Mỹ - Hàn rầm rộ tập trận ‘trảm’ lãnh đạo Triều Tiên?

Cuộc tập trận quân sự trên quy mô lớn “Giải pháp then chốt” giữa Hàn Quốc và Mỹ chính thức diễn ra từ ngày 11-3. Song song với đó, một cuộc tập trận khác có tên gọi “Chim Ưng” giữa Hàn Quốc và Mỹ vẫn đang diễn ra và kéo dài đến cuối tháng 4.

Quân đội Mỹ - Hàn thường xuyên tập trận chung

Thậm chí, có những cuộc tập trận quân đội Hàn Quốc còn dàn dựng mô hình “chém đầu” nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Mỗi năm hàng trăm cuộc tập trận

Theo một chuyên gia am hiểu về quân sự Hàn Quốc, về cơ bản tháng nào nước này cũng tổ chức tập trận lớn, số cuộc tập trận nhiều đến nỗi họ không thể tính nổi, mỗi năm số cuộc tập trận ở Hàn Quốc lên tới con số hàng trăm.

Nếu dựa theo quy mô, hai cuộc tập trận có quy mô lớn nhất giữa Hàn Quốc và Mỹ là “Giải pháp then chốt” tổ chức vào tháng 3 và “Thấu kính hội tụ Ulchi” tổ chức vào tháng 10 hàng năm. Đây cũng là hai cuộc tập trận khiến Triều Tiên phản cảm nhất.

Nếu chia theo binh chủng thì hàng năm hải quân Hàn Quốc, Mỹ đều tổ chức tập trận chung, hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ định kỳ sang Hàn Quốc tập trận. Cuộc tập trận quân sự trên biển lớn nhất thế giới “Vành đai Thái Bình Dương” do Mỹ tổ chức vào các năm chẵn chắc chắn cũng có Hàn Quốc tham gia.

Lực lượng không quân Hàn Quốc không những cử máy bay chiến đấu diễn tập trên không phận nước mình với lực lượng không quân Mỹ, mà còn sang cả đất Mỹ để tham gia cuộc tập trận “Red Flag” rất giống với chiến trường thật. Lực lượng lục quân Hàn Quốc cũng tập trận vượt sông, chống khủng bố với quân đội Mỹ.

Trong các cuộc tập trận lớn như “Giải pháp then chốt” còn bao hàm những nội dung cụ thể, thậm chí có thể tổ chức nhiều buổi diễn tập độc lập. Như kế hoạch tác chiến 5027, 5029, 5030 nhằm vào Triều Tiên chính là hoạt động tập trận thực địa do Mỹ đề ra, thậm chí đôi lúc quân đội hai nước này còn dàn dựng mô hình “chém đầu” nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Hàng năm lực lượng lục quân, hải quân, không quân Hàn Quốc còn tổ chức cuộc tập trận có tên gọi “Song long”, Mỹ không tham gia nhiều vào cuộc tập trận này. Ngoài ra, Hàn Quốc còn thường xuyên tập trận phản pháo, tập trận chống sinh hóa nhằm vào các vũ khí có tính uy hiếp nhất của Triều tiên. Ngoài các cuộc tập trận định kỳ, sau sự kiện Pháo kích đảo Yeonpyeong, Hàn Quốc còn tăng thêm các cuộc tập trận có tính chất tạm thời.

Mỗi dịp tổ chức các cuộc hội nghị và thi đấu thể thao mang tính quốc tế, Hàn Quốc cũng tổ chức tập trận. Ngoài việc diễn tập sử dụng các loại vũ khí thường quy, lực lượng tác chiến không gian mạng Hàn Quốc còn hợp tác với Bộ tư lệnh không gian mạng của Mỹ (USCC) và tổ chức tập trận, tuy nhiên nội dung của các cuộc tập trận này rất ít khi được đưa lên báo chí.

Mỗi năm Hàn Quốc tổ chức hoặc tham gia hàng trăm cuộc tập trận lớn nhỏ

3 tháng đầu năm mật độ tập trận dày đặc

Năm 2013 mới chỉ trôi qua gần 3 tháng, nhưng số lượng các cuộc tập trận của Hàn Quốc diễn ra dày đặc. Ví dụ ngày 21-1 là cuộc tập trận trận kỷ niệm 45 năm sự kiện dinh tổng thống Hàn Quốc Cheongwadae bị tấn công.

Hôm đó, Bộ tư lệnh bảo vệ thủ đô của lục quân Hàn Quốc đã tập trận ở trung tâm Seoul. Ngày 4 đến 6-2, Hàn Quốc và Mỹ lại tổ chức tập trận chung ở vùng biển phía Đông, hai tàu khu trục Aegis và hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ đã tham gia tập trận.

Ngày 5 đến 7-2, lực lượng lục quân Hàn Quốc lại tổ chức huấn luyện cơ động dã chiến tại huyện Yangpyeong và huyện Yeoju thuộc tỉnh Gyeonggi. Ngày 7 đến 21-2, Lực lượng tìm kiếm thuộc thủy quân lục chiến Hàn Quốc phối hợp với thủy quân lục chiến Mỹ tổ chức tập trận mùa đông tại trên vùng núi tuyết thuộc tỉnh Gangwon trong điều kiện thời tiết tuyết rơi lạnh giá.

Đây là lần đầu tiên lực lượng thủy quân lục chiến Hàn - Mỹ tập trận trong thời tiết mùa đông lạnh giá. Ngày 13 đến 16-2, hải quân Hàn Quốc đồng thời tổ chức huấn luyện cơ động trên biển trên quy mô lớn ở biển Nhật Bản và biển Hoàng Hải, mỗi hướng đều có vài chục tàu chiến tham gia diễn tập. Ngày 12 đến 15-2, Bộ tư lệnh tác chiến không quân Hàn Quốc đã phối hợp với Bộ tư lệnh không quân số 7 của Mỹ đóng tại Hàn Quốc tổ chức cuộc tập trận “Chuẩn bị tác chiến trên bán đảo Triều Tiên”.

Quân đội Hàn Quốc điều máy bay chiến đấu KF-16, F-15K, quân đội Mỹ phái máy bay chiến đấu F-16C, hai bên đã bay lượn truy kích hơn 90 lần. Ngày 15-2, lữ đoàn pháo binh thứ 2 của Lục quân Hàn Quốc đã tập trận với đạn thật, rất nhiều pháo lựu đạn và pháo tự hành đã được tung ra trong cuộc diễn tập.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, trong quá trình tập trận chung với Mỹ, quân đội Hàn Quốc đã học được rất nhiều kinh nghiệm, như tư tưởng chiến thuật của người Mỹ, kinh nghiệm chiến tranh thực địa được nâng cao rõ rệt, nâng cao khả năng trinh sát tình báo và khả năng phòng vệ…

Hàn Quốc muốn tự đứng trên chân mình

Báo chí Hàn Quốc đưa tin, cuộc tập trận “Giải pháp then chốt” năm nay giữa hai nước diễn ra nhằm mục đích tháng 12-2015, Mỹ sẽ chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến khi xảy ra chiến tranh, chính vì vậy cuộc tập trận này là do Bộ tổng tham mưu Liên quân Hàn Quốc (JCS) xây dựng kế hoạch tác chiến và thực hiện chứ không phải do Lực lượng chỉ huy phối hợp Mỹ - Hàn (CFC) tổ chức.

Thời kỳ tổng thống Roh Moo-hyun nắm quyền, Hàn Quốc và Mỹ đã đạt được thống nhất chung trong việc quân đội Mỹ sẽ chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến vào năm 2012. Tuy nhiên, ngày 27-6-1010, tổng thống Lee Myung-bak tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 đã đạt được nhất trí chung với tổng thống Mỹ Obama đẩy lùi thời điểm chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến sang ngày 1-12-2015.

Hiện nay lực lượng quân đội Mỹ đóng tại căn cứ quân sự Yongsan – Seoul lớn nhất Hàn Quốc đang chuyển dần quân, đến năm 2015 sẽ chuyển toàn bộ về khu vực phía Nam quận Gyeonggi.

Theo kế hoạch ban đầu, Lực lượng chỉ huy phối hợp Mỹ - Hàn (CFC) cũng sẽ giải tán. Lực lượng này là tổ chức hạt nhân trong thể chế đồng minh quân sự Mỹ - Hàn Quốc, vị trí chỉ huy trưởng luôn do người Mỹ đảm nhiệm.

Vì có CFC nên khi Hàn Quốc bị Triều Tiên tấn công, quân đội Mỹ sẽ tự động cứu viện khẩn cấp. Nếu CFC giải tán, quân đội Mỹ muốn tham gia vào chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ phải trải qua một quy trình hết sức phức tạp.

Tháng 6-2012, sau khi đề nghị phi chính thức với quân đội Hàn Quốc về việc chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến vào tháng 12-2015, tướng James D.Thurman – chỉ huy trưởng CFC vẫn tiếp tục giữ lại CFC và để sĩ quan Hàn Quốc đảm nhận vị trí chỉ huy trưởng.

Các chuyên gia quân sự của Hàn Quốc cho rằng, hiện tại phía Mỹ vẫn chưa đưa ra phương án cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, theo những gì Mỹ vẫn thường làm trước đây, chắc chắn họ sẽ không dễ dàng chuyển giao quyền lực liên quan tới sự sống còn của hàng chục nghìn lính Mỹ cho chỉ huy trưởng Hàn Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại