M119A3 vẫn là phiên bản pháo kéo và có nhiệm vụ chủ yếu là yểm trợ lực lượng bộ binh. Pháo được kéo bằng các loại xe tải hoặc các loại xe bánh hơi có khả năng việt dã cao.
M119A3 cũng có thể được vận chuyển đường không bằng các loại trực thăng UH-60 (1 khẩu) hoặc CH-47 (2 khẩu) và các phương thức đổ bộ khác.
Một trong những cải tiến quan trọng của M119A3 là được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính (INU) và hệ thống điều khiển hỏa lực cho phép tăng tốc độ bắn.
Nguyên bản của loại pháo M119 là pháo kéo L118 do Anh sản xuất và đưa vào trang bị từ năm 1975. Trong cuộc chiến giữa Anh và Argentina liên quan tới tranh chấp đảo Falkland (Argentina gọi là Malvinas) năm 1982, Anh đã sử dụng 30 khẩu pháo loại này với mật độ bắn lên tới 400 phát mỗi khẩu mỗi ngày. Cuộc chiến này kéo dài từ ngày 2/4-14/6/1982.
Năm 1987, Mỹ đạt được với Anh thỏa thuận về giấy phép sản xuất loại pháo này (L119) nhằm thay thế cho loại M102 105 mm.
Khi đưa vào trang bị, Mỹ gọi loại pháo này là M119. M119 nặng khoảng 2 tấn, có khả năng sử dụng tất cả các loại đạn 105 mm tiêu chuẩn của NATO, trong đó M913 HERA có tầm bắn xa nhất là 19,5 km.
Cho tới nay, đã có 3 phiên bản M119 được phát triển gồm M119A1/A2/A3. Năm 2009, Mỹ đã mang M119A2 sang các chiến trường Afghanistan và Iraq. Loại pháo này có hiệu quả cao trong tiêu diệt lực lượng mặt đất và phá hủy công sự bằng hỏa lực cầu vồng.
Hồi tháng 5/2013, đơn vị pháo binh tại Fort Bragg là đơn vị đầu tiên của Lục quân Mỹ được trang bị M119A3 hiện đại hóa kỹ thuật số.
Hệ thống dẫn đường quán tính (INU) sử dụng GPS cho phép xác định chính xác tọa độ của chính khẩu pháo trên thực địa. Hệ thống này cũng cho phép giảm thời gian chuẩn bị khai hỏa loạt đầu tiên xuống còn 2-3 phút so với 10 phút của M119A2.
Tốc độ khai hỏa nhanh là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với pháo binh giúp tránh hỏa lực phản pháo của đối phương bằng phương pháp “bắn-chạy”.