Mỹ sẽ dùng vũ khí hủy diệt để đáp trả Triều Tiên?

Cố vấn an ninh của Tổng thống Obama đe dọa, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với toàn bộ sức mạnh Mỹ, trong đó có cả việc sử dụng vũ khí hủy diệt, nếu Bình Nhưỡng lăm le thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân.

Tuyên bố của cố vấn Donilon còn nói rõ, việc Mỹ dùng toàn lực để đối phó Triều Tiên không chỉ gói gọn trong việc Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân mà còn bao gồm cả việc chính quyền Kim Jong-un chuyển giao vũ khí hoặc vật liệu hạt nhân cho bên thứ 3, bao gồm các quốc gia và tổ chức bên ngoài lãnh thổ. “Nếu các hành động của mình gây hại tới Mỹ và các đồng minh, Triều Tiên sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những hậu quả đó”, Donilon khẳng định.

Bán đảo Triều Tiên nằm sát mép vực chiến tranh sau tuyên bố hủy bỏ hiệp ước đình chiến của Bình Nhưỡng.

Ngoài việc cảnh báo sử dụng toàn bộ sức mạnh, phía Mỹ cũng lên tiếng kêu gọi Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên áp dụng những hành động cứng rắn hơn với người hàng xóm. Đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết căng thẳng giữa 2 miền Triều Tiên, sự can thiệp đồng thời của Bắc Kinh và Washington luôn là chìa khóa để giải quyết những bất ổn.

Những tuyên bố của Mỹ được đưa ra sau khi Triều Tiên tuyên bố “hủy bỏ hoàn toàn” Hiệp ước đình chiến giữa hai miền Nam – Bắc đã tồn tại suốt 60 năm qua. Tuy nhiên, động thái này được Bình Nhưỡng đưa ra trong bối cảnh Mỹ – Hàn vừa bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn, không lâu sau khi Liên Hiệp Quốc áp dụng lệnh trừng phạt tăng cường sau vụ thử hạt nhân lần 3 của Bình Nhưỡng.

Trước đó, Triều Tiên còn cho cắt toàn bộ đường dây nóng nối liền giữa hai miền Nam – Bắc tại ngôi làng biên giới Panmunjom, nơi binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên cách nhau chỉ một vạch sơn.

Đây là lần đầu tiên đường dây nóng này bị cắt kể từ thời điểm căng thẳng leo thang trong những năm 1990 của thế kỷ trước. Nó cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề bởi ngay cả thời điểm xảy vụ đấu pháo trên đảo Yeonpyeong năm 2010, đường dây này vẫn được duy trì hoạt động.

Trên thực tế, Bình Nhưỡng và Seoul luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh kể từ sau Hiệp ước đình chiến năm 1953. Tuy đây không phải là thỏa thuận hòa bình chính thức nhưng nó là rào chắn cuối cùng ngăn cản xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Thế nhưng, bước đi này của Bình Nhưỡng chính thức đẩy 2 miền đến sát mép vực chiến tranh liên Triều.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại