Trang tin quân sự Vpk dẫn bài viết của chuyên gia Norman Friedman trên tạp chí Time của Mỹ cho biết: Việc Trung Quốc công bố thử nghiệm thành công công nghệ “Supercavitation” - công nghệ cho phép tàu ngầm có thể tăng tốc dưới nước với tốc độ cận âm – không phải là điều mới mẻ trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng.
Từ những năm 1960, Liên Xô đã phát triển công nghệ này, và đến nay, công nghệ mới chỉ áp dụng thành công cho các ngư lôi.
"Supercavitation" là quá trình khuấy động nước để tạo ra những bong bóng hơi nước bao phủ hoàn toàn vật thể chuyển động, làm giảm đáng kể lực ma sát và tăng tốc độ.
Norman Friedman khẳng định, việc thực hiện phương pháp này trong thực tế là rất khó khăn, đặc biệt là khi áp dụng vào việc chế tạo tàu ngầm.
Theo Norman Friedman, những loại chân vịt truyền thống của tàu ngầm không thể dùng để đạt được vận tốc đó, do chúng phải có sự tiếp xúc với nước, trong khi nước sẽ bay hơi khi chạm vào bất kỳ phần nào của tàu ngầm hoặc ngư lôi.
Một trong những ngư lôi có vận tốc cực lớn sử dụng công nghệ “Supercavitation” là “Squall” với tốc độ tối đa 416km/1 giờ, nhưng thực tế thì “Squall” chỉ là một loại vũ khí tầm ngắn, với quãng đường đi được tối đa là khoảng 9km.
Hồi cuối tháng 8, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân tuyên bố phát triển thành công công nghệ “Supercavitation”, công nghệ giúp tàu ngầm và ngư lôi có thể di chuyển dưới nước với tốc độ cận âm.
Theo giới phân tích, một khi công nghệ“Supercavitation” được áp dụng thành công, tàu ngầm tương lai của Trung Quốc có thể di chuyển từ Thượng Hải tới San Francisco trong vòng… 100 phút.