Mỹ tập kích 11 phút: Tại sao phòng không Libya tê liệt hoàn toàn?

Đại tá Trần Danh Bảng |

Sự sụp đổ nhanh chóng của hệ thống phòng không Libya, cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong tác chiến hiện đại để chống lại một cuộc tập kích quy mô lớn bằng máy bay F-111.

LTS: Trong những năm tháng cuối cuộc đời, Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo rất tâm huyết với các nghiên cứu của ông về nghệ thuật tác chiến của không quân và tên lửa.

Ở các tạp chí nghiên cứu khoa học, ông khẳng định, trong chiến tranh hiện đại, chỉ có máy bay và tên lửa kết tinh được 3 tố chất quý giá cho tác chiến trong cùng thời điểm, đó là tính cơ động, tính đột kích và tính hỏa lực.

Nhìn nhận các cuộc tập kích đường không mấy thập kỷ qua, cho thấy vai trò của không quân, tên lửa ở đòn đánh đầu tiên thật lợi hại, làm biến đổi rất nhanh tình thế chiến trường, chuyển hóa tương quan lực lượng.

Một cuộc chiến chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, như chiến dịch El Dorado Canyon, vỏn vẹn có 11 phút đã đạt được ý đồ chiến dịch. Trong đó không quân và tên lửa đã làm nên chuyện lớn.

Bài viết này gồm 2 phần tổng hợp các động thái quân sự, trước và trong cuộc tập kích đường không được chuẩn bị khá công phu và tốn kém từ không quân Mỹ, tiến công vào Libya tháng 4 năm 1986. Qua đây cho thấy bên tấn công chủ động rất cao.

Phần 1: Mỹ tập kích Libya - Tổng thống thoát chết trong 11 phút kinh hoàng

 

Phần 2: Mỹ tập kích 11 phút - Tại sao phòng không Libya tê liệt hoàn toàn?

Các nhà khoa học quân sự Nga khẳng định:

“Sự sụp đổ nhanh chóng của hệ thống phòng không Libya, cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong tác chiến hiện đại để chống lại một cuộc tập kích quy mô lớn bằng máy bay F-111.

Qua đó, đòi hỏi phải xây dựng một mạng lưới phòng không có chiều sâu, nhiều tầng nhiều lớp hỗ trợ cho nhau”.

Lữ đoàn tên lửa phòng không tại Tripoli và Benghazi đã được trang bị hệ thống chỉ huy tự động ASURK-1M và hệ thống điều khiển hỏa lực tự động K-1 tương đối hiện đại. Khoảng 50% số tiểu đoàn được dẫn bắn tự động.

Nhưng theo, lý thuyết, khả năng sống sót sau loạt đạn phủ đầu luôn là nhân tố quyết định sự tồn tại của bất kỳ lực lượng phòng không nào. Lực lượng phòng không Libya đã không có cơ may ấy.

Chỉ huy phòng không Libya đã bị "ru ngủ"

Hoạt động của không quân Hạm đội 6 Mỹ, trong chiến dịch này hoạt động “náo nhiệt” từ tháng 3 năm 1986, tại phụ cận biển Libya.

Nó đã “ru” ngủ, lừa  các chỉ huy phòng không Libya, bằng các bài diễn tập khó đoán. Khi F-111 tấn công từ 2 hướng là một bất ngờ hoàn toàn với Libya.

Không một ai trong số các chỉ huy quân đội ở Libya nghĩ rằng, vào thời điểm đó có các tốp F-111 từ Anh, sẽ tấn công vào các mục tiêu cả từ hướng sa mạc.


Máy bay F-111 đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong 11 phút tập kích Libya.

Máy bay F-111 đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong 11 phút tập kích Libya.

Trang Ausairpower năm 2014 viết: Máy bay F-111 tấn trong ba đợt, với hai mục tiêu tiếp cận trong Tripoli từ phía bắc, trên Địa Trung Hải và một hướng từ ngã ba lãnh thổ Libya bay về phía nam trên sa mạc, sau đó bất ngờ vòng  trở lại đánh phá Tripoli.

Vào khoảnh khắc đó, các máy bay A-6 đánh các mục tiêu ở Benghazi, trên bờ biển của Vịnh Sidra.

Máy bay phía tấn công hoạt động ở độ cao thấp và rất thấp, lợi dụng các khoảng trống radar và tránh vùng hỏa lực mạnh. Họ gây nhiễu khá mạnh che dấu hành vi. Nhiều trái bom được dẫn chính xác bằng tia laser.

Đây cũng là lần đầu tiên trong chiến đấu, Mỹ đã phóng tên lửa chống radar thế hệ mới HARM (High-speed Anti-Radar Missile) với hiệu rất suất cao.

HARM có khả năng tự dẫn vào các đài radar, kể cả đài có chế độ nhảy tần số. Có tới 30 quả đạn HARM đã được bắn vào các radar và sở chỉ huy, hầu hết đều trúng đích.

Chỉ huy phòng không của Libya không thể dự đoán nơi đe dọa chính. Vì thế một số đơn vị đã báo động vào cấp 1 chậm. Lỡ thời cơ đánh trả.

Không coi trọng đảm bảo kỹ thuật, nguy trang nghi binh

Sau cuộc chạm trán với Không quân Mỹ trong chiến dịch năm 1986, Trung tướng nghỉ hưu Vladimir Yaroshenko của Nga được điều đến Libya để tìm hiểu nguyên nhân hoạt động kém hiệu quả tên lửa phòng không Liên Xô tại đây.

Báo cáo của Tướng Yaroshenko cho biết, hệ thống kiểm soát của các radar của Liên Xô bán cho Libya có tính năng rất “nghèo nàn”, độ bao phủ không gian kém.

Những radar cảnh giới như P-12/18, P-14, P-35/37 của nước này có tuổi đời sử dụng khoảng 20 năm, tính năng đã xuống cấp là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó trong một thời gian dài, các radar cảnh giới không được nâng cấp cần thiết.


Radar cảnh giới nhìn vòng tầm xa P-14. Ảnh minh họa.

Radar cảnh giới nhìn vòng tầm xa P-14. Ảnh minh họa.

Nhìn vào trang bị lực lượng phòng không Libya, không có loại radar nào có khả năng bắt mục tiêu ở độ cao thấp và rất thấp.

Trong biên chế sẵn sàng chiến đấu, tại Benghazi có nhiều trạm radar phòng không gồm hai đài P-14, một đài P-35, một đài P-12 cùng hai đài đo cao PRV-11, PRV-13. Nhưng chỉ có 1 đài P-14 và máy đo độ cao PRV-13 hoạt động.

Đài nhìn vòng P-14 với anten đồ sộ, có khả năng bắt xa, lại có hệ thống chống nhiễu tương đối tốt, nhưng không được sử dụng.

Các nhóm thông tin tình báo trên không do radar Libya phát hiện đối phương đã không bổ sung cho nhau, để tạo thành một hệ thống trinh sát duy nhất tác động lên kế hoạch phòng không thống nhất toàn cõi.

Trang mạng Britannica.com viết: Ngay cả trong trường hợp khi các mục tiêu tầm thấp đã được phát hiện, sở chỉ huy các cấp không biết gì về tình hình tổng thể. Khi được tin oanh kích, thiệt hại nặng thì đã quá muộn.

Trong bối cảnh chiến tranh công nghệ cao, các radar cảnh giới có trong biên chế Libya chỉ phát hiện được các mục tiêu từ độ cao 200m trở lên. Tên lửa S-200 chỉ có thể tấn công các mục tiêu có độ cao từ 300m trở lên. Thấp hơn nữa thì chịu.

Phòng không Libya có nhiều thiếu sót trong tổ chức huấn  luyện và thiếu sót trong sử dụng đầy đủ khả năng chiến đấu. Đây là những lý do chính gây hiệu quả phòng không của Libya kém cỏi. Nên đã không  đẩy lui các cuộc tấn công đầu tiên.

Ngoài ra, Libya đã đánh giá thấp vũ khí và chiến thuật chống radar HARM của Mỹ. Đáng tiếc, những điểm yếu này tồn tại đến tận sau này.

Đặc biệt là không thấy các trạm quan sát mắt hoạt động. Mà nếu có hoạt động, nhưng máy bay F-111 bay đêm, độ cao thấp, khó có thể phát hiện trong tầm nhìn kính quang học thông thường.

Có tài liệu còn phân tích chi tiết, một nửa trong số các tiểu đoàn tên lửa không bảo đảm đúng, đủ hệ số kỹ thuật do các linh kiện thay thế thiếu.

Việc ngụy trang trận địa ở Libya đã không được thực hiện. Thiếu các thiết bị và hành động nghi binh kỹ thuật, tạo giả.

Việc triển khai vị trí các trận địa có sẵn, hầu như không đổi, khiến cho đối phương đánh đúng, đánh trúng, đáng ra các trận địa phải được nghi binh hoặc liên tục chuyển vị trí.

Về hỏa lực tên lửa, dù được đánh giá là xương sống của lực lượng phòng không của Libya, nhưng dòng tên lửa S-200, S-75, S-125  đã không một lần phóng đạn, nên không chứng minh giá trị của nó trong thực chiến.

Về Không quân Libya, các nhà khoa học khẳng định, khó để có thể đóng một vai trò trong đẩy lui không quân Mỹ, do sự sẵn sàng chiến đấu thấp, sự không hoàn hảo của cơ cấu tổ chức, thiếu thực tế điều hành chỉ huy.

Bằng cớ là, cho đến ngày 15 tháng 4 năm 1986, các bài bay huấn luyện của phi công Libya diễn ra trong một môi trường đơn giản, ít cọ sát.

Ở cấp phi đội đã không tiến hành bất kỳ chuyến bay diễn tập chiến thuật nào.  Khiến cho phi công khó có thể chiến đấu trong nhóm phi đội,  khó tiêu diệt mục tiêu trên không vào ban đêm và hiệp đồng tương tác với các hệ thống phòng không mặt đất.

Các căn cứ không quân, không chỉ ở Tripoli, mà còn căn cứ Benin, Ghat, Tobruk, Sabhah, Al Bayda và El Adem thiếu sự chuẩn bị cho chiến đấu.

Một sân bay ở Benin, chỉ huy đã không tạo ra tình huống giả định, không có quy hoạch sơ tán, phòng tránh, không có phương án bảo vệ máy bay và căn cứ.

Nên khi 6 máy bay A-6, và F/A-18 của Mỹ tấn công từ hai hướng đã phá hủy bốn MiG-23 ở khu chờ bay, có 2 chiếc trực thăng Mi-8 của sân bay bị tên lửa bắn trúng.

Không quân Mỹ đã sử dụng bom chùm, ca-xét gồm 247 bom con, và bom MK81 500bảng. Hỏa lực trên không  đầy uy lực này đã tạo ra 15 “miệng núi lửa” kinh hoàng. 26 binh sĩ đã thiệt mạng và 41 bị thương. Không máy bay nào cất cánh!


Các máy bay F-111 bay thấp, ném bom phá hủy hầu hết máy bay vận tải cỡ lớn IL-76 của Không quân Libya.

Các máy bay F-111 bay thấp, ném bom phá hủy hầu hết máy bay vận tải cỡ lớn IL-76 của Không quân Libya.

Tổng số sau 11 phút, Libya mất 17 máy bay chiến đấu do bị đánh bom, trong đó có khoảng 10 chiếc MiG-23 bị thiệt hại trên đường băng, sân đỗ, cùng 10 chiếc vận tải IL-76!

Một lý do rất đáng trách là, nhiều trạm radar phụ thuộc vào nguồn điện lưới công nghiệp. Bị sập mạng điện lưới, các trạm radar này đã lúng túng khi sử dụng nguồn từ các máy phát điện dự phòng. Đúng ra, đây phải là các máy phát, cấp điện chính thức.

Tuy vậy, nhiều tài liệu đều nói một sự thật, khi tấn công vào Libya, máy bay hiện đại F-111, sử dụng một phần bom dẫn chính xác bằng laser nhưng hiệu suất của chúng trong oanh tạc tương đối thấp, có hơn 50% các quả bom không nổ!

Những nguyên nhân này có thể do oanh tạc độ cao quá thấp, có thể do lỗi phi công bay hành trình dài, căng thẳng, còn lại là do quân khí kém?

Quá trình tác chiến chống tiến công đường không của Libya kể ra trên đây đây bộc lộ khá nhiều yếu điểm. Nhận xét như trên trong tác chiến vỏn vẹn 11 phút có khách quan không?

Cần nhận thức rằng tác chiến tiến công đường không giờ đã có nhiều phát triển, dựa trên những thành tựu của công nghệ vũ khí chính xác, đánh từ xa, tác chiến liên hợp, chỉ huy thống nhất…

Nhưng yếu tố con người trong nghiên cứu đối phương, phân tích tình huống… nói tóm gọn là động thái của người chỉ huy trong tổ chức lực lượng chưa bao giờ, chưa một ai dám coi nhẹ.

Những vấn đề cốt tử của người chỉ huy phòng không các cấp cần xác định rõ:

"Đâu là mục tiêu cần bảo vệ; hướng đánh trả chủ yếu, thứ yếu, thời cơ đánh trả cho từng thành tố chiến đấu, các biện pháp tổ chức đánh trả vận dụng trong từng trường hợp và hiệp đồng các lực lượng và bảo đảm…"

Trên cơ sở dó, thường xuyên rèn luyện binh sĩ trong huấn luyện và diễn tập, với các kịch bản tình huống sát với chiến trường.

Nhìn quân đội Nga hiện đang tiến công IS ở Syria, với rất nhiều chủng loại vũ khí, không phải chỉ là diễu võ, mà là họ rất có chủ ý đưa trang bị và binh sĩ vào cọ sát trong thực chiến. Dẫu rằng đây vẫn chỉ là cuộc chiến không tương xứng.

Bài học Libya từ 29 năm trước còn nóng hổi để các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, rút ra những kinh nghiệm cho nhiệm vụ chống trả tiến công đường không của các quốc gia, trong môi trường tác chiến hiện đại, không để đất nước bị bất ngờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại