Lý do YA-10 được lựa chọn để trở thành cường kích số 1 của KQ Mỹ

ĐTN |

Northrop và Fairchild-Republic là hai công ty lọt vào vòng chung kết và sẽ chế tạo các nguyên mẫu máy bay yểm trợ hỏa lực cự ly gần cho chương trình A-X.

Phần 1: Cường kích A-10 Thunderbolt II của Mỹ đã ra đời như thế nào?

Phần 2: Vì sao pháo nòng xoay GAU-8/A trở thành vũ khí chính của A-10?

Vào cuối năm 1970, Quân đội Mỹ có 3 chương trình phát triển máy bay hỗ trợ cận chiến đó là: A-X của Không quân, AAFSS của Lục quân và Hawker Siddeley XV-6A Krestel của Thủy quân Lục chiến. Các cuộc tranh cãi nổ ra gay gắt xoay quanh việc vì sao lại cần tới 3 chương trình này.

Để tìm câu trả lời, Bộ Quốc Phòng Mỹ đã nghiên cứu mở rộng học thuyết về nhiệm vụ không cận yểm và chiến thuật của nó vào tháng 2/1971. Kết luận được đưa ra tương tự với ý kiến của các lãnh đạo Lục quân, đề cập đến việc trong trang bị của quân đội hiện không có máy bay nào hiệu quả trong hỗ trợ cận chiến.

Trước mối đe dọa đến từ Liên Xô trong tương lai, khi lực lượng tăng-thiết giáp của họ được bảo vệ bởi các tổ hợp tên lửa 2K11 Kub (SA-6 Gainful) và pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka, công việc hỗ trợ cận chiến ngày càng phức tạp và 3 chương trình sẽ giữ các vai trò khác nhau, trong đó:

- AH-56 Cheyenne (kết quả của chương trình AAFSS) sẽ di chuyển âm thầm và hoạt động cùng với bộ binh.


AH-56 Cheyenne, sản phẩm của chương trình AAFSS, nó không thành công và sau này được thay thế bởi AH-64 Apache

AH-56 Cheyenne, sản phẩm của chương trình AAFSS, nó không thành công và sau này được thay thế bởi AH-64 Apache

- Krestel sẽ đáp ứng lời kêu gọi hỗ trợ hỏa lực ngay lập tức của Thủy quân Lục chiến khi đổ bộ.


XV-6A Krestel, sau này trở thành AV-8B Harrier của Thủy quân Lục chiến

XV-6A Krestel, sau này trở thành AV-8B Harrier của Thủy quân Lục chiến

- A-X sẽ mang nhiều vũ khí để tiêu diệt các loại mục tiêu khác nhau, cung cấp khả năng bảo vệ trong một khu vực rộng lớn và thời gian hoạt động dài, cũng như hỗ trợ hỏa lực mạnh và chính xác cho lực lượng mặt đất.

Northrop YA-9 và Fairchild YA-10

Vào ngày 18/12/1970, Không quân công bố Northrop và Fairchild-Republic là hai công ty lọt vào vòng chung kết và sẽ chế tạo các nguyên mẫu máy bay yểm trợ hỏa lực cự ly gần cho chương trình A-X.

Ngày 1/3/1971, hai chiếc máy bay nhận tên chính thức là Northrop YA-9Fairchild-Republic YA-10. Chúng sẽ được trang bị pháo nòng xoay 20 mm M61 Vulcan vì pháo GAU-8 vẫn đang trong giai đoạn phát triển.


Northrop YA-9

Northrop YA-9


Fairchild-Republic YA-10

Fairchild-Republic YA-10

Việc lựa chọn công ty phát triển pháo mới cũng được thực hiện: General Electrics và Philco-Ford sẽ chế tạo 2 nguyên mẫu với giá trị 12,1 triệu USD.

Bên cạnh việc phát triển pháo còn có hợp đồng nghiên cứu chế tạo 4 loại đạn : đạn xuyên giáp gây cháy (Armor-Piercing Indenciary/API), đạn nổ gây cháy (High Explosive Incendiary/HEI), đạn bán xuyên giáp, nổ mạnh gây cháy (Semi-Armor Piercing High Explosive Incendiary/SAPHEI) và đạn huấn luyện.

Trong khi đó, Hughes sẽ sản xuất một mẫu pháo khác mang tên GAU-9, nhằm đề phòng pháo GAU-8 có vấn đề. Họ đã mua bản quyền pháo 2 nòng 30 mm Oerlikon 304RF-30 để "phóng tác".

Ngày 15/1/1973, 2 nguyên mẫu pháo GAU-8 được mang tới trung tâm thử nghiệm ở căn cứ Không quân Eglin để kiểm tra độ chính xác và các thành phần chính, trước khi nghiệm thu tốc độ bắn 4.000 phát/phút. General-Electric chế tạo pháo nòng xoay có 7 nòng trong khi pháo của Philco-Ford có 6 nòng.

Vào ngày 21/6/1973, General Electrics được tuyên bố chiến thắng và giành giải thưởng trị giá 23.754.567 USD cho việc chế tạo 11 khẩu pháo GAU-8/A tiền sản xuất, 3 khẩu sẽ thử nghiệm chất lượng và 8 khẩu sẽ lắp trên A-10.


Pháo 2 nòng 30 mm Oerlikon 304RF-30

Pháo 2 nòng 30 mm Oerlikon 304RF-30

Xét về hình dáng bên ngoài, Northrop YA-9 có thiết kế khá giống máy bay truyền thống với cánh đặt trên lưng và một cánh đuôi đứng, động cơ bố trí dưới gốc cánh và sát vào thân.

Northrop YA-9 có kiểu thiết kế truyền thống
Northrop YA-9 có kiểu thiết kế truyền thống

Trong khi đó Fairchild-Republic YA-10 lại rất khác, với động cơ được đặt ở trên cao phía thân sau và tách hẳn khỏi máy bay, nằm giữa 2 cánh đuôi đứng, cánh nằm dưới thân và càng đáp chính nằm trong khối chứa nhô ra ở giữa đoạn cánh chính.


Fairchild-Republic YA-10 lại có bề ngoài vô cùng lạ mắt

Fairchild-Republic YA-10 lại có bề ngoài vô cùng lạ mắt

Cả hai ứng viên A-X được đem đến căn cứ Không quân Edwards để đánh giá. Chiếc YA-10 (c/n-71-1369) cất cánh ngày 10/5/1972, do phi công thử nghiệm Howard “Sam” Nelson điều khiển, còn YA-9 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 30/5/1972 bởi phi công Lew Nelson.


Nguyên mẫu YA-10 đầu tiên (c/n-71-1369)

Nguyên mẫu YA-10 đầu tiên (c/n-71-1369)


Nguyên mẫu YA-9 đầu tiên (c/n-71-1367)

Nguyên mẫu YA-9 đầu tiên (c/n-71-1367)

Các nguyên mẫu YA-10 và YA-9 thứ 2 cũng thực hiện chuyến bay lần đầu cùng năm, vào các ngày 21/7 và 23/8.


Nguyên mẫu YA-10 thứ 2 (c/n-71-1370)

Nguyên mẫu YA-10 thứ 2 (c/n-71-1370)


Nguyên mẫu YA-9 thứ 2 (c/n-71-1368)

Nguyên mẫu YA-9 thứ 2 (c/n-71-1368)

Ngày 24/10/1972, một nhóm Thử nghiệm chung của Không quân (Joint Test Force/JTF) được gửi đến để đánh giá 2 nguyên mẫu.

Thành phần đoàn công tác bao gồm 3 phi công thử nghiệm từ Lực lượng chỉ huy Hệ thống Không quân (Air Force System Command/AFSC), 2 phi công từ Lực lượng Không quân Chiến Thuật (Tactical Air Command/TAC).

Bên cạnh đó là các chuyên gia từ Lực lượng Chỉ huy Hậu cần Không quân (Air Force Logistic Command/AFLC) và lực lượng Chỉ huy Huấn luyện (Air Trainning Command/ATC).

Nguyên mẫu YA-10 được JTF ưu tiên hơn, do vị trí cánh thấp nên việc lắp vũ khí dễ dàng và nhanh chóng hơn. Ngoài ra thiết kế đặc biệt của YA-10 giúp bảo trì dễ dàng và có khả năng sống sót cao hơn YA-9.


YA-10 lắp các loại bom không điều khiển

YA-10 lắp các loại bom không điều khiển

YA-9 cũng có ưu điểm là vòng lượn nhanh hơn YA-10, hệ thống điều khiển SFC (Side-Force Control) tích hợp phanh gió với cánh lái giúp máy bay không bị trượt bên khi bổ nhào. Điều này giúp phi công giữ được góc ngắm trên mục tiêu mà không phải điều chỉnh máy bay, làm tăng độ chính xác cho vũ khí tấn công.


YA-9 bổ nhào tấn công mục tiêu

YA-9 bổ nhào tấn công mục tiêu

Người thắng cuộc

Vào ngày 18/1/1973, Fairchild-Republic được tuyên bố chiến thắng và giành hợp đồng trị giá 159.279.888 USD với thù lao khích lệ cho việc sản xuất 10 mẫu thử nghiệm và đánh giá (Development, Test and Evaluation/DT&E) YA-10A, cộng thêm 2 khung thân cho một số thử nghiệm mặt đất.

Hợp đồng chế tạo 48 máy bay tiền sản xuất sẽ được ký nếu việc thử nghiệm pháo GAU-8 hoàn thành. Dự kiến Không quân sẽ mua 600 phi cơ với trị giá 1,5 triệu USD/chiếc (thời giá 1973), tốc độ sản xuất dự kiến đạt 20 chiếc/tháng.

General Electric nhận được hợp đồng trị giá 27.666.900 USD để sản xuất 32 động cơ TF34 cho 10 mẫu thử nghiệm và đánh giá. Sau đó Fairchild-Republic và GE hợp tác để cải tiến động cơ TF34 thành TF34-GE-100, động cơ mới nặng nhưng rẻ hơn, hiệu suất và độ bền đều cao hơn động cơ cũ.


Động cơ TF34-GE-100

Động cơ TF34-GE-100

Hai nguyên mẫu YA-9 sau khi thua cuộc được đem đến NASA, nhưng NASA đã từ chối tiếp nhận chúng. Sau đó chiếc YA-9 thứ nhất mang đi trưng bày ở bảo tàng Air Force Flight Test, còn chiếc YA-9 thứ 2 trưng bày tại bảo tàng March Field, California.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại