Mỹ mua "Ong bắp cày" lấp chỗ trống F-35C

Hải quân Mỹ sẽ mua thêm tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet cho tàu sân bay vì nghi ngờ tiến độ chuyển giao F-35C.

Theo kế hoạch, Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ sẽ trình kế hoạch mua loại tiêm kích này cho năm tài chính 2015. Số lượng dự kiến trong hợp đồng sẽ được ký với hãng Boeing là 36 chiếc, trong đó có cả tiêm kích F/A-18E/F và máy bay tác chiến điện tử E/A-18G Growler vốn được phát triển trên cơ sở của F/A-18E/F Super Hornet.

Một chiếc F/A-18E hạ cánh xuống tàu sân bay USS Abraham Lincoln
Một chiếc F/A-18E hạ cánh xuống tàu sân bay USS Abraham Lincoln

Ngoài ra, một hợp đồng riêng rẽ mua bổ sing 84 động cơ phản lực F414 cho cả hai loại máy bay trên cũng sẽ được ký kết.

Hải quân Mỹ hiện chưa đưa ra bình luận nào về quyết định trên. Tuy nhiên, các nguồn tin quân sự cho biết quyết định mua thêm tiêm kích Super Hornet xuất phát từ việc Hải quân Mỹ không tin tưởng vào tiến độ đưa tiêm kích F-35C vào trang bị. Đây vốn là phiên bản dành cho tàu sân bay của siêu tiêm kích đa năng tàng hình F-35 Lightning II mà theo kế hoạch sẽ được trang bị cho Hải quân Mỹ từ năm 2018. Hải quân Mỹ đã đặt mua 260 chiếc F-35C.

Hải quân Mỹ lo ngại F-35C không kịp vào biên chế từ năm 2018
Hải quân Mỹ lo ngại F-35C không kịp vào biên chế từ năm 2018

Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ hiện cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của Hải quân. Theo đánh giá của ủy ban này, sự thay đổi trong thời hạn đưa F-35C vào trang bị có thể làm suy yếu sức mạnh của Hải quân Mỹ trong khi việc mua Super Hornet đã bị dừng. Ủy ban này cũng khuyến nghị dành thêm 75 triệu USD cho Hải quân mua sắm tiêm kích F/A-18.

Theo số liệu của Flightglobal MiliCAS, Hải quân Mỹ hiện có tổng số 439 chiếc F/A-18E/F để thay thế những chiếc F/A-18 các phiên bản A, B, C và D (369 chiếc) và 74 chiếc E/A-18G.

Vào tháng 5/2012, Hải quân Mỹ cũng đã khởi động chương trình hiện đại hóa tiêm kích Super Hornet bằng việc trang bị các hệ thống dẫn đường, dẫn bắn, tìm kiếm và bám mục tiêu bằng hồng ngoại và các bộ cảm biến khác nhau.

F/A-18 E/F Super Hornet là tiêm kích đa năng 2 động cơ được phát triển trên cơ sở F/A-18 Hornet. F/A-18 Hornet được nghiên cứu chế tạo từ những năm 1970 và đưa vào trang bị từ đầu những năm 1980. F/A-18 Hornet có các phiên bản chính là F/A-18A/B/C và D.

Phiên bản Super Hornet gồm 2 phiên bản nhỏ hơn là F/A-18E một chỗ ngồi và F/A-18F hai chỗ ngồi. Super Hornet có chuyến bay đầu tiên vào năm 1995 và đưa vào trang bị cho Hải quân Mỹ từ năm 1999 để thay thế cho loại máy bay Grumman F-14 Tomcat.

Tiêm kích đa năng F/A-18E Super Hornet trên bầu trời Afghanistan
Tiêm kích đa năng F/A-18E Super Hornet trên bầu trời Afghanistan

Super Hornet lần đầu tiên tham chiến khi 2 chiếc F/A-18E của Mỹ tấn công các bệ phóng tên lửa đất đối không của Iraq trong một chiến dịch không kích vào Al Kut ở Iraq vào tháng 11/2002.

Phiên bản F/A-18 Hornet được xuất khẩu sang rất nhiều nước như Australia, Canada, Phần Lan, Kuwait, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và cả Malaysia. Tuy nhiên, phiên bản Super Hornet cho đến nay chỉ được xuất khẩu cho Australia.

Chỉ số chung của phiên bản Super Hornet là dài 18,31 m, sải cánh 13,62 m và cao 4,88 m. Trọng lượng rỗng của máy bay là trên 14 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa là gần 30 tấn. Máy bay loại này được trang bị 2 động cơ General Electric F414-GE-400 và có thể đạt tốc độ tối đa 1,8M.

Về vũ khí, Super Hornet có 1 pháo 20 mm M61 Vulcan ở đầu. Máy bay có thể mang theo nhiều loại tên lửa không đối không, không đối đất và không diệt hạm cùng nhiều loại bom khác nhau.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại