Tháng 12.2010, giới quân sự Nga đưa ra nhận định, Mỹ đang ráo riết phát triển thế hệ mới các phương tiện tiến công siêu vượt âm, cũng như vũ khí tên lửa siêu vượt âm.
Sự xuất hiện các loại vũ khí trên trong trang bị của Không quân Mỹ đòi hỏi Nga áp dụng các biện pháp đối phó tương xứng, trong đó dĩ nhiên có việc xây dựng hệ thống phòng thủ và thậm chí, cả vũ khí tấn công có tốc độ tương tự. Đồng thời, những hệ thống này phải được tăng cường trang bị các phương tiện trinh sát, thông tin và hỏa lực, bao gồm tên lửa thống nhất phòng không-phòng thủ, tên lửa thế hệ 5…
Gần một năm sau đó, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Anatoly Serdyukov đã tự tin nói: "Sự tích hợp của hệ thống phòng thủ không gian có thể thực hiện đánh chặn bất kỳ mục tiêu nào ở mọi tốc độ (dưới tốc độ ánh sáng), gồm cả những mục tiêu siêu vượt âm". Tuyên bố của ông Serdyukov rõ ràng là đang ám chỉ các dự án vũ khí siêu vượt âm của Mỹ.
Thực tế, người Nga đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo các phương tiện bay siêu vượt âm từ thời Liên Xô. Từ giữa thập niên 1970, Liên Xô bắt tay chế tạo thiết bị bay siêu vượt âm thử nghiệm Kh-90. Dự kiến, Kh-90 được biên chế trong năm 1983.
Theo những kết quả ban đầu, Kh-90 đã đạt tốc độ siêu âm Mach 4. Tuy nhiên, bất chấp thành công đã đạt được, vào những năm 1990, chính quyền Nga ra lệnh tạm dừng tất cả công việc có liên quan đến lĩnh vực này (dự án bị dừng lại vì Liên Xô và Mỹ đạt được các thỏa thuận về hạn chế vũ khí tấn công chiến lược trong những năm cuối của cuộc Chiến tranh Lạnh).
Vì vậy, trong suốt một thập kỷ, dự án phương tiện bay siêu vượt âm của Nga đã “không hoạt động”. Không có bất cứ một mô hình thử nghiệm nào được đưa ra và tất nhiên là chẳng có cuộc bay thử nghiệm vào được biết đến.
Dù vậy, tại Triển lãm hàng không quốc tế MAKS-1997, trong gian trưng bày các loại tên lửa của Nga, khách thăm quan đã được chiêm ngưỡng một biến thể tên lửa Kh-90. Tên lửa được tích hợp hai đầu đạn có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 100 km ở giai đoạn phân tách từ độ cao 7-20km trên máy bay ném bom Tu-160M.
Sau khi tách từ máy bay ở độ cao thích hợp, tên lửa lập tức mở cánh và bay theo quỹ đạo được lập trình sẵn, cánh của tên lửa có chiều dài khoảng 7m. Theo các chuyên gia nghiên cứu về tên lửa của Nga, các tên lửa thông thường có chiều dài khoảng 8-9 m, nhưng tên lửa hành trình Kh-90 có chiều dài lên tới 12 m, và vào thời điểm đó, không một quốc gia nào trên thế giới có một tên lửa hành trình siêu âm tiên tiến như của Nga.
Nước Nga dưới thời Putin đã có những sự thay đổi mạnh bạo hơn trong lĩnh vực này. Cuối tháng 9.2012, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Dmitry Rogozin cho biết, Nga sẽ thành lập "siêu tập đoàn" liên doanh giữa NPO Mashinostroyenie và Tập đoàn tên lửa chiến dịch – chiến thuật (KTRV) phát triển vũ khí siêu vượt âm.
Trước đó, tháng 5.2012, trong chuyến thăm cục thiết kế tên lửa NPO Raduga, ông Rogozin đã kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng Nga phát triển vũ khí siêu vượt âm như một hệ thống tấn công trong tương lai.
Và để chuẩn bị cho việc chế tạo vũ khí siêu vượt âm, người Nga không chỉ xúc tiến các công việc mang tính hành chính kể trên. Trước đó, từ cuối năm 2011, các nhà khoa học Nga đã bắt tay thực hiện dự án “Công nhận chính thức bằng thực nghiệm phương pháp plasma đốt nhanh các dòng khí hydrocacbon”.
Đây là việc khởi động động cơ dùng cho vật thể bay có tốc độ siêu vượt âm, khoảng 5.000 km/h (Mach 4.7) và cao hơn.
Giải thích về điều này, lãnh đạo Xí nghiệp nghiên cứu khoa học các hệ thống sau siêu thanh, ông Alexander Kuranov nói: “Hãy hình dung như thế này, phải bật diêm châm bếp gas mà dòng khí phun ra với tốc độ mấy cây số một giây. Dĩ nhiên là dòng khí này sẽ thổi tắt ngay que diêm. Khi phải bay với tốc độ siêu âm và siêu vượt âm thì điều kiện cũng gần tương tự như vậy. Đến nay chưa hãng nào có được giải pháp đốt ổn định".
Và công việc của các nhà khoa học Nga là chế tạo ra loại động cơ hoạt động tốt và bền bỉ cho phương tiện bay có tốc độ kinh hoàng này.
Không chỉ vậy, các nhà khoa học còn phải giải quyết một vấn đề còn tồn tại hiện nay là sản xuất ra động cơ, vừa có khả năng hoạt động ở chế độ siêu vượt âm, vừa có khả năng chuyển sang hoạt động ở chế độ siêu âm.
Hiện chưa có nước nào trên thế giới thành công trong việc chế tạo động cơ hoạt động ở cả 2 chế độ: siêu âm và siêu vượt âm. Cả Nga và Mỹ là hai nước duy nhất chế tạo được các máy bay có chế độ bay siêu âm toàn hành trình là MiG-31 (Nga) và F-22 (Mỹ).