Nga sẽ trang bị Richag-AV cho các khách hàng nâng cấp trực thăng
Ngày 3-11, Liên hiệp tập đoàn "Máy bay trực thăng Nga" (Russian Helicopters), trực thuộc Tổng công ty công nghệ Nga (State Corporation Rostec) đã tuyên bố mời các nước châu Mỹ Latin và Caribe hiện đại hóa số máy bay trực thăng Mi-8/17/171 do Liên Xô/Nga sản xuất đang nằm trong biên chế lực lượng không quân và lục quân các nước này.
Được biết, gói nâng cấp sẽ có những hạng mục hiện đại hóa hết sức ấn tượng, kể cả việc lắp đặt hệ thống bảo vệ quang học - điện tử chống tên lửa và pháo phòng không - theo thông báo từ bộ phận thông tin và báo chí của Liên hiệp.
Hiện nay, các nước ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe đang sử dụng hơn 400 máy bay trực thăng Nga. Phổ biến nhất là dòng trực thăng đa năng Mi-8 và phiên bản xuất khẩu ra đời sau của nó là trực thăng Mi-17/171, gồm khoảng 320 chiếc.
Theo Liên hiệp tập đoàn "Máy bay trực thăng Nga", nhằm đáp ứng đòi hỏi tăng cường số lượng và chất lượng máy bay trực thăng Nga, họ đã đề xuất cung cấp cho khách hàng chương trình hiện đại hóa Mi-8/17/171, nhằm mở rộng chức năng của những trực thăng này.
Trực thăng Mi-17 của Nga được Mỹ mua cho Afghanistan.
Trong phương án trực thăng vận tải/chiến đấu, Nga đề xuất lắp đặt thêm hệ thống điện tử tích hợp kỹ thuật số, động cơ mới, cánh quạt cải tiến và hộp số nâng cấp, hệ thống bảo vệ quang học - điện tử chống tên lửa và pháo phòng không, cũng như những thiết bị hiện đại khác.
Theo nguồn tin từ giới công nghiệp quốc phòng Nga, rất có thể trong gói nâng cấp lớn cho các nước châu Mỹ Latin và Caribe lần này, Moscow sẽ xuất khẩu các hệ thống tác chiến điện tử Richag-AV cho các nước đang sử dụng các dòng trực thăng Nga.
Thông tin về việc Moscow sẵn sàng xuất khẩu hệ thống này cho các nước mua trực thăng Nga, trước đó cũng được xác nhận trong đợt nước này chính thức giới thiệu mẫu trực thăng Mi-8MTPR-1, trang bị hệ thống tác chiến điện tử Richag-AV, tại Triển lãm hàng không Moscow 2015 (MAKS-2015) vừa qua.
Tính năng của hệ thống tác chiến điện tử Richag-AV
Việc giới thiệu loại vũ khí này tại MAKS-2015 cho thấy nhà sản xuất Nga là Công ty vô tuyến-điện tử Radio-Electronic Technologies Concern (KRET) đã được sự chấp thuận của Bộ quốc phòng và sẵn sàng xuất khẩu loại phương tiện chiến tranh đặc biệt này ra nước ngoài.
Cận cảnh hệ thống Richag-AV trên trực thăng Mi-8MTPR-1
Được biết, KRET hiện là nhà sản xuất chuyên phát triển các hệ thống vô tuyến-điện tử lớn nhất nước Nga chuyên phát triển và sản xuất các thiết bị cho mục đích dân sự và quân sự, cũng như các hệ thống radar cho máy bay, hệ thống tác chiến điện tử...
Richag-AV được thiết kế để tránh radar, sonar hoặc các hệ thống phát hiện khác nhằm bảo vệ máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, bộ binh cũng như hải quân tránh khỏi các tên lửa không đối không hoặc hệ thống phòng không trong phạm vi vài trăm km.
Richag-AV trang bị trên trực thăng Mi-8MTPR1 sử dụng ăng-ten mảng đa chùm với công nghệ DRFM, được thiết kế để chủ động gây nhiễu và làm mù các hệ thống radar, nhằm bảo vệ vật chủ khỏi các hệ thống vũ khí dẫn đường bằng sóng vô tuyến-điện tử.
Khi tác chiến, Richag-AV có khả năng vô hiệu hoá radar của mọi hệ thống vũ khí, bao gồm cả hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 “Patriot” của Mỹ.
Ngoài công năng như một hệ thống phá sóng radar, Richag-AV có khả năng thu thập cả những dữ liệu tình báo, bao gồm việc tìm ra nguồn bức xạ điện từ bên ngoài.
Bộ đội lên trực thăng chuẩn để huấn luyện nhảy dù ở trung đoàn 916.
Với cơ sở dữ liệu về nhiều loại thiết bị được cài sẵn, Richag-AV có thể nhanh chóng xác nhận loại mục tiêu và tìm cách vô hiệu hoá thiết bị dò tìm của nó một cách có hiệu quả.
Không chỉ các máy bay trực thăng, hệ thống Richag-AV có thể được sử dụng bởi bất kì quân binh chủng nào và có thể gắn trên cả tàu chiến, máy bay và trực thăng.
Thực tế chiến đấu của trực thăng Nga trên chiến trường Syria
Theo giới thiệu của Công ty vô tuyến điện tử Radio Electronic Technologies Concern (KRET) tại Triển lãm hàng không Moscow 2015 (MAKS-2015) vừa qua, hệ thống Richag-AV gắn trên các trực thăng Mi-8MTPR1 hiện không có đối thủ xứng tầm.
Theo thông tin từ Bộ quốc phòng Nga, trong chiến dịch không kích vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS ở Syria, nhóm tác chiến của không quân Nga đã sửa dụng các hệ thống Richag-AV để bảo vệ trực thăng tấn công Mi-24 và trực thăng đa năng Mi-8.
Máy bay trực thăng Mi-8 của Nga bị đạn bắn trúng mà vẫn bay bình thường
Tuy chưa được thực mục sở thị khả năng bảo vệ trong thực chiến của nó nhưng qua một số cảnh quay video thực tế về các cuộc chiến đấu của trực thăng Nga trên chiến trường Syria vừa qua, có thể nhận thấy rằng chúng đã thể hiện khả năng tác chiến rất xuất sắc.
Trong 1 video, 2 chiếc trực thăng tấn công Nga chúi đầu bay rất thấp, sát mặt đất, vừa bay vừa phóng mồi bẫy nhiệt nhưng không sợ các phương tiện phòng không của IS. Điều này cho thấy, ngoài tinh thần dũng cảm, các phi công Nga thực sự yên tâm về khả năng bảo vệ của máy bay.
Một video thứ 2 cho thấy, một chiếc Mi-8 của Nga đang bay thì bị tên lửa phòng không bắn trúng. Tuy nhiên dường như quả đạn bắn trúng vào một bức màn vô hình xung quanh máy bay chứ không xâm phạm được vào nó. Chiếc Mi-8 chỉ khựng lại rồi tiếp tục bay như chưa có gì xảy ra.
Trên chiến trường Syria, các chiến đấu cơ Nga có trần bay cao hơn, có thể đối phó được với các hệ thống phòng không tầm thấp của IS và lực lượng đối lập, nhưng máy bay trực thăng thuộc loại phương tiện bay rất thấp, bất kể loại vũ khí phòng không nào cũng có thể bắn tới.
Tuy nhiên, thực tế trên chiến trường Syria cho thấy, đến thời điểm này, Nga chưa bị mất bất cứ một máy bay trực thăng nào, trong khi trước đó, các trực thăng của quân đội Iraq và Syria thường xuyên bị bắn hạ. Điều này cho thấy, Richa-AV quả thực là một hệ thống bảo vệ hữu ích.
Biến thể Mi-17 vũ trang của Không quân nhân dân Việt Nam, 6 giá treo 2 bên hông có thể mang theo 1.500 kg bom, đạn các loại
Việt Nam có khả năng được trang bị Richag-AV hay không?
Thực tế trong chiến dịch tấn công vào tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS cho thấy, các loại trực thăng Nga được bảo vệ rất tốt, điều này sẽ khiến hệ thống Richag-AV trở thành món hàng hot trên thị trường.
Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Không quân nhân dân Việt Nam đang sử dụng 67 chiếc Mi-17 và Mi-171, cùng với khoảng 69 chiếc Mi-8, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có phi đội trực thăng Mil Mi lớn nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, những máy bay trực thăng của Việt Nam phần lớn là đã cũ, cần phải nâng cấp, hiện đại hóa để vừa nâng cao tính năng vận tải, tác chiến, vừa kéo dài tuổi thọ máy bay.
Theo như nguồn tin của giới chức công nghiệp quốc phòng Nga, đợt giới thiệu nâng cấp, hiện đại hóa trực thăng lần này của Nga là nhằm vào đối tượng các nước châu Mỹ Latin và Caribe, bởi ở đó Nga có khá nhiều khách hàng truyền thống.
Nhưng xét về số lượng máy bay trực thăng Mi-8/17/171 của Việt Nam đã bằng khoảng 1/3 số lượng của khu vực trên cho thấy nhu cầu nâng cấp trong thời gian tới là rất lớn, đây là điều mà Nga không thể bỏ qua.
Trực thăng Mi-171 đang vận chuyển hàng hóa tiếp tế cho nhà dàn DK1
Trong cuộc gặp đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam vào cuối tháng 9 vừa qua, Thượng Nghị sĩ Arnold Tulokhonov, thành viên Ủy ban hợp tác của Hội đồng liên bang (tức thượng viện Nga) cho biết, trong 3 năm qua, Việt Nam đã mua thêm 10 trực thăng Nga.
Ông Tulokhonov còn nhấn mạnh việc Nga có thể cung cấp thêm trực thăng mới và mở một trung tâm bảo dưỡng trực thăng khu vực đông nam Á ở Việt Nam.
Phát biểu về tương lai của trực thăng Nga tại Việt Nam, ông Vadim Ligay, Tổng Giám đốc nhà máy trực thăng Kazan khẳng định, Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng lớn của nước này.
Không quân Việt Nam đang trang bị 136 chiếc Mi-8/17/171, hải quân đang trang bị trực thăng dòng Ka Kamov.
Với quan hệ truyền thống sẵn có, cùng với việc Nga mong muốn thông qua Việt Nam để xâm nhập thị trường Đông Nam Á, nếu Việt Nam đề xuất trang bị hệ thống Richag-AV, chắc chắn Nga sẽ đồng ý nâng cấp dòng máy bay trực thăng này cho chúng ta.