay. Tiếp đó, Pirson phát hiện ra phần đuôi của Tu-95, nó còn khá nguyên vẹn và rất to lớn. Quả bom đầu tiên được tìm thấy đang bị chôn vùi trong cát.

Wood và Pirson định tiếp cận mục tiêu gần hơn nữa tuy nhiên Grant đã ra lệnh dừng lại. Mức độ phóng xạ đã lên quá cao và gần đến ngưỡng nguy hiểm. Cả nhóm đánh tiếp tục tìm kiếm quả bom thứ hai. Thiết bị cảnh báo họ mang theo thông báo công việc trong điều kiện này vẫn được phép tiếp tục nhưng tối đa là 1 giờ nữa. Thật may mắn, nửa giờ sau, quả bom còn lại cũng được phát hiện ra. Đây là một thành công ngoài sức mong đợi.

Kết quả tìm kiếm ngay lập tức được báo cáo lên một hội đồng bí mật do Tổng thống Gerald Ford điều hành. Trong cuộc họp khẩn cấp có sự tham gia của đại diện Hội đồng An Ninh Quốc gia, CIA và Bộ Ngoại Giao. Vấn đề được đặt ra: phải xử lý thế nào với bí mật nguy hiểm này?.

Ý kiến đa số là nước Mỹ nên thu giữ hai quả bom này, tuy nhiên, nhiều người nghi ngại rằng việc vận chuyển bom hạt nhân đã bị rơi từ máy bay là một điều cực kỳ mạo hiểm. Nếu chúng phát nổ, đó sẽ là thảm họa cho nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tất cả đều đồng thuận ở một điều: Moscow không cần biết về chiến dịch tìm kiếm này.

Để loại bỏ những nghi ngại về vấn đề an toàn, các chuyên gia hàng đầu về hạt nhân của Mỹ được mời đến. Họ cho biết, tương tự Mỹ, phía Liên Xô cũng sử dụng các biện pháp an toàn đáng tin cậy trên các vũ khí hạt nhân phòng trường hợp chúng bị rơi từ trên cao xuống, xác suất chúng phát nổ gần như bằng không. Hơn nữa, Mỹ có các thiết bị tối ưu nhất để đảm bảo sự ổn định cho hai quả bom trong quá trình vận chuyển. Dù vậy, vẫn không thể có một sự đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Cuộc tranh luận kéo dài sang ngày thứ hai thì dừng lại.

Hai giả thiết

Cho đến ngày nay, mỗi khi nhắc đến sự kiện này, người ta vẫn tranh cãi rằng trong cuộc họp bí mật ấy, những điều gì đã được bàn bạc và quyết định. Nguyên nhân xuất phát từ 2 giả thuyết khác nhau.

Theo giả thiết đầu tiên, Tổng thống Gerald Ford đồng tình với quyết đinh của CIA mang 2 quả bom này về “nhà mới”. Grayback được tin tưởng tuyệt đối để tiếp tục phần hai của sứ mệnh đang dang dở. Những quả bom sẽ được đặt trong hai khoang chứa tên lửa hành trình kỳ dị trên lưng tàu.

Giả thiết thứ hai lại cho rằng, nước Mỹ không lấy 2 quả bom hạt nhân của Liên Xô. Đó là thứ vũ khí có uy lực vô song nhưng cần nhớ là người Mỹ không hề thiếu thốn vũ khí hạt nhân. Quan trọng hơn là 2 quả bom đã bị rơi cùng với máy bay xuống biển. Mặc dù Mỹ có các thiết bị có thể đảm bảo sự ổn định cho 2 quả bom khi vận chuyển nhưng không ai dám đảm bảo tuyệt đối an toàn, một nguy cơ nhỏ cũng có thể dẫn tới thảm họa cho Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác.

Theo giả thiết này, thứ có “giá trị” mà Lầu Năm Góc thực sự muốn hướng đến là hệ thống phân biệt bạn-thù cũng như nhiều khí tài, tài liệu quan trọng trong khoang lái của chiếc Tu-95. Lập luận như vậy được nhiều người ủng hộ và càng có cơ sở hơn với những số liệu mẫu môi trường đo được tại vùng đảo Sakhalin thời gian đó cho thấy vùng này có mức phóng xạ cao hơn mức phóng xạ thông thường rất nhiều.

Dù sao thì chuyến khởi hành lần thứ hai của Grayback cũng đã thành công. Nó mang theo 40 đặc nhiệm SEAL, họ được trang bị những thiết bị đặc chủng hơn cho nhiệm vụ. Toàn bộ thủ thủ đoàn của Grayback được khen thưởng, nhiều người được chính phủ Mỹ trao huy chương. Tuy nhiên, 3 đặc nhiệm SEAL Michael Grant, Drew Wood và David Pirson sau đó phải điều trị đặc biêt một thời gian dài vì bị nhiễm xạ.

Tàu ngầm K-129 thuộc lớp Golf II.
Tàu ngầm K-129 thuộc lớp Golf II.

Bí ẩn tai nạn Tu-95 cũng làm nhiều người liên tưởng tới một vụ chìm tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo K-129 năm 1968. Con tàu này bị mất tích sau một tai nạn bí ẩn. Hải quân Liên Xô không thể tìm thấy xác tàu, còn Mỹ đã bí mật tìm cách trục vớt K-129 với dự án Arozian.

Ngoài Chuẩn Đô đốc Anatoly Styrov, còn khá nhiều cựu chỉ huy Hải quân Liên Xô tin vào vụ tai nạn của Tu-95. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Komsomolskaya Pravda vào tháng 12/2013, Chuẩn Đô đốc Anatoly Styrov vẫn khẳng định sự việc này là có thật. Tuy nhiên, sau nhiều năm, vẫn không có bất cứ nguồn tài liệu nào từ phía các cơ quan nhà nước Liên Xô/Nga ghi nhận về tai nạn của máy bay Tu-95 hoặc một máy bay ném bom tầm xa nào đó ở vùng biển Okhotsk bão tố.

Chỉ có hai tai nạn liên quan đến các thiết bị hạt nhân trong khu vực Sakhalin được xác nhận là vào năm 1987 và năm 1997 khi các máy bay “đánh rơi” pin hạt nhân xuống biển. Pin năm 1997 đã được tìm thấy sau 10 năm. Tất cả những gì làm người ta liên hệ tới tai nạn Tu-95 là vụ rơi một chiếc máy bay ném bom Tu-16 ở gần đó, phi hành đoàn 6 người đều thiệt mạng. Dù vậy, sự việc này xảy ra vào ngày 19/9/1971.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại