Mỹ nên "coi chừng" đội tàu ngầm tên lửa hạt nhân của Trung Quốc

Minh Thu |

Trung Quốc sắp trang bị các tên lửa hạt nhân JL-2 tầm xa cho lực lượng tàu ngầm tàng hình hiện đại nhất của nước này với tầm bắn và khả năng tấn công vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Theo Bloomberg, sau 50 năm tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên, lực lượng tuần tra bằng tàu ngầm lớp Jin trang bị các tên lửa hạt nhân JL-2 hiện có thể giúp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nâng cao năng lực phản ứng trước các cuộc tấn công từ đối phương.

Trong khi đó, báo cáo thường niên của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung đệ trình lên Quốc hội Mỹ hồi tháng 11 cho hay đội tàu ngầm lớp Jin trang bị tên lửa hạt nhân của Trung Quốc sẽ bắt đầu thực hiện các chuyến tuần tra vào cuối năm nay, giúp Bắc Kinh có "khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy từ dưới biển lần đầu tiên".

Việc triển khai lực lượng tàu ngầm trên sẽ giúp đánh bóng tên tuổi của Trung Quốc trong bối cảnh ông Tập đang tìm cách dập tắt những cáo buộc về việc phát động một cuộc "Chiến tranh Lạnh" nhằm ngăn chặn Mỹ giành ưu thế trong vấn đề an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 12/2012, ông Tập đã mạnh tay chi tiền cho công cuộc hiện đại hóa sức mạnh quân sự mà trọng tâm là nâng cao năng lực tấn công từ xa cũng như sản xuất thêm các tàu sân bay hỗ trợ cho Liêu Ninh.

Nhà phân tích chiến lược độc lập Nicolas Giacometti, tác giả của loạt bài phân tích trên tờ The Diplomat và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược nhận định:

"Lần đầu tiên trong lịch sử, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ không bị tổn thương trong các cuộc tấn công phủ đầu. Đây là bước nhảy vọt cuối cùng giúp Trung Quốc tăng khả năng trả đũa hạt nhân đáng tin cậy".

Còn theo chuyên gia Felix Chang tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, Mỹ, chiến lược phòng thủ hạt nhân của Trung Quốc sẽ giúp xây dựng khả năng trả đũa trong trường hợp Bắc Kinh bị các quốc gia hạt nhân khác tấn công như Mỹ, Nga và Ấn Độ.

Ông Chang cho biết Trung Quốc không coi Triều Tiên là một mối đe dọa hạt nhân trực tiếp mà chính quyền Bắc Kinh chỉ lo ngại về chuyện gì sẽ xảy ra nếu Bình Nhưỡng đe dọa Hàn Quốc hay Nhật Bản và không may khu vực này rơi vào bất ổn.

Do đó, những chiếc tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân lớp Jin sẽ trở thành " hàng rào hữu dụng trước các mối đe dọa hạt nhân tiềm tàng từ Triều Tiên cho tới những mối đe dọa nhỏ nhất”, ông Chang chia sẻ.

Tuy nhiên, việc triển khai các tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân cũng sẽ gây áp lực lớn cho chính quyền Bắc Kinh trong công cuộc thuyết phục những quốc gia quân sự khác rằng các chỉ huy hải quân và giới lãnh đạo chính trị vẫn luôn trao đổi thông tin và kiểm soát chặt chẽ lực lượng quân sự hiện đại này.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi mà, các tàu và máy bay Mỹ - Trung đã nhiều lần áp sát nhau trên khu vực Thái Bình Dương cũng như Biển Đông và Hoa Đông – nơi Bắc Kinh liên tục có những hành động đơn phương khẳng định chủ quyền lãnh hải, nguy cơ xảy ra va chạm và đụng độ là rất gần.

Tàu ngầm lớp Jin có thể mang theo 12 tên lửa JL-2 với tầm bắn 7.400 km.

Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng Một, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng tiết lộ rằng cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào "không kiểm soát chặt chẽ" quân đội Trung Quốc.

Một trong những "ví dụ điển hình" được ông Gates đưa ra là việc Trung Quốc đã cho "trình làng" các chiến đấu cơ tàng hình J-20 trong chuyến thăm của cựu Bộ trưởng Mỹ hồi tháng 1/2010.

Tuy nhiên, ông Hồ Cẩm Đào lại "không hề hay biết về chuyện này".

Trái lại ngay từ khi lên nắm quyền, ông Tập lại thắt chặt quyền lực và kiểm soát mạnh mẽ quân đội nước nhà khi đảm nhận cương vị chủ tịch Quân ủy trung ương vào tháng 11/2012.

Trong khi đó, ông Hồ phải mất tới 2 năm sau mới ngồi lên chiếc ghế này.

“Trung Quốc sẽ phải đảm bảo với đối thủ của mình rằng họ luôn kiểm soát tuyệt đối đội tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân”, theo ông Malcolm Davis, phó giáo sư về quan hệ Trung Quốc - phương Tây thuộc Đại học Bond, Australia.

Thuật ngữ “kiểm soát tuyệt đối” đồng nghĩa với việc Quân ủy Trung ương Trung Quốc phải hoàn toàn nắm quyền kiểm soát tài sản hạt nhân của mình, ví dụ như mã ủy quyền gửi tới tàu ngầm để các chỉ huy tàu ngầm kiểm tra và sau đó cho phép phóng tên lửa hạt nhân.

“Trung Quốc buộc phải thiết lập cấu trúc chỉ huy và kiểm soát phù hợp để đảm bảo rằng Quân ủy Trung ương có thể duy trì liên lạc với các tàu ngầm dù chúng đang nổi hay đang lặn.

Mỹ, Anh, Pháp và Nga cũng đang duy trì khả năng kiểm soát tuyệt đối này”, ông Davis chia sẻ.

Cũng theo ông Davis, nếu có thể đảm bảo chắc chắn với đối phương rằng những loại vũ khí hiện đại trên chỉ được phóng nếu nhận được lệnh từ Quân ủy trung ương, quân đội Trung Quốc có thể tăng giá trị phòng thủ của các tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân.

Tuy nhiên, bản báo cáo gửi lên Quốc hội Mỹ cũng nhấn mạnh:

"Việc đưa ra được những đánh giá độ tin cậy cao về số lượng tên lửa đạn đạo hạt nhân và đầu đạn hạt nhân tại Trung Quốc là dường như không thể bởi Bắc Kinh không công khai minh bạch về chương trình hạt nhân của nước này".

"Kể từ năm 2006, Lầu Năm Góc cũng không đưa ra đánh giá nào về quy mô kho đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc".

Ngay cả, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng không trả lời những câu hỏi liên quan tới thời điểm quân đội nước này triển khai đội tàu ngầm lớp Jin trang bị vũ khí hạt nhân tham gia tuần tra thường xuyên cũng như chiến lược hạt nhân của quốc gia này.

Mỹ nên cảnh giác

Trước năm 2006, loại tên lửa đạn đạo duy nhất mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ là tên lửa DF-5A sử dụng nhiên liệu lỏng.

Điểm yếu của DF-5A là quá trình nạp nhiên liệu lỏng cho tên lửa phải mất vài giờ đồng hồ và phải thực hiện ở trong hầm.

Do đó, Trung Quốc buộc phải xây thêm các hầm chứa giả đồng thời áp dụng chính sách bảo mật để bảo vệ số tên lửa này khỏi các cuộc tấn công phủ đầu.

Tên lửa DF-31 sử dụng nhiên liệu rắn.

Song, kể từ năm 2006, Trung Quốc đã bắt đầu chế tạo các tên lửa đạn đạo di động phóng từ mặt đất DF-31A sử dụng nhiên liệu rắn.

Tên lửa DF-31A có tầm bắn tối đa 11.200 km và có thể chạm tới nước Mỹ. Ông Giacometti nhấn mạnh DF-31A có thể phóng gần như ngay lập tức sau khi được lắp đầu đạn.

Tuy nhiên, năng lực tình báo, do thám và trinh sát của Mỹ từ hình ảnh vệ tinh cho tới máy nay không người lái (UAV) hoạt động tầm cao như RQ-4 Global Hawk của Tập đoàn Northrop Grumman, có thể kiểm soát nhiều khu vực lãnh thổ rộng lớn và phát hiện sớm hoạt động của mọi bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Do đó, khi thông tin được gửi về sở chỉ huy Mỹ, các tên lửa tầm xa tốc độ cao và máy bay ném bom tàng hình B-2 sẽ sẵn sàng tấn công phá hủy trước cả thời điểm tên lửa của Trung Quốc kịp rời bệ phóng.

Điểm đáng nói, so với các bệ phóng từ mặt đất, lực lượng tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân lại hiếm khi cần xuất hiện trên mặt đất, do đó, khả năng "che giấu" cũng tốt hơn.

Hình ảnh một vụ phóng tên lửa JL-2.

Hiện nay, Trung Quốc đang cho triển khai 3 chiếc tàu ngầm lớp Jin và theo kế hoạch, tăng thêm 2 chiếc nữa vào năm 2020. Mỗi chiếc tàu ngầm lớp Jin có thể chuyên chở 12 tên lửa JL-2.

Với tầm bắn 7.400 km, tên lửa JL-2 của Trung Quốc có thể triển khai các cuộc tấn công hạt nhân vươn tới cả Alaska nếu như Bắc Kinh phóng tên lửa này từ các vùng hải phận gần nước này.

Thậm chí, JL-2 có thể vươn tới Alaska và Hawaii nếu chúng đươc phóng từ khu vực biển phía nam Nhật Bản, hay vươn tới Alaska, Hawaii và phần lục địa phía tây của Mỹ nếu được phóng từ hải phận phía tây Hawaii.

Ngoài ra, JL-2 còn có thể tấn công 50 bang của Mỹ nếu được phóng từ vùng biển phía đông Hawaii.

Bloomberg nhận định nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ sớm cho triển khai tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân lớp Jin tham gia nhiệm vụ tuần tra tại các vùng biển của nước này và Biển Đông.

Theo ông Davis, nếu tên lửa JL-2 muốn tấn công Hawaii hoặc lục địa Mỹ, các tàu ngầm Trung Quốc buộc phải di chuyển tới khu vực Tây Thái Bình Dương và xa hơn.

Tuy nhiên, đây là sẽ là "thách thức lớn với Bắc Kinh bởi họ sẽ buộc phải quay đầu trước năng lực chống ngầm của Mỹ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại