Tạp chí Popular Science (Mỹ) dẫn nguồn tin quân sự nước này cho biết, tên lửa hành trình DH-10 có thể là loại vũ khí sát thương mạnh nhất và khó phát hiện nhất của Trung Quốc 'dành cho' các đối thủ của nước này. Theo Popular Science, tên lửa DH-10 xứng đáng nhận được nhiều sự chú ý hơn là 2 loại tên lửa đạn đạo nổi tiếng của Trung Quốc là DF-15 và DF-21.
Popular Science phân tích, Trung Quốc có thể tấn công vào các mục tiêu của Mỹ và đồng minh tại Thái Bình Dương như ở Hawaii nếu loại tên lửa này được trang bị trên máy bay oanh tạc H-6K. Ngoài ra, DH-10 cũng có thể tấn công mục tiêu nằm sâu trong lục địa châu Á nếu được phóng từ tàu khu trục Type 052D hoặc tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093A.
Loại tên lửa này có trọng lượng khoảng từ 1 – 1,5 tấn này, xuất hiện lần đầu tiên tại ngày diễu binh quốc khánh Trung Quốc năm 2009, có tầm bắn 2.500km và có thể hạ được cả những mục tiêu nhỏ tiết diện chỉ vài m2.
Khả năng mang theo nhiều đầu đạn chính là một trong những sức mạnh lớn nhất của DH-10. Cụ thể nó có thể mang theo tới 500 kg đầu đạn thuốc nổ, đầu đạn hạt nhân hoặc nhiên liệu khí.
DH-10 có thể được dẫn đường bằng nhiều cách khác nhau bao gồm định vị vệ tinh, định vị quán tính, định vị mặt đất, điều khiến việc đánh chặn và phá sóng tên lửa trở nên vô cùng khó khăn. DH-10 cũng có thể được điều chỉnh thông tin khi đang bay và tránh được các radar cảnh báo sớm do nó bay ở độ cao thấp hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo.
Ngoài ra, loại tên lửa này cũng rất tiết kiệm nhiên liệu và nhờ đó, giảm được trọng lượng cũng như giá thành hoạt động. Hiện tại Trung Quốc đang có ít nhất 100 quả tên lửa loại này, Popular Science dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc tiết lộ.
Trong khi chưa tìm ra cách đánh chặn DH-10 hiệu quả trong trường hợp bị tấn công thì trước đó, Mỹ cũng đã rất đau đầu khi tìm cách đối phó với sát thủ diệt hạm DF-21 được Trung Quốc triển khai tại dãy núi Trường Bạch đầu tháng 1/2015.
Theo phân tích của tạp chí Jane's (Anh), việc Trung Quốc triển khai DF-21 tại địa điểm trên là để đối phó với Nhật Bản và Hải quân Mỹ trong khu vực. Jane's cho rằng, DF-21 được thiết kế với công năng chủ yếu tấn công tàu sân bay và những chiến hạm cỡ lớn - trong khu vực, những phương tiện chiến đấu cỡ lớn này chỉ Nhật Bản và Mỹ sở hữu.
Theo phân tích của Roger Clif, chuyên gia quân sự của Công ty RAND Mỹ, muốn sử dụng tên lửa đạn đạo tấn công thành công tàu chiến của Hải quân Mỹ, Trung Quốc trước hết phải thăm dò, phát hiện được tàu chiến Mỹ, đồng thời xác nhận đây chính là mục tiêu họ muốn tấn công (chẳng hạn, một chiếc tàu sân bay), tiến tới nắm chắc tọa độ chính xác có thể làm cho tên lửa bắn trúng mục tiêu, sau đó đổi mới dữ liệu có liên quan trong đường bay của tên lửa. Cuối cùng, đầu đạn tên lửa phải “khóa” và ngắm chuẩn tàu chiến mục tiêu.
Về biện pháp đáp trả và đánh chặn tên lửa, Roger Clif cho rằng, Mỹ có nhiều sự lựa chọn, mặc dù trong đó có một số biện pháp tương đối khó thực hiện: “Radar vượt tầm nhìn dùng để dò tàu chiến có thể bị gây nhiễu, đánh lừa hoặc bị tiêu diệt; khi vệ tinh hình ảnh đi qua khu vực có thể dò được hạm đội thì có thể phóng khói mù và các biện pháp đáp trả khác; có thể gây nhiễu dữ liệu của tên lửa tấn công để nó thay đổi hướng đi giữa đường; khi tên lửa ‘khóa’ mục tiêu, đầu dẫn tên lửa cũng có thể bị gây nhiễu và đánh lừa”.
Nhưng, Roger Clif cũng cho rằng, đánh chặn tên lửa là một việc khó khăn nhất. SM-3 là hệ thống vũ khí sát thương ngoài tầng khí quyển, có nghĩa là nó chỉ có thể đánh chặn tên lửa ở giữa đường, cho nên tàu Aegis phải lập tức phóng tên lửa đánh chặn SM-3 mới có thể đánh chặn thành công trước khi tên lửa tấn công lại đi vào bầu khí quyển, hoặc triển khai tàu Aegis trên đường bay của tên lửa tấn công.
Ông còn chỉ ra, tên lửa DF-21 có thể lắp thiết bị đánh lừa giữa đường, tiếp tục làm tăng độ khó cho việc đánh chặn thành công của tên lửa đánh chặn SM-3. Tàu Aegis Mỹ cũng trang bị tên lửa SM-2. Loại tên lửa này có thể đánh chặn tên lửa trong bầu khí quyển, nhưng khó có thể đánh chặn thành công do tên lửa DF-21 do tên lửa này rất cơ động.