Mỹ tập kích Libya: Tổng thống thoát chết trong 11 phút kinh hoàng

Đại tá Trần Danh Bảng |

Trước và trong cuộc tập kích đường không được chuẩn bị khá công phu và tốn kém từ KQ Mỹ, tiến công vào Libya tháng 4 năm 1986. Qua đây cho thấy bên tấn công chủ động rất cao.

LTS: Trong những năm tháng cuối cuộc đời, Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo rất tâm huyết với các nghiên cứu của ông về nghệ thuật tác chiến của không quân và tên lửa.

Ở các tạp chí nghiên cứu khoa học, ông khẳng định, trong chiến tranh hiện đại, chỉ có máy bay và tên lửa kết tinh được 3 tố chất quý giá cho tác chiến trong cùng thời điểm, đó là tính cơ động, tính đột kích và tính hỏa lực.

Nhìn nhận các cuộc tập kích đường không mấy thập kỷ qua, cho thấy vai trò của không quân, tên lửa ở đòn đánh đầu tiên thật lợi hại, làm biến đổi rất nhanh tình thế chiến trường, chuyển hóa tương quan lực lượng.

Một cuộc chiến chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, như chiến dịch El Dorado Canyon, vỏn vẹn có 11 phút đã đạt được ý đồ chiến dịch. Trong đó không quân và tên lửa đã làm nên chuyện lớn.

Bài viết này gồm 2 phần tổng hợp các động thái quân sự, trước và trong cuộc tập kích đường không được chuẩn bị khá công phu và tốn kém từ không quân Mỹ, tiến công vào Libya tháng 4 năm 1986. Qua đây cho thấy bên tấn công chủ động rất cao.

Phần 1: Mỹ tập kích Libya: Tổng thống thoát chết trong 11 phút kinh hoàng

Libya là một quốc gia Bắc Phi, giáp với Địa Trung Hải ở phía Bắc, và nhiều quốc gia khác, như Ai Cập ở phía đông, Sudan ở phía Đông Nam, Tchad và Niger ở phía nam, Algérie và Tunisia ở phía Tây.

Với diện tích lớn hơn gấp năm lần Việt Nam, tổng diện tích 1,8 triệu kilômét vuông, 90% trong đó là sa mạc. Dân số Libya chỉ có 6 triệu người. Thủ đô là thành phố Tripoli 1,7 triệu trong tổng số 5,8 triệu dân cả nước.

Nước này có  trữ lượng dầu mỏ thuộc hàng lớn nhất trên thế giới, Libya trong các thập kỷ trước có mức thu nhập kinh tế quốc dân trên đầu người cao nhất Bắc Phi.

 
đại tá trần danh bảng
 

Các khoản thu nhập từ dầu lửa hàng năm tới 32 tỷ đô la Mỹ trong năm (2010), tiềm năng của Libya là rất lớn. Libya có đường bờ biển dài 1.770 kilômét (1.100 dặm), dài nhất ở Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, sa mạc Libya bao phủ hầu như toàn bộ vùng đông Libya, là một trong những địa điểm khô cằn nhất trên thế giới.

Rạng sáng, ngày 15 tháng 4 năm 1986, có 66 máy bay các loại của Mỹ đã lao vào vùng trời thủ đô Tripoli và thành phố Benghazi của Libya, tiến hành cuộc tập kích đường không quy mô lớn mang mật danh "El Dorado Canyon - Hẻm núi Dorado”.

Khu nhà ở của nhà lãnh đạo Libya là Đại tá Muamar Gaddafi và nhiều mục tiêu trở thành mục tiêu trực tiếp bị máy bay Mỹ tấn công trong vụ đột kích. Chiến dịch El Dorado Canyon chỉ diễn ra có vỏn vẹn 11 phút.

Với lý do Mỹ tuyên bố đánh vào mục tiêu là các căn cứ quân sự, nhưng tên lửa lại phóng xuống Bin Ashur, vùng ngoại ô có mật độ dân cư dày đặc của Tripoli. Khu sứ quán nước ngoài và vùng dân cư ở thành phố Tripoli cũng chịu thiệt hại nặng nề.

Hơn 100 dân thường bị bom và tên lửa Mỹ giết chết, hàng trăm người bị thương vì bom, trong đó có một số nạn nhân quốc tịch Hy Lạp, Italy và Nam Tư.

Mục tiêu của máy bay Mỹ còn là học viện hải quân, sân bay quân sự Tripoli, các doanh trại quân đội ở Aziziyah, căn cứ quân sự Side Bilal và các cơ sở ở Benghazi.

Ronald Reagan, Tổng thống Mỹ lúc đó biện minh cho hành động này bằng cách cáo buộc Libya chịu trách nhiệm trực tiếp vào các hành động khủng bố nhằm vào Mỹ, bao gồm vụ đánh bom sàn nhảy La Belle ở Tây Berlin trước đó làm hơn 200 người bị thương.

Đây là nơi thường xuyên lui tới của binh sĩ Mỹ và có 63 quân nhân nước này là nạn nhân trong vụ đánh bom.


Các máy bay F-111 là lực lượng chủ công trong cuộc tấn công này.

Các máy bay F-111 là lực lượng chủ công trong cuộc tấn công này.

Hệ thống vũ khí phòng không của Libya

Vào thập kỷ 80, hệ thống radar cảnh giới và dẫn đường của Libya, chủ yếu sử dụng các khí tài của Liên Xô trước đây. Như các đài radar P-14, P-35, P-37, P-18, ngoài ra còn các đài P-12, P-40, P-19, P-15, đài đo cao PRV-11, PRV-13, PRV-16…

Các cơ sở radar bố trí sẵn của Libya đã tạo ra  vùng phủ sóng liên tục, bao quát, giám sát độ cao thấp từ 300 đến 500m trở lên, dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, và gần thành phố Tripoli và Tobruk.

Trên biển có một giới hạn quan sát thấp dưới 100m dựa trên công nghệ của Liên Xô, kết hợp hệ thống tự động thu thập và hiển thị thông tin của các công ty "Telwfunken”.

Điều này cho thấy, Không quân Mỹ không lạ gì tần số chính và phụ, thậm chí đặc tính cùng năng lực chống nhiễu của các loại radar này. Vào thời điểm 1986, năng lực chuyển tần tự động, số hóa các linh kiện radar Liên Xô còn hạn chế.

Việc truyền dẫn số liệu còn lạc hậu, giữ chậm tin radar còn tốn nhiều phút, tính từ đài cảnh giới đến khi các đài dẫn bắn tên lửa nhận được.

Lại nói về hỏa lực tên lửa phòng không của Libya trong chống trả và đánh chặn, (bao gồm cả các đơn vị phòng không lục quân) với các bệ phóng S-75MZ, C-125M1A, C-200VE, OSA-AK của Liên Xô và xuất xứ từ Pháp như Crotal.

Họ có không dưới 4 đại đội (24 bệ phóng) S-200А Angara (còn theo một số nguồn tin thì có tới 8 đại đội với 48 bệ phóng). S-125 Pechora 132 bệ phóng.

Ngoài ra, Libya có một số lượng lớn các tên lửa vác vai như "Strela-2" và pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka "Shilka" và pháo cao xạ ZU-23-2.

Trọng tâm của nhóm phòng không gần Benghazi tập trung ở phía Tây Bắc. Các bộ phận tập trung quan sát, sục sạo, phát hiện theo dõi máy bay tiếp cận từ hướng biển.

Không lực của Libya có tới 30 MiG-21, 100 MiG-23, 50 MiG-25; 25 máy bay tiêm kích chiến thuật Su-17 và Su-22. Được phân tán rải rác trên các sân bay như Benin, Ghat, Tobruk, Sabhah, Al Bayda và El Adem.


Máy bay tác chiến điện tử EF-111.

Máy bay tác chiến điện tử EF-111.

Những “triệu chứng” trước chiến dịch

Để phục vụ cho Chiến dịch tập kích đường không (TKĐK) 11 phút, cả một guồng máy chiến tranh của Mỹ đã vận hành liên tục trước đó nhiều tháng trời.

Tổng hợp các nội dung trong sự kiện này, Tạp chí “Phòng thủ không gian - VKO" (Nga) đưa ra nhiều tư liệu, cùng các ý kiên phân tích từ các nhà khoa học quân sự hàng đầu của lực lượng vũ trang Nga.

Từ tháng 10 năm 1985, đơn vị không lực Mỹ số 20 đóng tại căn cứ Hayford và Lakenheath (Anh) bí mật huấn luyện tấn công mô phỏng với 10 chiếc F-111E, trang bị 8 trái bom 500 lb chuyên dùng tập trận. Nhiệm vụ này chủ đích hướng đến 1 cuộc tấn công “tầm xa”.

Từ ngày 22/03/1986, biển Địa Trung Hải “nóng” lên, nhộn nhịp khác thường. Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ diễn tập huyên náo mặt nước, trên trời. Tần suất lên xuống chiến đấu cơ trên các tàu sân bay tăng lên đáng kể từ 22-27 tháng 3.

Các nhóm tàu "America" đã thực hiên cho 480 phi vụ cất hạ cánh,  tàu "Coral Sea" là 336, và tàu "Saratoga" là 626 phi vụ.

Có nhà phân tích đã từng ví von, các cuộc diễn tập nhiều khi như động tác tay phải của các nhà ảo thuật, thực chất hành vi lại là ở tay trái kia.

Ngày 23/03, ở vịnh Sidra về phía bắc Libya xuất hiện 3 đến 5 tàu khu trục trang bị hệ thống phòng không "Aegis".

Động thái bảo vệ  tầng không sát với bán kính 120 km, tính từ tầm sát thương của  tên lửa bảo vệ không phận Libya, nhằm mục đích gì?  Không phải ai cũng nhìn ra nguy cơ của Libya lúc ấy.


Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-2C của Hải quân Mỹ. Ảnh minh họa/Planespotters.net.

Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-2C của Hải quân Mỹ. Ảnh minh họa/Planespotters.net.

Máy bay chỉ huy cảnh báo sớm E-2C "Hawkeye" của Mỹ lảng vảng trên tàu sân bay, giả như cung cấp thông tin tình báo, chỉ dẫn máy bay phục vụ diễn tập, thực chất là cung cấp thông tin tình báo, cho việc dẫn máy bay “ở đâu đó” đến.

Lưu lượng thông tin bằng mật mã giữa các tàu chiến và máy bay Mỹ gia tăng khác thường ở ngoài khơi.

Vào ban ngày, cả vào ban đêm, trong vùng kiểm soát bay ngoài khơi bờ biển của Libya máy bay trinh sát chiến lược RC-135 xuất kích từ căn cứ không quân ở Athens (Hy Lạp), cùng máy bay trinh sát SR-71 xuất kích từ căn cứ Mildenhall (Anh) hoạt động mạnh.

Trên tạp chí VKO, Đại tá, Giáo sư Konstantin, Trường quân sự Suvorov (Tver) viết:

"Sau này, người ta đồ giải đường bay, về động thái trinh sát RC-135 cho thấy, máy bay này đã bay dọc theo bờ biển Libya, lảng vảng ở tuyến trong (bỏ qua hơn 100 km từ bờ biển).

Ngày 12 tháng 4, RC-135 trinh sát trên không vực Tripoli bỏ qua 100-120 km từ bờ biển, ngày 13 tháng Tư và 14 Tháng 4 vòng về hướng thành phố Benghazi cũng bỏ qua 150 đến 200 km từ bờ biển.

Các chuyến bay thực hiện trinh sát ở độ cao 8.000m, tốc độ khoảng 700 km/h. Rõ ràng chúng đang dòm ngó lực lượng phòng không. Một kiểu trinh sát trước chiến dịch".

Không quân Mỹ lúc này các kíp lái đã dành 20 phi vụ cuối cùng từ căn cứ không quân tại Vương quốc Anh thử nghiệm tiếp nhiên liệu nhiều lần trên đường dài. 6 chiếc máy bay tiếp dầu được huấn luyện nạp liệu cho cường kích vào ban đêm.

Người Mỹ rất quan tâm vấn đề tàng hình và che giấu hành động. Với các chuyến bay của F-111 tại Anh vào buổi tối vào ngày 14 tháng 4, chúng được thực hiện như thể đang luyện bài tập chiến thuật thường lệ.

Nếu tình báo mặt đất của Gaddafi có mặt tại Hayford và Lakenheath cũng khó mà ngờ vực rằng F-111 chuẩn bị bay tới tận vùng Bắc Phi trên 5000 km xa lắc xa lơ!

Hành trình cho 11 phút oanh kích

Đúng 21h ngày 14 Tháng 4 năm 1986 từ 2 căn cứ không quân ở Anh, các phi đội máy bay tiêm kích ném bom F-111 và tác chiến điện tử EF-111 cất cánh.

Đường bay qua vịnh Biscay, tiếp đó dọc theo bờ biển của Bồ Đào Nha, Gibraltar, tới trung tâm biển Địa Trung Hải tiến về bờ biển Tripoli. Lý do phải bay xa như vậy, là vì chính phủ của Pháp và Tây Ban Nha đã từ chối không cho bay qua không phận của họ.

Cùng lúc này, vài chục máy bay hỗ trợ tác chiến cũng bay lên, có 6 máy bay tiếp dầu KC-10 và KC-135 bay chờ sẵn tại các điểm tiếp liệu.

Rất ít các chuyên gia lúc đó hình dung rằng máy một chiếc F-111 có khả năng "marathon" xa như vậy. Các phi công Mỹ lái F-111 đã lập kỷ lục về độ bền bỉ khi ngồi trong buồng lái chật chội hơn 13 giờ để ném bom chiến thuật.

Các chuyên gia không quân khẳng định, bay liên tục trên 5.200 km và quay về là một điều khó khăn trong hành trình và tác chiến.

Các đài radar của Libya lúc này đã phát hiện được nhiều tốp mục tiêu ở độ cao trung bình, một cách liên tục. Đó chỉ là các máy bay E-2C "Hawkeye" bay lượn trên biển Địa Trung Hải ở khoảng cách 200 đến 250 km, tính  từ bờ biển của Libya.

Quân báo phòng không Libya đã hiểu lầm, là đường bay theo các bài diễn tập của hạm đội trên biển. Không biết rằng các đối thủ chính đang mật tập tiến về bờ biển nước mình ở độ cao chỉ ngay trên mặt sóng.

Tàu sân bay 80.000 tấn của Hải quân Mỹ, là Coral Sea, giờ này đã kịp tung ra chiếc máy bay E-2C nhằm phối hợp tìm kiếm và cứu hộ cho chiến dịch.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc thời gian đó nói rằng toàn bộ cuộc đột kích, bắt đầu lúc 2 giờ sáng thứ Ba giờ Libya. Thế rồi, các đài radar của Libya bị chế áp nhiễu, trước khi lâm sự 6 đến 8 phút.

Toàn bộ khu vực tiếp giáp mục tiêu và trong khu vực mục tiêu đã bị hải quân Mỹ gây nhiễu nặng.

Thời điểm 1 đến 2 phút đầu oanh kích, các tên lửa cao tốc chuyên diệt radar của Mỹ bắn chế áp các đài phát sóng, chủ yếu là các trạm radar dẫn đường, ngăn ngừa sớm các đòn đánh trả.

Máy bay F-111 triệt để lợi dụng tính năng bay thấp, nên số radar còn lại đã không phát hiện thấy bất kỳ máy bay của Mỹ nào.

Các máy bay tiêm kích-ném bom bay ban đêm ở chế độ im lặng vô tuyến hoàn toàn. Máy bay tiến công độ cao thấp và rất thấp nên đã tận dụng các khoảng trống, khu mù radar, tránh khu có trận địa hỏa lực.

6 máy bay EF-111 mỗi chiếc mang 3 thiết bị gây nhiễu, chia ra khu vực bay chế áp, tạo nhiễu cường độ mạnh trên khắp lãnh thổ Libya.

Được nhiễu che chắn, các tốp máy bay F-111 bay tới khu vực cách bờ biển của Libya khoảng 200 đến 300 km, phi công điều khiển giảm độ cao xuống sát mặt biển, chỉ 100m

Tính năng bay thấp của F-111 rất tốt, nhờ có radar bám địa hình, lúc này các phi đội chia ra mấy hướng.

Có 6 chiếc F-111 giảm độ cao rất thấp, chỉ 50 đến 60 m, dưới vùng kiểm soát hiệu quả của radar cảnh giới lao vào tấn công bằng bom, tên lửa cao tốc sân bay Bean Gashir và các mục tiêu phía nam Tripoli.

Một trái bom khoan sâu, chuyên phá boong ke ngầm sâu dưới đất đã phát nổ. 6 chiếc khác lao tới ném bồi vào các mục tiêu.

Tàu sân bay "America" và "Coral Sea" đã được đưa vào gần bờ biển Libya. 24 chiếc máy bay hải quân A-6 và F/A-18 Hornet ném bom vào các trạm radar và các trận địa phòng không ở Benghazi trước khi ném bom các doanh trại Benina và Jamahiriya.

Nhiều tên lửa và bom đánh trúng phá hoại các đài radar, trận địa hỏa lực.

Có thể nói, ngay từ đầu, các phi đội F-111 đã chọc thủng, phá vỡ  tuyến đánh chặn. 2 đến 3 phút đầu, do quá bất ngờ, lữ đoàn tên lửa triển khai tại vùng phụ cận của Benghazi (có 4 đến 6 tiểu đoàn tên lửa) bị vô hiệu hóa.

Cần biết là chỉ riêng Thủ đô Tripoli có 7 tiểu đoàn S-75 Dvina, Volkhov 42 bệ phóng; 12 tiểu đoàn tên lửa S-125 Neva với 48 bệ phóng; 3 tổ hợp 2K12 Kub với 48 bệ phóng; 1 tiểu đoàn 9K33 Osa Osa-AK với 16 đạn cùng 60 cơ cấu phóng Crotale 2.

Tại Tripoli các tiếu đoàn tên lửa C-75 và C-125 ngay từ đầu không xác định được mục tiêu trong nhiễu. Lại sợ tên lửa bức xạ chống radar, nên lúng túng, không phát sóng, không bắt được mục tiêu, thì không định vị được các tốp, nên không phóng được đạn.

Chỉ còn lực lượng pháo cao xạ và pháo tự hành ZSU-23 nổ súng, bắn cháy 1 máy bay F -111 và 1 chiếc khác bị hư hại. Khoảng 50% các bệ phóng tên lửa trên toàn lãnh thổ đạn nằm im trên trên rãnh bệ phóng.

Tạp chí VKO tháng 1-2015 mới đây có bài viết cũng chỉ rõ, các chỉ huy phòng không của Libya đã không dự kiến được đường bay rất nguy hiểm hướng từ phía sa mạc đánh lên Tripoli rồi trở ra biển.

Các chỉ huy Không quân Mỹ đã rất kỳ vọng vào đường bay bất ngờ này. Họ cho nhiều tốp A6,  F-14 vòng về phía sau, nơi có những cồn cát chạy dài, đầy bụi đỏ, bất ngờ tấn công các mục tiêu.

Trong khi hỏa lực của Tripoli chủ yếu hướng chú ý theo hướng biển, nơi có tàu sân bay của Hải quân Mỹ hoạt động.

Mặc dù Không quân Libya có số lượng lớn máy bay hiện đại như MiG-25P (PD), MiG-23MLD, MiG-21bis và "Mirage”, nhưng đã bị lỡ thời cơ cất cánh để đánh trả đối phương.

Phần lớn các máy bay chiến đấu của Libya đã bị phân tán đến các sân bay nằm ở trung tâm của đất nước, lẽ ra một số máy bay có thể tránh được đòn đánh đầu tiên, nhưng cũng không cất cánh được.

Các F-111 được hỗ trợ bởi bốn EF-111 tác chiến điện tử đã đánh trúng trung tâm đào tạo người nhái tại một học viện hải quân, doanh trại quân đội Bab al-Azizia ở Tripoli.

Dinh thự của Tổng thống bị 4 chiếc F-111 “được phân công chăm sóc đặc biêt” đánh bom ‘thông minh” dẫn chính xác bằng laser, sụp đổ tan nát. Nhưng Gaddafi đã may mắn, ông này không có ở dinh thự đêm 14-4.

Tờ Los Angeles Times sau này đưa tin: Thế là cuộc hành binh dài dằng dặc trên không, kết thúc sau hơn 11 phút… KQ Mỹ bay từ Vương quốc Anh tới Libya và quay về với 6.400 dặm (10.300 km) kéo dài 13 giờ. Phải tiếp dầu trên không nhiều lần.

Có 18 chiếc tiêm kích bom F-111 theo đường bay xa đi oanh kích, 16 chiếc trở về căn cứ ở Anh an toàn vào rạng sáng ngày 15 tháng 4.

Còn 1 chiếc bị bắn hạ tại Libya, bởi đạn pháo ZSU-23mm. 1 chiếc khác buộc bay hạ cánh ở Tây Ban Nha, do một động cơ quá nóng, vì hành trình quá dài.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại