Hệ thống tên lửa phòng không di động cấp chiến lược tầm cao S-400 Triumf (định danh của NATO là SA-21 Growler) do Phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz (Nga) nghiên cứu phát triển từ nền tảng S-300.
S-400 Triumf “bỏ xa” một số hệ thống tên lửa phòng không hiện đại trên thế giới về khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách tối đa 600 km, gấp 6 lần hệ thống Patriot (Mỹ). Cùng một lúc, S-400 có thể theo dõi 300 mục tiêu, gấp 3 lần so với Patriot, bắn hạ đồng thời 32 mục tiêu, gấp 5 lần so với Patriot và dẫn đường cho 72 tên lửa, gấp 12 lần so với Patriot.
S-400 được hợp thành từ nhiều thành phần như: hệ thống điều khiển và chỉ huy 30K6E; 6 đơn vị chiến đấu 98Zh6E; cơ số đạn tên lửa và tổ hợp bảo đảm kỹ thuật. Trong đó, hệ thống điều khiển chỉ huy 30K6E gồm: Trung tâm điều khiển 55K6E (trong ảnh) và đài radar nhìn vòng 91N6E.
Xe đài radar nhìn vòng 91N6E làm nhiệm vụ phát hiện và bám các mục tiêu máy bay (hoặc tên lửa đạn đạo), xác định quốc tịch mục tiêu và xác định hướng phương vị của các phương tiện gây nhiễu tích cực.
6 đơn vị chiến đấu 98Zh6E được biên chế mỗi đơn vị một radar điều khiển hỏa lực 92N6E và 12 xe mang phóng tự hành (lắp 4 đạn tên lửa phòng không). Trong ảnh là xe radar điều khiển hỏa lực 92N6E có khả năng chiếu rọi mục tiêu ở cự ly tới 400km.
Tất cả đạn tên lửa của hệ thống S-400 đều được đặt trên xe phóng 5P85SE2/5P85TE2 (mỗi xe 4 đạn).
Việc lắp đạn lên các xe phóng được thực hiện bằng xe 22T6-2/22T6E2 với cánh tay máy.
Tất cả các quả đạn tên lửa đều được đặt trong ống bảo quản có thể duy trì nhiều năm.
Binh sĩ Nga đang điều khiển cánh tay máy đưa 2 quả đạn (chứa trong ống phóng bảo quản) lên xe phóng.
Trong chiến đấu, các đạn tên lửa dự trữ được đặt trên xe chở đạn 5T58-2.
Hệ thống S-400 được trang bị nhiều loại với tầm bắn khác nhau. “Khủng” nhất là đạn tên lửa 40N6 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm 400km.
Ngoài ra, S-400 còn dùng đạn tên lửa 48N6E3 tiêu diệt mục tiêu ở tầm 240km hoặc 9M96E2 phá hủy mục tiêu ở cự ly 120km (loại đạn này thường dùng để tiêu diệt mục tiêu có tốc độ và khả năng cơ động cao).
Xe phóng tên lửa S-400 trong tư thế chiến đấu. Khi bắn, tên lửa sẽ được đưa ra khỏi ống phóng trước khi động cơ rocket khởi động đưa tên lửa tấn công mục tiêu. Cách phóng này thường gọi là “phóng lạnh”, nó sẽ không gây hư hại nhiều cho bệ phóng khi động cơ rocket được kích hoạt bên ngoài.