Được biết, cuộc không chiến giữa tiêm kích Su-30MKI và Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh diễn ra hồi tháng 7/2015 diễn ra tại căn cứ Không quân Anh Coningsby đã gây ra tranh cãi về các kết quả mà phía Không quân Ấn Độ đưa ra, đó là tỷ số 12-0.
Trước bằng chứng "hùng hồn" của Ấn Độ, phát ngôn viên của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) nói ngắn gọn:
“Phân tích của chúng tôi không như những gì người ta đã phản ánh. Các phi công RAF và máy bay Typhoon đã trình diễn tốt trong suốt cuộc diễn tập cùng với Không quân Ấn Độ (IAF).
Cả hai lực lượng không quân đã học hỏi được rất nhiều từ cuộc tập trận và RAF mong muốn có cơ hội tiếp theo được diễn tập cùng với IAF”.
Theo 2 kịch bản của trận không chiến mô phỏng Ấn-Anh, thứ nhất là Trong tầm ngắm thị giác (WVR), trong đó tên lửa mô phỏng được bắn tới cự ly 2 dặm (xấp xỉ 3,2km), và Ngoài tầm ngắm thị giác (BVR).
Trong kịch bản WVR, Sukhoi Su-30 sẽ có ưu thế vượt trội trước Typhoon do Su-30 là máy bay có độ linh hoạt cao. Đây cũng là điều mà Đại tá Ấn Độ Srivastav tuyên bố.
Nhưng khi đến nội dung chiến đấu BVR, thì Đại tá Srivastav không còn khoe nhiều nữa mà thừa nhận “không có gì bất ngờ khi Không quân Ấn Độ mất một hoặc hai chiếc phản lực”.
Tỷ số bắn hạ 12-0 được cho là phóng đại, đồng thời làm méo mó hình ảnh về năng lực tác chiến thực sự. Trong không chiến hiện đại, mục đích của tiêm kích cơ, đặc biệt là những loại như Typhoon, là đón đánh máy bay địch như Su-30MKI từ cự ly xa của BVR.
Các chuyên gia Anh cho biết, chỉ trong các trường hợp hy hữu, hai máy bay này mới giao chiến ở cự ly gần WVR.
Trước những phân tích của người Anh, vị tướng không quân về hưu của Ấn Độ tên là Harish Masand tỏ ý không đồng tình và cho biết:
“Bất cứ thứ gì phụ thuộc vào điện tử, cho dù là ở cự ly WVR hay BVR, đều luôn có đối sách. Trước một đối phương mạnh ngang hàng, ta phải lao vào cận chiến thì mới mong giành được ưu thế trên không”.
Những phân tích của Anh và Ấn Độ đều rất thuyết phục, tuy nhiên để biết rõ kết quả của trận không chiến giả định này, cần phải có thêm những bằng chứng thuyết phục hơn của cả 2 bên đưa ra.
Vậy đâu là mục đích của người Anh khi phân trần về kết quả này bởi trận không chiến đó đã diễn ra hơn 2 tháng?
Trang Business Standard dẫn phân tích của một số chuyên gia cho rằng, rõ ràng mục đích của người Anh không nằm ngoài việc "chữa thẹn" nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và tiếp thị dòng máy bay này ra thị trường quốc tế bởi đến nay, dòng máy bay này khá vô duyên với khách hàng.
Được giới thiệu lần đầu từ năm 2003, nhưng phải đến tháng 9/2015 vừa qua, máy bay này mới kiếm được khách xộp đầu tiên là Kuwait khi nước này đồng ý mua 28 máy bay chiến đấu Typhoon từ chính phủ Ý trong một thoả thuận trị giá hàng tỉ euro.