Nguồn tin này cho biết, bản hợp đồng được ký kết từ ngày 22/6/2015 giữa công ty hàng không Irkut của Nga và Không quân Myanmar mang số hiệu P/1510411150511.
Theo nguồn tin này, hợp đồng bán Yak-130 cho Myanmar có thể được ký kết trước khi thông tin về việc Việt Nam mua Yak-130 được Chủ tịch Tập đoàn sản xuất máy bay Thống nhất Nga, Mikhail Pogosyan công bố trong tháng 9/2015.
Như vậy, Myanmar đã chính thức trở thành khách hàng thứ 4 của loại máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu hạng nhẹ tiên tiến nhất của Nga sau Algeria, Belarus và Bangladesh.
Dù công khai về thương vụ Yak-130 nhưng nguồn tin không tiết lộ về số lượng, trong khi đó, hợp đồng chuyển giao 36 máy bay Yak-130 cho Syria đã bị đóng băng vì chiến sự leo thang ở quốc gia này.
Hồi giữa năm 2015, một số nguồn tin cho biết, Nga đang tìm kiếm khách hàng mới cho 36 chiếc Yak-130 của Syria. Điều đó làm dấy lên những hoài nghi Myanmar có thể là chủ nhân mới của lô 36 máy bay này.
Ngoài ra, Irkut cũng đã ký hợp đồng đào tạo và cung cấp thiết bị mô phỏng huấn luyện cho Myanmar trị giá 2 triệu USD.
Máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130.
Và để đi đến ký kết hợp đồng chính thức, Myanmar đã trải qua quá trình đàm phán với Nga từ năm 2012. Theo điều khoản ký kết, những máy bay đầu tiên sẽ được Irkut bàn giao cho phía khách hàng Myanmar trong năm 2016.
Theo giới thiệu của nhà sản xuất Irkut, Yak-130 được trang bị động cơ phản lực cánh quạt 2.500 kg Progress AI-222-25 hoặc loại 2.200kg Slovakia Povazske Strojarne DV-2SM. AI-222 khá phù hợp với tiêu chuẩn và tạo ra tổng cộng khoảng 5.000kg/11.000kg lực đẩy.
Yak-130 là máy bay đầu tiên của Nga mà tất cả các hệ thống sử dụng điện tử kỹ thuật số. Hệ thống này tương thích với việc quan sát ban đêm, sử dụng định vị GLONASS/NavStar để điều hướng và bao gồm 3 màn hình LCD màu 6“x 8“ đa chức năng.
Ngoài ra, phi công cũng có thể sử dụng mũ bắn (dẫn bắn ngay trên mũ thông qua hệ thống dò hồng ngoại).
Hệ thống thiết bị điện tử hàng không kiến trúc mở được trang bị trên máy bay bao gồm 2 máy tính và một bộ ghép kênh 3 kênh, và máy tính điều phối nhiệm vụ trung tâm MIL-STD-1553.
Tổ hợp này cho phép khi khách hàng muốn tích hợp các vũ khí của phương Tây như tên lửa không đối không AIM-9J-L, hoặc tên lửa tấn công tầm ngắn AGM-65 Maverick.
Yak-130 được triển khai 9 điểm treo vũ khí với tải trọng bom đạn mang theo hơn 3 tấn, có thể nhanh chóng lắp đặt vũ khí để biến thành một máy bay tiêm kích hạng nhẹ hiện đại.
Các lựa chọn súng cho Yak-130 có thể là khẩu GSh-23 23mm 2 nòng hoặc khẩu 30mm GSh-301. Pod dẫn đường quang-điện Yekaterinburg UOMZ theo báo cáo có thể được cài đặt dưới thân máy bay để bổ sung truyền hình và chỉ định laser.
Lớp giáp bảo vệ Kevlar được trang bị ở buồng lái, động cơ và khoang chứa thiết bị điện tử.
Một số loại vũ khí khác có khả năng được tích hợp với Yak-130 nhưng chưa được xác nhận bao gồm tên lửa dẫn đường bằng laser chống giáp 9A4172/AT-16 Vikhr và tên lửa tấn công dẫn đường bằng laser Kh-25ml/AS-10.
Nếu được bổ sung một radar mặt đất, Yak-130 sẽ có thêm những tùy chọn mới.
Được biết, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Nga và Myanmar không phải đến khi thương vụ máy bay Yak-130 mới được biết đến mà nó đã được vun đắp từ thời Liên Xô cũ.
Trong biên chế của quân đội Myanmar hiện này phần lớn là vũ khí có nguồn gốc Liên Xô và Trung Quốc, tuy nhiên hầu hết trong số đó đã trở nên cũ kỹ.
Những năm gần đây, mối quan hệ quân sự giữa hai nước tiếp tục được cải thiện. Myanmar cũng đã đặt nhiều đơn hàng mua máy bay chiến đấu và trang thiết bị quân sự của Nga.
Để tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng giữa 2 nước, giới chức lãnh đạo quân đội Myanmar cũng từng tới thăm viếng Nga, còn theo chiều ngược lại, cả Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Bộ phát triển kinh tế Nga cũng đã lần lượt sang thăm Naypidaw.
Ngoài ra, Nga còn cung cấp cho quân đội nước này vài chục chiếc chiến đấu cơ, thuộc dòng MiG-29 - đối thủ cạnh tranh chính của máy bay chiến đấu hạng nhẹ giá rẻ FC-1 của Trung Quốc (phiên bản xuất khẩu cho Pakistan là JF-17 Thunder) và một số hệ thống pháo tự hành.