Giấc mơ hão!
Trang Chiến lược của Mỹ ngày 3/12 có bài viết “Nước Nga và giấc mơ không thể thực hiện” nói về loại siêu ngư lôi Status-6 mà Nga đang ấp ủ chế tạo.
Bài báo cho rằng việc một trang web của Nga cho công bố bức ảnh được cho là của siêu ngư lôi Status-6 với tầm bắn 10.000 km và có khả năng tránh mọi thiết bị cảm ứng có thể là một sai lầm.
Báo Mỹ trích dẫn lại báo chí Nga nói rằng loại ngư lôi này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và được thiết kế để tấn công các mục tiêu then chốt vùng duyên hải.
Một đầu đạn hạt nhân cỡ lớn có khả năng hủy diệt một thành phố cảng quy mô và phóng xạ sau đó sẽ cản trở quá việc tái thiết.
Hình ảnh về dự án Status-6 xuất hiện vài giây trong một bản tin trên kênh 1TV của Nga hồi giữa tháng 11
Theo tờ Chiến lược, xét về mặt kỹ thuật thì loại ngư lôi Status-6 không có ý nghĩa gì. Quả ngư lôi không thể chứa đủ nhiên liệu để đẩy nó đi xa tới 10.000 km, nhất là đối với loại ngư lôi phóng từ tàu ngầm, kể cả ống phóng tên lửa trên tàu ngầm hạt nhân.
Như vậy, có khả năng Status-6 chạy bằng năng lượng hạt nhân, song điều đó sẽ làm tăng mạnh chi phí, sự phức tạp và giảm tính khả thi.
Theo báo Mỹ, phía Nga nói rằng dự án chế tạo ngư lôi này được phân loại mật và dữ liệu đã được gỡ bỏ ngay sau khi được đăng tải lên mạng.
Cũng theo tờ Chiến lược, ý tưởng của người Nga không có gì là mới. Nga đã từng muốn chế tạo một loại vũ khí tương tự nhưng nhỏ hơn từ những năm 1950.
Loại vũ khí mà Nga muốn có khi đó là có thể phóng từ ống phóng ngư lôi từ khoảng cách 30 - 40 km vào một mục tiêu lớn ven bờ (như một thành phố). Nga chưa bao giờ thực hiện được mơ ước này và buộc phải từ bỏ.
Một ngư lôi thông thường được đưa lên tàu ngầm Nga
Báo Mỹ cho rằng thông tin Status-6 là một trò tuyên truyền nhằm hỗ trợ những cáo buộc hiện nay của chính phủ Nga rằng Mỹ và NATO đang tìm cách chế ngự Nga.
Một phần trong kế hoạch này là xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo vốn có thể vô hiệu hóa tên lửa đạn đạo của Nga.
Đấy chính là lý do vì sao lại nhấn mạnh rằng Status-6 là loại vũ khí có khả năng vượt qua công nghệ chống tên lửa đạn đạo hiện nay.
Trang Chiến lược kết luận, câu chuyện về Status-6 đã không thể thuyết phục được bất kỳ ai ở Bộ Quốc phòng Mỹ, nhưng có thể khiến những người không được tiếp cận với các chuyên gia tin “sái cổ”.
Ác mộng có thật?
Bài phản biện trên được trang Chiến lược của Mỹ đăng tải sau khi báo chí Nga mới đây dẫn lời Thư ký báo chí của Tổng thống Nga ông Dmitry Peskov cho biết một số kênh truyền thông Nga đã vô tình tiết lộ vũ khí răn đe hạt nhân thế hệ mới của nước này trong một đoạn phóng sự, tức là Status-6.
Tờ Sputnik của Nga thậm chí còn dẫn ý kiến chuyên gia quân sự trong nước nhận định Status-6 được thiết kế để có thể triển khai một cuộc tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân vào các khu vực ven biển và có tầm bắn lên tới 10.000 km.
Chuyên gia có tên là Vasily Kashin cho rằng Status-6 là vũ khí kiểu tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng di chuyển với tốc độ cao và hoạt động ở độ sâu khoảng 1.000 m.
Thông tin về Status-6 đặc biệt gây chú ý bởi trước đó Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố nước Nga sẽ sớm sở hữu loại vũ khí có khả năng xuyên thủng bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.
Nga đã sở hữu loại vũ khí có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ và hủy diệt Mỹ?
Thậm chí đã xuất hiện thông tin cho rằng mẫu ngư lôi này sẽ được trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân "Belgorod" thuộc Project 949A và "Khabarovsk" thuộc Project 885M.
Hồi những năm 1960, Nga cũng đã có ý tưởng chế tạo loại ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân T-15 với sức công phá lên tới 100 megaton. Loại ngư lôi này dài tới 24 m và nặng 40 tấn.
T-15 được cho là có đủ khả năng gây ra một cơn sóng thần khổng lồ phá hủy các khu vực ven biển của đối phương. Theo báo chí Nga, một khi được sử dụng, vũ khí này có thể san phẳng một thành phố quy mô lớn như New York hoặc 2 thành phố cỡ Los Angeles.
Những cơn sóng thần do T-15 tạo ra còn hủy diệt phần lớn căn cứ hải quân và các hạm đội cùng tàu sân bay chưa kịp ra khơi của Mỹ.
Ngư lôi hạt nhân T-5 có sức công phá bằng 1/10 của T-15
Tuy được đánh giá là không có sức công phá lớn như vậy, song Status-6 lại có tầm bắn xa hơn và khả năng tàng hình dưới nước giúp vượt qua mọi hệ thống cảm biến.
Các nhà phân tích cho rằng nếu Status-6 là dự án hiện thực thì loại vũ khí này của Nga không vi phạm bất cứ hiệp ước hạn chế hoặc lệnh cấm nào trên thế giới.
Như vậy, Nga không chỉ có quyền phát triển không hạn chế cho chính mình mà còn có thể xuất khẩu cho các quốc gia “bạn bè” và “đồng minh” như Ấn Độ và Trung Quốc.
Status-6 có thể sẽ làm tiêu tan các nỗ lực phòng thủ tên lửa đạn đạo mà Mỹ cùng các đồng minh đang dày công xây dựng và triển khai trên toàn thế giới.
Thay vào đó, người Mỹ giờ phải quay sang phát triển các công nghệ phòng thủ ven biển để có thể phát hiện và vô hiệu hóa loại vũ khí như Status-6.
Trong trường hợp, Mỹ phát triển một mẫu vũ khí tương tự thì Nga cũng gần như không bị ảnh hưởng nhiều bởi hầu hết các thành phố lớn của Nga nằm sâu trong lục địa.