Mỹ lo tên lửa Trung Quốc phá hủy căn cứ Okinawa

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Mỹ lo ngại rằng một cuộc tấn công bằng tên lửa của Trung Quốc có thể phá hủy toàn bộ các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ ở Okinawa và nhiều vị trí quan trọng khác.

Lầu Năm Góc đang ra sức củng cố các căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương và hướng tới việc phục hồi những căn cứ Không quân từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai, với lo ngại rằng một cuộc tấn công bằng tên lửa của Trung Quốc có thể phá hủy toàn bộ các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Okinawa và nhiều vị trí quan trọng khác.

Michael Lostumbo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á- Thái Bình Dương RAND nhận định tên lửa đạn đạo Trung Quốc khiến các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương bị “đe dọa nghiêm trọng”. Một báo cáo của RAND cho thấy 90% các căn cứ của Mỹ nằm trong phạm vi cách Trung Quốc chỉ 1.800 hải lý, khiến chúng dễ rơi vào tầm ngắm của tên lửa Trung Quốc.

Lostumbo nói “Chúng tôi so sánh các mối de dọa trong khu vực Thái Bình Dương với những khu vực khác và thấy rằng tất cả các căn cứ ở đây đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các tên lửa đạn đạo Trung Quốc”.

Một góc bên trong căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa
Một góc bên trong căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa

RAND đưa ra ba giải pháp để đương đầu với mối đe dọa này: Di chuyển các căn cứ ra khỏi tầm bắn của tên lửa, củng cố vững chắc các nhà chứa máy bay, sơ tán các máy bay nhằm hạn chế thiệt hại mà bất kỳ một cuộc tấn công nào có thể gây ra.

Trong khi đó, một sĩ quan cấp cao giấu tên cho biết “Các nhà chiến lược của Lầu Năm Góc hiện đang tái kiểm tra các căn cứ như Kadena trên đảo Okinawa bởi khoảng cách liền kề với Trung Quốc khiến chúng dễ bị tổn thương”.

Một số kế hoạch triển khai lực lượng gần đây của Mỹ:

Căn cứ Darwin, Australia: Quân đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ hiện đang tăng cường sự hiện diện ở đây. Lần triển khai đầu tiên diễn ra hồi năm ngoái, gồm 200 lính thủy đánh bộ. Theo đại úy Eric Flanagan, phát ngôn viên của lực lượng Thủy quân lục chiến, mục đích của sự triển khai này là nhằm luân chuyển 2.500 lính thủy đánh bộ tới căn cứ, với vai trò là một bộ phận của lực lượng tác chiến không – bộ.

Các tàu chiến tại căn cứ Darwin, Australia
Các tàu chiến tại căn cứ Darwin, Australia

Theo Flanagan, việc triển khai luân phiên số binh sĩ trên tới căn cứ Darwin sẽ cho phép Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ hiện diện trong khu vực mà không cần phải sử dụng căn cứ lớn.

Guam: Theo Vụ khảo cứu quốc hội Mỹ, kể từ năm 2000, Lầu Năm Góc đã tích cực củng cố lực lượng ở phía tây lãnh thổ Mỹ. Có khoảng 8.000 lính thủy đánh bộ ở Okinawa dự kiến sẽ di chuyển đến căn cứ này. Đảo Guam có hai căn cứ quan trọng của Mỹ, Apra dành cho Hải quân và Andersen dành cho Không quân.

Một góc nhỏ của căn cứ Andersen trên đảo Guam
Một góc nhỏ của căn cứ Andersen trên đảo Guam

Một bản báo cáo ngày 15/11 cho hay, đối với Lầu Năm Góc, mối quan ngại chủ yếu đối với Guam là một cuộc tấn công bằng tên lửa của Trung Quốc hoặc Triều Tiên. Sự lo lắng này đã được phản ánh qua việc đề nghị các khoản chi hàng trăm triệu USD nhằm củng cố các hầm chứa nhiên liệu và nhà chứa máy bay. Không quân mong muốn có được các cơ sở hạ tầng được củng cố vững chắc cho các máy bay ném bom, máy bay vận tải và tiếp dầu của họ. Theo các báo cáo ngân sách, những nhà chứa cần có một mái che bằng bê tông và tường dày 1m.

Tham mưu trưởng Không quân Mark Welsh phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng này rằng Chỉ huy các lực lượng của Mỹ ở Thái Bình Dương đã yêu cầu có các biện pháp bảo vệ trong trường hợp bị tấn công bằng tên lửa. Welsh đề nghị cấp khoản ngân sách 256 triệu USD để củng cố các căn cứ không quân trong khu vực.

Tinian and Saipan: Theo Lầu Năm Góc, hai hòn đảo ở Bắc Thái Bình Dương, cách Guam không xa, có thể được xem là vị trí thuận lợi để sơ tán các máy bay từ một số căn cứ khác khi có chiến sự. Không quân Mỹ đề nghị khoản đầu tư hơn 115 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng ở Saipan. Mục đích của việc xây dựng này là sử dụng hòn đảo cho các cuộc diễn tập và phục vụ hạ cánh khẩn cấp trong trường hợp thời tiết xấu.

Hai hòn đảo này từ lâu đã có một tầm quan trọng chiến lược đối với quân đội Mỹ. Trong thế chiến thứ hai, quân đội Mỹ đã chiếm giữ nó từ tay lực lượng của Nhật Bản vào năm 1944 và xây dựng một căn cứ trải rộng trên đảo Tinian để cho các máy bay ném bom B-29 tấn công Nhật Bản. Hai phi công đã cất cánh từ Tinian vào tháng 8/1945 để thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại