Việt Nam sẽ mua tàu ngầm AIP của phương Tây?

Bạch Dương |

Việc Nga chính thức ngừng đóng tàu ngầm Lada để tập trung phát triển lớp Kalina đã khiến Việt Nam không còn lựa chọn từ đối tác truyền thống cho kế hoạch xây dựng lữ đoàn thứ hai.

Mới đây Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra tuyên bố chính thức ngừng đóng thêm tàu ngầm AIP Dự án 677 lớp Lada để dồn kinh phí đầu tư phát triển thế hệ tàu ngầm Kalina tiên tiến hơn, dự kiến công việc sẽ được bắt đầu từ sau năm 2020.

Như vậy, quyết định trên của Nga cũng đồng nghĩa với việc "khai tử" hai biến thể xuất khẩu của Lada là Amur 950 và Amur 1650 - Những ứng viên sáng giá cho kế hoạch mua sắm của Hải quân Việt Nam.

Việt Nam sẽ mua tàu ngầm AIP của phương Tây? - Ảnh 1.

Tàu ngầm AIP St Petersburg lớp Lada

Theo dự kiến, chậm nhất là cuối năm 2016 Việt Nam sẽ nhận đủ 6 tàu ngầm Kilo 636 của hợp đồng ký năm 2009. Trong thời gian trước mắt, số lượng trên là tạm đủ đối với nhu cầu của Việt Nam.

Tuy nhiên theo khuyến cáo của nhà sản xuất, từ năm 2018 trở đi các tàu ngầm sẽ lần lượt phải vào bảo dưỡng định kỳ, dẫn đến việc thiếu hụt số lượng sẵn sàng chiến đấu.

Chuyên gia quân sự, giáo sư Carl Thayer từng đưa ra nhận định, thực tế Việt Nam sẽ chỉ có 2 chiếc Kilo trong tình trạng trực chiến thường xuyên, 2 chiếc dự trữ và 2 chiếc khác ở trạng thái bảo dưỡng.

Do vậy ở tương lai, để thực sự đủ khả năng đương đầu với những đối thủ hùng mạnh, Hải quân Việt Nam cần được bổ sung một lữ đoàn tàu ngầm hiện đại hơn và loại tàu ngầm trang bị cho đơn vị này phải được lắp đặt động cơ AIP.

Việt Nam sẽ mua tàu ngầm AIP của phương Tây? - Ảnh 2.

Tàu ngầm AIP lớp Scorpene do Pháp sản xuất

Trước đó cũng xuất hiện ý kiến cho rằng với tiềm lực còn hạn chế của mình, Việt Nam khó có thể tiếp tục đầu tư mua sắm thêm tàu ngầm thông thường với khả năng hoạt động xa bờ mà nhiều khả năng lữ đoàn thứ hai sẽ được trang bị tàu ngầm cỡ nhỏ.

Tuy nhiên thực tế đang diễn ra có thể sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ lại, đúng là hiện nay nhiều quốc gia đã công bố kế hoạch nghiên cứu chế tạo tàu ngầm mini như SMX-26 hay S1000... nhưng tất cả hiện vẫn chỉ nằm trên giấy.

Bài học từ Dự án BPS-500 khiến Việt Nam đặt ra kim chỉ nam cho hoạt động mua sắm vũ khí là chỉ lựa chọn những loại đã chứng minh được năng lực qua thời gian dài hoạt động.

Nếu chờ đợi đến khi một lớp tàu ngầm mini phù hợp xuất hiện thì rất dễ để lỡ tiến độ xây dựng lực lượng nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong tình hình mới.

Do vậy theo một số chuyên gia quốc tế, nhiều khả năng Việt Nam sẽ mua trước 2 chiếc tàu ngầm AIP thông thường để làm xương sống cho lữ đoàn thứ hai.

Việt Nam sẽ mua tàu ngầm AIP của phương Tây? - Ảnh 3.

Tàu ngầm AIP Type 214 do Đức sản xuất

Nếu thực hiện đúng theo nhận định trên, Việt Nam sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm đến các đối tác phương Tây.

Lý do là bởi tàu ngầm lớp Kalina của Nga phải sau năm 2020 mới hình thành, thời gian thử nghiệm sẽ không thể nhanh chóng và cũng không có gì đảm bảo rằng Kalina sẽ tránh được những khuyết điểm mà Lada đã mắc phải.

Trong khi đó các loại tàu ngầm AIP do châu Âu sản xuất như Scorpene của Pháp hay Type 214 của Đức đã chứng minh được độ tin cậy cũng như năng lực tác chiến vượt trội và trở thành mặt hàng ưa chuộng của hải quân nhiều quốc gia.

Thậm chí một đối tác truyền thống của vũ khí Nga và cũng có mối quan hệ gần gũi với Việt Nam là Ấn Độ đã quyết định lựa chọn Scorpene làm chủ lực cho hạm đội tàu ngầm phi hạt nhân của mình.

Với những lý do đã trình bày ở trên, nếu không có đột biến, việc Việt Nam đặt mua một lớp tàu ngầm AIP của phương Tây gần như là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại