Chơi trò chiến tranh
Từ căn phòng của mình giữa sa mạc Nevada (Mỹ), anh theo dõi ba gã đàn ông lê bước trên một con đường xơ xác ở tỉnh Kunar phía đông Afghanistan. Anh zoom màn hình vào những người bị tình nghi là phiến quân. Trong tai anh lùng bùng mệnh lệnh “bắn hạ” từ cấp trên. Anh chiếu tia laser vào hai người đàn ông đi đầu và bấm nút. Từ cách xa anh 7.500 dặm, một quả tên lửa dòng Hellfire phóng ra với tốc độ siêu âm. Trong tích tắc, ngọn lửa trắng loé trên màn hình. Khi khói tan, anh nhìn thấy những mảng xương thịt vương vãi quanh một hố lớn trên đường. Người đàn ông thứ ba ôm chiếc chân phải bị phạt quá đầu gối giãy giụa, máu xối thành vũng.
Đó là phát bắn đầu tiên trong đời phi công Brandon Bryant, vào đầu năm 2007, vài tuần sau sinh nhật thứ 21 của anh. Từ năm 2006, Bryant bắt đầu làm việc tại căn cứ không quân Nellis gần thành phố Las Vegas, trong căn phòng làm bằng kim loại không có cửa sổ, để mọi người làm việc trong đó hoàn toàn tập trung vào công việc của họ.
Nhiệm vụ của anh là cùng một đồng đội điều khiển chiếc máy bay không người lái MQ-1B Predator hoạt động cách mặt đất 3km, trên vùng trời Afghanistan. Người kia điều khiển Predator bay, còn Bryant điều khiển hệ thống định vị mục tiêu của nó. Thay vì ngồi trong buồng lái, họ ngồi phòng lạnh, ở hai ghế dựa cạnh nhau. Khi phóng một quả tên lửa Hellfire, họ phối hợp với nhau: người kia nhấn cò, Bryant dẫn đường cho tên lửa, đầu đạn tên lửa sẽ nổ ở đúng vị trí Bryant trỏ tia laser vào. Mỗi chiếc Predator mang hai quả Hellfire, và có thể mang bốn hay sáu quả nếu là tên lửa loại khác, mang hệ thống camera tối tân...
Máy bay không người lái đang trở thành tâm điểm của chiến lược quốc phòng Mỹ. Đến năm 2025, dự kiến ngành công nghiệp này có quy mô 82 tỉ USD và sử dụng 100.000 nhân công. 61% người Mỹ, theo một cuộc khảo sát của Pew gần đây, ủng hộ ý tưởng máy bay không người lái trong quân sự, để giảm thiểu sự mạo hiểm tính mạng của lính Mỹ.
Bryant được nuôi lớn bởi bà mẹ đơn thân, một giáo viên tiểu học ở Missoula (bang Montana), và anh khó tìm được một chỗ ở trường đại học vì lý do học phí. Mùa hè 2005, anh ghi danh vào Không lực Mỹ. Sau một khoá huấn luyện ngắn dưới cái nóng sưng tấy người ở Texas, Bryant được phân vào một đơn vị đặc biệt, nơi họ giới thiệu với anh rằng “anh sẽ làm nhiệm vụ của những người phân tích và cung cấp thông tin cho các điệp viên kiểu James Bond để họ hoàn thành nhiệm vụ”. Sau vài tháng huấn luyện, Bryant bước vào “cuộc chiến”, thực hiện các phi vụ ở Iraq, dù thực tế, anh chẳng rời Nevada nửa bước.
Ngày đầu tiên lâm trận có lẽ là ngày tồi tệ nhất với anh. Nhiệm vụ của anh và cộng sự là điều khiển chiếc máy bay không người lái cất cánh từ căn cứ không quân ở Balad, cách Baghdad 85km, hoạt động như một “thiên thần hộ vệ” cho một cuộc hành quân bằng xe quân sự. Bryant sẽ dò tìm mìn tự tạo, các nhóm phiến quân và các mối đe doạ khác trên hành trình vạch sẵn của đoàn quân này, báo cho họ biết trước để tác chiến.
Từ độ cao 3.000m, Bryant quét con đường bằng tia hồng ngoại. Anh nhận ra một đốm sáng bất thường trên mặt đường, có vẻ như một quả bom tự tạo. Anh lập tức liên lạc với đoàn xe, nhưng điện thoại trên các xe bị nhiễu sóng. Đoàn xe vô tư tiến lên trong nhịp tim dồn dập và hơi thở tắc nghẹn của Bryant. Chiếc xe dẫn đầu chạy qua đốm sáng, không có gì xảy ra, chiếc xe thứ hai trờ tới, một tiếng nổ cất lên... ánh sáng trắng lan toả lớn dần trên màn hình. Hai người lính chết và ba người khác trọng thương. Lỗi không phải của Bryant và phi đội của anh, chỉ tại sóng radio nhiễu mà thông tin không đến được những người ở hiện trường. Nhưng ai cũng cảm thấy có lỗi.
Ca làm của Bryant kéo dài 12 giờ mỗi ngày, sáu ngày mỗi tuần, thường là trọn đêm. Ở nửa bên kia thế giới là ban ngày thì ở nước Mỹ là ban đêm. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, quân đội ngày càng dựa nhiều vào máy bay không người lái. Chiếc Predator có thể hoạt động liên tục 18 giờ mỗi ngày, cả phi đội phải theo nó. Bốn năm đầu làm việc, Bryant không nghỉ phép ngày nào. Trong căn phòng không cửa sổ, chỉ có ánh sáng duy nhất phát ra từ màn hình, Bryant có thể “sống” với mục tiêu hàng tuần lễ: xem đối tượng bị theo dõi uống trà với bạn dưới mái hiên, chơi đùa với con trong sân vườn, quan hệ tình dục với vợ trên tầng áp mái... Cũng từ đây, anh được xem những cảnh man rợ. Ở Iraq, anh theo một mục tiêu là thủ lĩnh phiến quân.
Ông ta lái chiếc xe tải ra khu chợ đông đúc, đậu xe giữa đường, mở thùng xe lôi ra hai cô gái bị trói và nhét giẻ vào miệng, đẩy họ quỳ xuống, rút súng xử họ. Lần khác, anh thấy một quan chức địa phương lồm cồm bò xuống miệng hố ông ta tự đào trước khi bị hai tên lính Taliban hành quyết.
Lần Bryant đến gần thực địa nhất là mùa thu 2007, anh tình nguyện đến căn cứ Balad ở Iraq. Và công việc của anh vẫn thế: điều khiển các chiếc Predator. Một lần, anh được chỉ đạo tìm kiếm một trại huấn luyện của phiến quân. Chỉ trong tích tắc sau khi anh trỏ tia laser vào toà nhà, nó đã bị san bằng, cả quân nổi dậy lẫn gia đình họ. Máy bay F-16, dưới sự dẫn đường của Bryant đã trút xuống đó 500kg bom, gấp mười lần Hellfire.
Bryant không chống đối việc sử dụng máy bay không người lái, anh xem nó như một công cụ, như nhiều thứ khác, có thể rất hữu hiệu trong việc theo dõi bọn săn thú trộm, hoặc kiểm soát nguy cơ cháy rừng. Với anh, chỉ là việc ai có quyền năng điều khiển nó. “Không thể để một nhóm nhỏ quyết định cách sử dụng máy bay không người lái. Việc này cần phải minh bạch hơn. Công chúng cần phải biết chúng được sử dụng làm gì và như thế nào”. Đến mùa xuân 2011, sau gần sáu năm bước chân vào không lực, Brandon Bryant quyết định rời khỏi hàng ngũ, từ chối 109.000 USD tiền thưởng nếu tiếp tục phục vụ. Anh bay gần 6.000 giờ, theo hàng trăm phi vụ, nhắm bắn hàng trăm kẻ địch. “Họ đưa tôi một danh sách chiến công – anh nói – số địch bị diệt, bị bắt... những thứ tương tự như vậy”. Anh không điểm laser vào mục tiêu hay nhấn nút bắn vào tất cả những gì ghi trong danh sách đó, nhưng cứ tham gia vào phi vụ nào có người chết là anh được tính vào “chiến công”. Tổng số kẻ địch bị anh tiêu diệt: 1.626.
Chiếc “huy chương” có tên PTSD
Giữa năm 2011, Bryant trở về quê nhà Missoula với tâm trạng chán nản, cô lập, dễ kích động. Một lần, khi mua một video game ở Best Buy, anh chìa thẻ quân đội cùng thẻ tín dụng, một thiếu niên đứng sau anh trầm trồ: “Ồ, anh ở trong quân đội, anh tôi là lính thuỷ đánh bộ đã tiêu diệt được 36 tên, lúc nào anh ấy cũng tự hào với điều đó”. Bryant quay lại hét lên: “Nếu cậu còn lải nhải điều đó với tôi, tôi sẽ đâm cậu. Đừng bao giờ bất kính với những người đã chết!”
Theo lời khuyên của một cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam, Bryant đi gặp bác sĩ chuyên khoa. Sau vài lần chẩn trị, bác sĩ chẩn đoán anh mắc hội chứng PTSD (rối loạn tinh thần sau một biến cố bi đát).
Cũng năm 2011, các nhà tâm lý trong không lực Mỹ thực hiện một cuộc khảo sát với 600 phi công máy bay không người lái. 42% số này được đánh giá ở mức độ stress cao. Một khảo sát sau đó chỉ ra rằng các phi công điều khiển máy bay không người lái cũng mắc chứng trầm cảm, lo lắng, PTSD, lạm dụng đồ uống cồn ở mức độ như các phi công máy bay chiến đấu truyền thống. Điều đó có nghĩa dù công cụ giết người được nâng cấp đến mức nào, thì thực tế máu me vẫn in vào lương tâm con người như cũ.
Hè 2012, Bryant trở lại không lực làm sĩ quan dự bị, hy vọng có tên trong chương trình SERE nhằm huấn luyện các phi công kỹ năng tự cứu mình khi lọt vào vùng kiểm soát của kẻ thù. Sau nhiều năm giết người, anh muốn cứu người. Nhưng sau vài tuần, đầu anh lại đau, lại rơi vào trầm cảm và trở về Missoula lần nữa. Trong nhiều đêm sau đó, anh lang thang ở các quán bar, uống đến say rũ người, rồi ngủ trong túi ngủ chính phủ phát cho người vô gia cư ở bên bờ sông Clark Fork. Lan Ann, mẹ của anh nói có lần anh suýt tự tử bằng súng ở nhà.
Bryant hy vọng kể câu chuyện này ra sẽ làm anh nhẹ lòng. Đầu tiên vào mùa thu năm ngoái với tờ báo Đức Der Spiegel. Câu chuyện được chuyển ngữ qua tiếng Anh trên tờ Daily Mail và bắt đầu lây lan như virút. Một số người ủng hộ, một vài kẻ xỉ vả anh. Anh có thể được xem như những người làm rò rỉ thông tin như Chelsea Manning hay Edward Snowden hy sinh bản thân vì những nguyên tắc của anh. Tuy nhiên, Bryant khá cẩn trọng trong câu chuyện, anh không kể những chi tiết tối mật trong công việc của mình.
Giờ thì Bryant đã khá hơn, không còn gặp những cơn ác mộng. Anh đang học để trở thành một nhân viên cấp cứu, để có thể cứu người như anh hằng mong muốn.