Vật thể lạ là kết quả của 1 vụ phóng tên lửa không thành công?

Hải Võ |

Một số ý kiến nói rằng các vật thể rơi xuống Tuyên Quang, Yên Bái là bình khí nén của tổ hợp tên lửa như S-75...

Liên quan đến vụ việc 2 vật thể lạ hình cầu rơi xuống Tuyên Quang và Yên Bái sáng 2/1, Đại tá Phan Văn Từ, nguyên Trưởng phòng Công nghệ cao, Viện Tên lửa - Bộ Quốc Phòng tiếp tục chia sẻ với chúng tôi các nhận định mới.

Trong phỏng đoán ban đầu, Đại tá Phan Văn Từ cho rằng vật thể lạ rơi xuống có thể là một loại bình khí nén thuộc vật thể bay nhưng chưa thể khẳng định là của tên lửa hay máy bay (xem tại đây).

Song theo phân tích mới của Đại tá, khả năng vật thể bay là máy bay khá thấp:

Với tiền đề các vật thể từ trên trời rơi xuống thì các vật này không thuộc máy bay. Nếu là một vụ rơi máy bay thì ngoài các bình khí nén sẽ phải có các mảnh vỡ khác ở khu vực lân cận, bởi khi máy bay đang rơi thì nó không thể bay đi xa được nữa.

Một giả thuyết khác về vật chứa là tên lửa.

Đây không phải là tên lửa phòng không, bởi Việt Nam khẳng định không bắn, trong khi các quốc gia khác cũng không có lý do gì để phóng tên lửa vào vùng trời nước ta.

Ngoài ra, với kích thước các vật hình cầu như vậy thì cũng ít có loại tên lửa phòng không lớn như thế. Một số ý kiến nói rằng các vật thể rơi xuống Tuyên Quang, Yên Bái… là bình khí nén của tổ hợp tên lửa như S-75, theo tôi là không chính xác.

Vậy, ngoài tên lửa phòng không, có thể suy luận và phán đoán các vật thể được tìm thấy thuộc các loại như sau:

Thứ nhất là tên lửa đạn đạo liên lục địa, nghĩa là một quốc gia nào đó đã phóng tên lửa đạn đạo, khi qua vùng trời Việt Nam thì gặp sự cố và tự hủy.

Tuy nhiên, xác suất xảy ra khả năng này là rất thấp, bởi việc phóng tên lửa đạn đạo qua một khu vực mật độ dân cư lớn ở Đông Nam Á như thế là hết sức nguy hiểm. Thông thường các nước thử nghiệm tên lửa sẽ phóng về hướng như Bắc Cực.

Thứ hai là tên lửa đẩy phóng vào vũ trụ. Khả năng này có xác suất cao hơn. Nếu trường hợp này xảy ra thì đây là một vụ phóng không thành công, tên lửa đẩy đã bị nổ và tự hủy khi chưa ra khỏi bầu khí quyển Trái đất.

Những bình khí nén cũng không thể bị văng ra từ các vệ tinh hoặc trạm vũ trụ.

Nếu vật thể từ vũ trụ bên ngoài thì chắc chắn sẽ bị cháy rụi, hoặc nếu làm bằng vật liệu cực tốt thì ít nhất cũng “cháy xém” do ma sát với khí quyển, trong khi hình ảnh trên báo chí cho thấy các vật thể không có dấu hiệu bị cháy.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Chẩu Văn Lâm, bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết, theo các thông tin báo về thì vật thể rơi xuống địa bàn tỉnh có các chữ tiếng Nga bên trên.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi vào chiều tối 3/1, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam nêu rõ: "Không có bất cứ dòng chữ Nga nào ở đây cả".

Ký tự được cho là tiếng Nga trên thân quả cầu kim loại được tìm thấy tại thôn Nà Giang, xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Ký tự được cho là tiếng Nga trên thân quả cầu kim loại được tìm thấy tại thôn Nà Giang, xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Tướng Tuấn cũng khẳng định, chắc chắn vật thể này là do con người làm ra và của một phương tiện bay nào đó.

"Những vật thể lạ này không do Việt Nam sản xuất và cũng không phải thuộc một bộ phận vật thể bay nào thuộc sở hữu của Việt Nam đang hoạt động rơi xuống khu vực này" - Tướng Tuấn nhấn mạnh.

Trong khi đó, bản tin thời sự VTV1 tối 3/1 cho biết, vật thể rơi xuống Tuyên Quang không phải bom, mìn, vật liệu nổ, hay thiên thạch, mà có thể là một bình chứa oxy hoặc hydro của một thiết bị trên không trung, do trục trặc kỹ thuật nên đã rơi xuống đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại