MiG-29 bị loại bỏ không thương tiếc

Bộ Quốc phòng Slovakia ngày 26/5 chính thức thông báo nước này lên kế hoạch thuê một số lượng máy bay tiêm kích mới để thay thế cho những chiếc MiG-29 do Liên Xô cũ sản xuất.

Theo đó, đến năm 2020, Slovakia sẽ thay thế phần lớn máy bay từ thời Liên Xô bằng các mẫu mới.

Trước mắt, Bộ Quốc phòng Slovakia muốn loại bỏ toàn bộ MiG-29 trong giai đoạn 2026-2017. Cho đến nay, số lượng MiG-29 còn lại trong Không quân Slovakia là 10 chiếc, song chỉ có 2 chiếc có thể cất cánh.

Tuy không tiết lộ tên tuổi các công ty sẽ được mời thầu, song một quan chức Bộ Quốc phòng Slovakia cho biết nước này sẽ làm theo cách của Czech và Hungari. Như vậy, hiện có thể dự đoán, Slovakia đang quan tâm tới loại tiêm kích JAS 39 Gripen của Thụy Điển bởi đây là loại tiêm kích mà Czech và Hungari đang thuê và có thể mua lại sau khi hết hợp đồng với giá rẻ hơn. Trước đó, hãng BAE Systems của Anh và Boeing của Mỹ cũng tuyên bố dự định cho thuê các máy bay chiến đấu.

Slovakia gia nhập NATO từ năm 2004. Những chiếc máy bay mới mà nước này muốn thuê phải phù hợp với tiêu chuẩn chung của liên minh. Nhiều khả năng, Slovakia sẽ thuê các máy bay mới với thời hạn dưới 15 năm. Thời gian cất cánh trung bình của mỗi chiếc máy bay thuê sẽ đạt khoảng 1.500 giờ mỗi năm.

JAS 39 Gripen của Thụy Điển
JAS 39 Gripen của Thụy Điển

Ngoài ra, Slovakia cũng lên kế hoạch tới năm 2019 sẽ loại bỏ toàn bộ máy bay huấn luyện L-39 Albatros, vốn được sử dụng rộng rãi tại Liên Xô, Tiệp Khắc và tất cả các nước thuộc khối hiệp ước Warszawa (trừ Ba Lan). Nhiều khả năng, Slovakia sẽ hợp tác với Czech để cùng mua loại máy bay huấn luyện chiến đấu mới nhằm hạ giá thành.

Trên thực tế, Slovakia đã có ý định thải loại MiG-29 từ lâu. Mới đây nhất, hồi tháng 4/2011, nước này đã tuyên bố ý định ngừng vận hành tất cả các tiêm kích. Khi đó, Không quân Slovakia vẫn còn tổng cộng 21 chiếc MiG-29 do Liên Xô sản xuất, song chỉ có 4 chiếc có thể cất cánh.

Để “níu kéo”, người Nga sau đó tuyên bố ký 2 hợp đồng bảo trì và sửa chữa MiG-29 với Slovakia. Hợp đồng đầu tiên là sửa chữa các hệ thống radar, còn hợp đồng thứ hai là sửa chữa và phục hồi các thiết bị hàng kỹ thuật hàng không của MiG-29. Tuy nhiên, giá trị các hợp đồng cũng như số lượng MiG-29 sẽ bảo trì đã không được thông báo.

Không quân Slovakia chỉ có 2 chiếc MiG-29 còn hoạt động
Không quân Slovakia chỉ có 2 chiếc MiG-29 còn hoạt động

Trước đó, hồi năm 2008, theo một hợp đồng ký năm 2004, Nga đã hoàn tất hiện đại hóa 12 chiếc MiG-29 cho Slovakia theo phiên bản AS và UBS. Theo phía Nga, sau khi hiện đại hóa, các máy bay này sẽ kéo dài tuổi thọ thêm 12-15 năm, tức là có thể hoạt động tới năm 2030-2035. Hợp đồng này trị giá 74,2 triệu USD và được Nga thực hiện theo phương thức thanh toán nợ cho Slovakia.

Nga đã hiện đại hóa 12 chiếc MiG-29 này cho Slovakia theo chuẩn của NATO bằng cách lắp đặt hệ thống dẫn đường của Rockwell Collins, hệ thống phân biệt “địch-ta” của BAE Systems và các màn hình đa năng. (nhiều khả năng các thiết bị này do Slovakia giao cho Nga để hiện đại hóa MiG-29). Tuy nhiên, các hệ thống vũ khí vẫn được giữ nguyên.

Trước khi Slovakia thông báo loại bỏ MiG-29, ngày 24/5, Đài tiếng nói nước Nga đưa tin 16 tiêm kích đa nhiệm MiG-29SMT sẽ gia nhập Không quân Nga trong giai đoạn 2015-2016 theo một hợp đồng đã ký kết trước đó. Nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết hợp đồng trị giá 473 triệu USD, bao gồm cả các cơ sở hạ tầng dịch vụ mặt đất và thiết bị giám sát. Trước đó, trong giai đoạn 2009-2010, Không quân Nga đã tiếp nhận 18 chiếc MiG-29SMT.

Truyền thông Nga đã dẫn lời các quan chức quân sự nước này đánh giá MiG-29SMT là biến thế mới của tiêm kích hạng nhẹ MiG-29, có thể được trang bị các loại vũ khí không đối không và không đối đất để tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu trên không, trên bộ cũng như trên biển. Hãng tin Interfax thậm chí còn cho rằng hiệu quả tác chiến của MiG-29SMT đã tăng gấp 3 lần so với MiG-29 cũ, đồng thời chí phí hoạt động đã giảm khoảng 40%.

MiG-29SMT với đặc điểm nổi bật là phần lưng bị “gù”
MiG-29SMT với đặc điểm nổi bật là phần lưng bị “gù”

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia hàng không hàng đầu thế giới, chi phí bảo dưỡng và vận hành MiG-29 là quá tốn kém. Đối với Slovakia, một quốc gia đang phải cắt giảm ngân sách quốc phòng trong những năm qua, thì chi phí vận hành 4 chiếc MiG-29 đã chiếm tới 70% ngân sách dành cho Không quân là điều khó có thể chấp nhận.

Trong những năm qua, giới phân tích không khỏi nghi ngờ Nga đang quảng bá MiG-29 mới như một loại “bình mới” nhưng thực chất vẫn là “rượu cũ”. Nghi ngờ này hoàn toàn có căn cứ bởi ngay sau khi Algeria tuyên bố hủy bỏ hợp đồng mua 28 chiếc MiG-29 của Nga thì truyền thông Nga ngay lập tức đưa tin Không quân nước này đặt mua 28 chiếc MiG-29 (năm 2008). Nhiều ý kiến cho rằng, Nga đã “nuốt đắng” mua 28 chiếc MiG-29 cho không quân để giúp tập đoàn MiG không bị phá sản.

Khi đó, tổng giá trị hợp đồng bán 29 chiếc MiG-29 cho Algeria vào khoảng 1,3 tỷ USD Phía Algeria khẳng định có những vấn đề về chất lượng và một số chiếc được lắp ráp từ đồ cũ nên hủy hợp đồng và trả lại những chiếc đã bàn giao.

MiG-29 bắt đầu được đưa vào trang bị từ những năm 1980, tuy nhiên kho dự trữ các chi tiết và bộ phận của loại máy bay này vẫn còn nhiều. Chính vì thế một số lãnh đạo của tập đoàn MiG đã nghĩ đến việc sử dụng các bộ phận này để lắp cho những chiếc MiG-29 bán cho Algeria. Vụ việc sau đó đã được điều tra và phanh phui.

Máy bay chiến đấu MiG-29M-OVT

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại