“Lợn lòi” A-10 của Mỹ vẫn còn đất diễn

Mỹ đang ồ ạt phát triển các loại vũ khí hiện đại, trong đó có máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, vai trò của loại máy bay cường kích A-10 với biệt danh “Lợn lòi” hiện vẫn được khẳng định trên chiến trường.

A-10 là loại máy bay cường kích được Mỹ chế tạo trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh với mục đích đối phó lực lượng lục quân của Liên Xô ở châu Âu, đặc biệt là các loại xe tăng. Một cuộc chiến với Liên Xô trên thực tế đã không xảy ra, song A-10 đã trở thành loại máy bay chiến đấu nguy hiểm bậc nhất trong các cuộc chiến sau đó, như thời kỳ đầu của cuộc chiến ở Kuwait năm 1991, và các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq.

Máy bay cường kích A-10 với biệt danh
Máy bay cường kích A-10 với biệt danh "Lợn lòi" của Mỹ

Trong những năm gần đây, A-10 là loại máy bay được sử dụng phổ biến để yểm trợ cho lực lượng mặt đất tại chiến trường Afghanistan. Tình hình này cũng diễn ra tương tự tại Iraq.

Quân đội các nước đều đánh giá cao khả năng tác chiến tuyệt vời của A-10 vốn được sản xuất từ những năm 1970 và bị Không quân Mỹ “lạnh nhạt”. Hai năm trước, Không quân Mỹ tuyên bố sẽ loại khỏi biên chế 102 chiếc A-10 và chỉ để lại 243 chiếc.

Tuy nhiên, Mỹ cũng đang đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa A-10 lên phiên bản A-10C. Những chiếc A-10 nâng cấp theo kế hoạch sẽ phục vụ tới năm 2028 với nhiệm vụ thực hiện các đòn tấn công chính xác cao. Như vậy, phần lớn những chiếc A-10C của Mỹ đều có thời hạn phục vụ trên 40 năm với hơn 16.000 giờ bay.

Một chiếc A-10C của Mỹ
Một chiếc A-10C của Mỹ

Quá trình nâng cấp những chiếc A-10 của Mỹ mất khoảng 5 năm. Phiên bản nâng cấp sẽ được trang bị hệ thống điện tử mới cùng cải tiến về động cơ. A-10C sẽ cho phép phi công dẫn bắn và điều khiển hỏa lực tương tự như những chiếc tiêm kích hiện đại. Buồng lái mới của A-10C được trang bị toàn bộ màn hình hiển thị màu với các bộ phận điều khiển đơn giản hơn.

Thiết kế cơ bản của A-10 thuộc về những năm 1960 nhưng có những bổ sung cực kỳ ấn tượng so với kỹ thuật cùng thời. A-10 có hệ thống liên lạc tiên tiến cho phép phi công trao đổi thông tin ảnh và video với các lực lượng mặt đất.

Phi công trên A-10 cũng có thể truy cập hệ thống theo dõi tình hình quân “mình” và quan sát trên màn hình vị trí lực lượng “bạn” trong khi có thể sử dụng loại vũ khí lợi hại là pháo 30 mm khi bay thấp. Mỹ hiện đã trang bị cho A-10 các loại bom thông minh giúp tăng khả năng yểm trợ hỏa lực của máy bay.

Một chiếc A-10 của Mỹ tại Afghanistan
A-10 hiện vẫ là máy bay chiến đấu chủ lực của Mỹ tại Afghanistan

Những năm qua, A-10 được Mỹ sử dụng phổ biến tại chiến trường Afghanistan và được đặt biệt danh là “Lợn lòi”. Mỗi phi đội A-10 của Mỹ tại chiến trường này có 13 chiếc cùng 18 phi công. Thời gian bay trung bình của mỗi phi công lái A-10 của Mỹ ở Afghanistan đạt gần 100 giờ mỗi tháng. Tính trung bình, mỗi phi công A-10 cất cánh 5 lần mỗi tháng và mỗi lần kéo dài hơn 5 tiếng.

Một trong những lý do khiến A-10 phù hợp với chiến trường Afghanistan là khả năng bay thấp với tốc độ chậm cùng vỏ giáp có khả năng chống được các loại vũ khí bộ binh cỡ nòng nhỏ. Lực lượng bộ binh Mỹ cũng tỏ ra tin tưởng A-10 hơn F-16 trong các nhiệm vụ yểm trợ đường không.

Một chiếc A-10 của Mỹ bị dính đạn song vẫn sống sót quay trở về căn cứ trong cuộc chiến Iraq năm 2003
Một chiếc A-10 của Mỹ bị dính đạn song vẫn sống sót quay trở về căn cứ trong cuộc chiến Iraq năm 2003

Máy bay cường kích A-10 của Mỹ có một chỗ ngồi, nặng 23 tấn. Máy bay được trang bị 2 động cơ với vũ khí chính là pháo nhiều nòng 30 mm (GAU-8 Avenger). Nhiệm vụ hàng đầu của A-10 khi được thiết kế là tiêu diệt các loại xe tăng của Liên Xô với các loại đạn xuyên giáp. Hiện nay, các máy bay A-10 của Mỹ chủ yếu được trang bị các loại đạn nổ phá cho pháo 1174 30 mm.

Ngoài pháo 30 mm, A-10 có thể mang theo tới 7 tấn bom và tên lửa, trong số đó hiện có các loại bom thông minh được dẫn đường bằng laser và GPS và tên lửa Maverick. Máy bay có thể được trang bị bổ sung thiết bị trinh sát và chỉ thị mục tiêu với camera có độ phân giải cao giúp phi công theo dõi hoạt động của đối phương cả ban ngày và ban đêm.

Tốc độ hành trình của A-10 là 560 km/h, song trên thực tế chúng có thể tuần tra với tốc độ 230 km/h. Tại Afghanistan, Mỹ thường trang bị thêm cho A-10 2 thùng nhiên liệu phụ nhằm tăng thời gian bay.

Giới chuyên gia nhận định, nếu như xảy ra một cuộc chiến nào đó tại bất kỳ khu vực nào trên thế giới (như Triều Tiên hay Iran) thì A-10 sẽ tiếp tục trở thành một trong những loại máy bay được Mỹ sử dụng phổ biến.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại