Mìn định hướng ĐH10 - Vũ khí tự tạo điển hình của trí tuệ VN

Trấn Giang |

Mìn định hướng ĐH10 (còn được gọi là mìn phóng mảnh định hướng MĐH10) do xưởng quân giới Bến Cát - Bình Dương chế tạo lần đầu vào năm 1963.

Dân tộc Việt Nam có lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước vô cùng vẻ vang. Từ thời lập nước, phong kiến cho đến giai đoạn năm 1975 là một khoảng thời gian rất dài đất nước chúng ta luôn bị kẻ thù xâm lược và cai trị.

Trong suốt quá trình dựng và giữ nước đó, dân tộc ta phải đương dầu với những kẻ thù mạnh được trang bị những loại vũ khí vô cùng hiện đại.

Để chiến thắng kẻ thù, bằng tinh thần đấu tranh bất khuất và sự sáng tạo tinh tế, ông cha ta đã đã chế tác ra rất nhiều loại vũ khí thô sơ nhưng công hiệu lớn, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ.

Mìn định hướng ĐH10 mà quân và dân ta sử dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là điển hình cho sự sáng tạo ấy.


Mìn định hướng ĐH10

Mìn định hướng ĐH10

Cấu tạo

Mìn ĐH10 do xưởng quân giới Bến Cát - Bình Dương chế tạo lần đầu vào năm 1963, liên tục được cải tiến và hoàn thiện.

Cái tên ĐH10 bắt nguồn từ tên gọi “mìn phóng mảnh định hướng” - vốn là một loại vũ khí khá mới vào thời điểm đó, trọng lượng của quả mìn vào khoảng 10 kg.

Vỏ mìn hình tròn, bề mặt theo hình chóp nón, được làm bằng tôn dày 3 mm, đường kính 31 cm; vành cao 6 cm. Vỏ mìn được gò thật chắc, ở vành đế có một lỗ để đổ thuốc nổ TNT. Đầu chóp nón có một lỗ chứa thuốc mồi và kíp nổ. Khắp mặt lõm của mìn thì đặt mảnh.

Mảnh này dùng dây kẽm có đường kính 10 mm, cắt thành khúc dài 2 cm, đặt kín mặt lõm và dùng xi măng gắn chắc lại với nhau, sau đó lấy thuốc nổ đem đun nóng chảy đổ qua lỗ phía cạnh cho đầy trái mìn rồi lắp kíp nổ số 8 và thuốc mồi ở chóp nón mìn.

Khi đánh, mìn đặt theo hướng ta chọn, mặt bề lõm của trái mìn (mặt có gắn mảnh) hướng về điểm địch tới. Kíp nổ tùy theo chế tạo cho phù hợp với cách đánh. Có thể dùng pin điện, dây giật…

Mìn được đặt trên đế 3 chân điều chỉnh được tầm và hướng khi đặt dưới đất, quai xách để tiện lợi khi di chuyển hoặc khi treo trên cây.

Khi mìn nổ, mảnh sát thương theo hình quạt chéo cánh sẻ trong phạm vi từ 100 - 300 m, rộng 30 - 50 m, tương đương một đơn vị bộ binh bắn đồng loạt bằng súng trường.

Mảnh văng có khả năng năng tiêu diệt bộ binh ở cự ly 100 m và xa hơn, xuyên thép dày 2 - 3 mm nên đánh được xe cơ giới và tàu thuyền có vỏ thép mỏng, khi ghép 3 - 5 quả có khả năng phá rào thép gai tạo cửa mở rộng 2 m sâu 30 m.

Xưởng C10 (Quân khu miền Đông) còn thay thuốc nổ TNT bằng Tetryl lấy trong bom đạn Mỹ làm mìn, nổ rất tốt, uy lực tăng lên gấp bội.


Một chiến sĩ đang lấy thuốc nổ từ những quả bom đạn còn sót lại

Một chiến sĩ đang lấy thuốc nổ từ những quả bom đạn còn sót lại

Ra chiến trường

So với mìn định hướng M18A1 Claymore của Mỹ ra đời trước đó, ĐH10 to hơn, mạnh hơn, đa năng hơn, được lực lượng vũ trang các cấp ưa chuộng, trở thành nổi khiếp sợ của kẻ địch.

Năm 1964, quân địch hành quân đến xã Tân An, khi địch tới Cầu Đúc, du kích xã đã đặt mìn ĐH10 làm chết 17 tên và bị thương một số tên khác.

Tại xã An Điền, ngày 10/10/1965, tổ du kích gồm 4 đồng chí do Nguyễn Văn Mỏi (Tư Mỏi) chỉ huy sử dụng mìn trái tự tạo (trong đó có ĐH10) đẩy lùi 3 đợt xung phong của 1 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn dù 173 Mỹ, địch chết và bị thương hơn 100 tên.

Tháng 1/1967, đội biệt động thị xã Long Khánh dùng mìn ĐH10 tập kích trụ sở cố vấn Mỹ, diệt 15 tên sĩ quan.

Đồng chí Lâm, xã đội trưởng xã Lai Hưng đặt ĐH10 tại quãng đường cong rừng, vùng gần căn cứ Lai Khê đã tiêu diệt một trung đội lính Mỹ. Và trận đánh ở cửa đồn 24 Bến Cát làm chết một trung đội địch.

Trận đánh của đội biệt động nội thành 67 tại nhà hàng Mỹ Cảnh bên sông Sài Gòn làm hàng trăm nhân viên tình báo và sỹ quan Mỹ thương vong cũng là thành tích của 2 quả mìn ĐH10.

Sau trận này, hàng trăm quả mìn được bí mật chuyển vào thành phố để lực lượng biệt động và đặc công sử dụng đánh địch trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Tại xã Hòa Lợi, tháng 7/1969, quân Mỹ càn vào Vũng Ghe, ấp Bến Đồn, nơi có căn cứ của du kích xã.

Du kích xã phối hợp với phân đội công binh đã anh dũng đánh lui ba đợt xung phong của một tiểu đoàn Mỹ, diệt 24 tên và thu 12 súng. Chỉ một trái ĐH10 của tổ du kích xã đã diệt và làm bị thương 7 tên.


Mìn định hướng ĐH10, ĐH5 và ĐH20

Mìn định hướng ĐH10, ĐH5 và ĐH20

Một công dụng đặc biệt nữa của ĐH10 mà không loại mìn định hướng nào có được chính là đánh trực thăng.

Năm 1969, khi địch dùng trực thăng đổ quân xuống xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, nhằm tập kích bất ngờ vào xưởng quân giới huyện, đơn vị đã bố trí mìn do chính xưởng sản xuất, đánh cháy một trực thăng UH-1.

Đặc biệt, trận đánh ngày 7/7/1972 tại Quảng Nam trở thành kinh điển khi ĐH10 diệt luôn cả trực thăng đang bay.

Nắm rõ máy bay địch hoạt động ở Gò Nối (Điện Bàn) và huyện Duy Xuyên về, thường cho trực thăng bay dọc sông La Thọ, Cổ Cò (thuộc thôn Thống Nhất, xã Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam) để trinh sát.

Một tổ du kích xã Điện An do đồng chí Thái Bá Điền chỉ huy đã dùng mìn ĐH10 bố trí trên ngọn cây dọc sông La Thọ để đánh địch.

Khi chiếc trực thăng đi đầu trong tốp 3 chiếc thấy trên ngọn cây khả nghi liền giảm tốc độ và hạ thấp độ cao để quan sát.

Chờ máy bay địch vào tầm, du kích cho giật mìn, một tiếng nổ vang lên, chiếc trực thăng bốc cháy rồi đâm đầu xuống đất, hai chiếc còn lại hoảng sợ quay đầu bỏ chạy về Đà Nẵng.

Mìn định hướng ĐH10 cũng được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh biên giới Tây Nam và đạt được những hiệu quả to lớn. Ngày nay, nó vẫn còn nằm trong trang bị của bộ đội đặc công và công binh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại