Việt Nam là thị trường tiềm năng
Thông điệp này được ông Vadim Ligay đưa ra trong một dịp hiếm có nhà máy trực thăng Nga mở cửa cho phóng viên nước ngoài vào tham quan và chụp ảnh hôm 28/8.
“Một số năm gần đây, tại Việt Nam, nhu cầu đối với các loại máy bay lên thẳng giảm sút phần nào.
Nguyên nhân thì có nhiều và một trong số đó là ngày càng có nhiều dòng sản phẩm mới hoàn toàn cũng như model nâng cấp, nên có lẽ Việt Nam cần thời gian để nghiên cứu, đánh giá”, báo Tiền Phong dẫn lời ông Vadim Ligay cho biết.
Ông Vadim nhận định, thị trường Việt Nam vẫn rất tươi sáng vì đây là thị trường truyền thống của Nga, trong khi có nhiều lĩnh vực cần đến máy bay trực thăng như tìm kiếm cứu nạn, chữa cháy, vận chuyển bệnh nhân, thăm dò, khảo sát dầu khí, đưa đón các nhân vật quan trọng…
Ông Vadim nói: “Chúng tôi được biết, các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP. HCM đang cân nhắc việc mua máy bay lên thẳng phục vụ công tác chữa cháy.
Trực thăng chữa cháy có nhiều loại, có thể là loại chuyên dụng như ANSAT, loại đa năng như KA-32A11BC hoặc loại cải biến của MI-17…”.
Mi-17 là phiên bản xuất khẩu Mi-8 của Nga, là loại trực thăng vận tải cỡ trung bình, có thể được lắp thêm thiết bị chữa cháy theo yêu cầu khách hàng.
Nga có khiêm tốn?
Nhận định được ông Vadim về tương lai của vũ khí Nga tại Việt Nam được cho là khá khiêm tốn so với những tuyên bố của các quan chức quốc phòng Nga trước đây.
Theo nhận định của một số chuyên gia, đây có thể là động thái cho thấy Nga đang cảm nhận được vũ khí của mình đang mất dần vị thế độc tôn tại Việt Nam.
Theo nhận định trên, mặc dù vũ khí Nga vẫn chiếm gần 90% thị phần tại Việt Nam nhưng căn cứ vào những bản hợp đồng quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực máy bay quân sự những năm gần đây của Việt Nam khiến Moscow có lý do để lo lắng.
Cụ thể, thỏa thuận mua 3 máy bay vận tải quân sự C-295 từ châu Âu cho thấy Việt Nam đang có những bước dịch chuyển quan trọng để tìm thêm những nguồn cung cấp vũ khí mới, dần thay thế cho vũ khí Nga.
Theo tạp chí quốc phòng hàng tuần Jane's Defense Weekly, trong năm 2013, Không quân Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua 3 máy bay vận tải quân sự C-295 với trị giá ước tính 100 triệu USD từ hãng Airbus DS của châu Âu.
Theo Jane's thì thỏa thuận trên được coi là hợp đồng quân sự lớn nhất mà Việt Nam ký kết với một nhà cung cấp vũ khí châu Âu, nối tiếp sau hợp đồng mua 3 máy bay tuần thám biển CASA C-212-400 được Việt Nam và Airbus ký kết trong năm 2008.
Trong đó, cả 3 máy bay C-2012-400 đều được chuyển giao cho Không quân Việt Nam từ tháng 8/2012 đến đầu năm 2013. Chúng được Việt Nam biên chế cho Lữ đoàn không quân 918 và hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ của Cảnh sát Biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, năm 2012, Hải quân Việt Nam cũng được đầu tư hiện đại hóa phi đội máy bay trực thăng bằng việc đặt mua 2 trực thăng vận tải tầm xa EC-225 Super MK II từ hãng Eurocopter (châu Âu) phát triển cho nhiệm vụ vận tải, trinh sát, tuần tra và tìm kiếm cứu nạn.
Nga sẽ vẫn tiếp tục thống trị thị trường quốc phòng Việt Nam. Tuy nhiên, thị phần của vũ khí Nga tại Việt Nam sẽ giảm dần trong tương lai.
Nguyên nhân chính là cơ chế chính sách xuất khẩu quốc phòng ngày càng cởi mở hơn từ các hãng xuất khẩu vũ khí châu Âu, Israel, Nhật, Canada...
Họ đã sẵn sàng bán những sản phẩm quốc phòng mới nhất cho Việt Nam nhằm tìm được chỗ đứng trên thị trường buôn bán vũ khí của các quốc gia Đông Nam Á.
Rõ ràng trong những năm gần đây, vũ khí phương Tây đã và đang thể hiện được ưu thế của họ về chất lượng, độ tin cậy và các chính sách hậu mãi sau bán hàng khác, những điều này đã thu hút được sự chú ý đáng kể từ Việt Nam.
Tạp chí quốc phòng Anh nói rằng, xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng châu Âu sang Việt Nam trong năm 2012 lên đến 102 triệu Euro (137 triệu USD), năm 2011 là 75 triệu Euro và năm 2010 là 34 triệu Euro.
Trong giai đoạn 2001 - 2004, doanh số cung cấp các phần cứng quân sự của châu Âu cho Việt Nam được ước tính trung bình là 3,1 triệu Euro mỗi năm.