Lính dù Trung Quốc được xếp vào nhóm "Tứ đại chiến pháp"

Thanh Phong |

(Soha.vn) - Bắc Kinh xếp lính dù là một trong "Tứ đại chiến pháp" của quân đội Trrung Quốc, gồm tác chiến đổ bộ, tác chiến nhảy dù, tác chiến địa bàn rừng núi và tác chiến địa bàn thành thị.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 16/12 đăng bài phân tích 6 "tuyệt kỹ" của lực lượng lính dù không quân Trung Quốc, theo đó hiện tại Bắc Kinh xếp lính dù là một trong "Tứ đại chiến pháp" của quân đội Trung Quốc, gồm tác chiến đổ bộ, tác chiến nhảy dù, tác chiến địa bàn rừng núi và tác chiến địa bàn thành thị.

Lính dù trở thành lực lượng đặc biệt được Trung Quốc ưu tiên sử dụng trong tác chiến
Lính dù trở thành lực lượng đặc biệt được Trung Quốc ưu tiên sử dụng trong tác chiến

Bài báo dẫn lời Richard Fisher, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ cho hay, mô hình tác chiến của quân đội Trung Quốc đã có bước điều chỉnh căn bản từ chỗ phòng ngự nội tuyến sang tấn công ngoại tuyến, trong đó lực lượng lính dù đổ bộ của không quân được đặc biệt coi trọng.

Giới chức quân sự Bắc Kinh nhận định rằng, trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao ngày nay, phạm vi tác chiến của lính dù không còn giới hạn ở phía sau đội hình đối phương, nhiệm vụ không chỉ có đột kích, hành động không còn chỉ giới hạn ở cấp chiến thuật mà đã bao trùm và xuyên suốt toàn bộ quá trình, địa bàn, chiều sâu tác chiến.

Nói cách khác, hiện tại quân đội Trung Quốc đã thay đổi giáo trình huấn luyện lực lượng lính dù đổ bộ không quân tác chiến đột kích cả phía sau, phía trước đội hình đối phương, hoặc đổ bộ tấn công hoặc đổ bộ chi viện, hoặc tác chiến tại Trung Quốc hoặc cơ động ra các chiến trường ngoài lãnh thổ, hoặc tấn công trọng điểm, hoặc dàn quân phòng ngự.

Bắc Kinh đang tập trung đào tạo lực lượng lính dù đổ bộ, đồng thời mua sắm và trang bị mới các máy bay vận tải quân sự hạng nặng để thực hiện các chiến dịch trong và ngoài lãnh thổ
Bắc Kinh đang tập trung đào tạo lực lượng lính dù đổ bộ, đồng thời mua sắm và trang bị mới các máy bay vận tải quân sự hạng nặng để thực hiện các chiến dịch trong và ngoài lãnh thổ

Mặt khác hiện tại Bắc Kinh ngày càng đầu tư nhiều tiền của vào việc phát triển các máy bay vận tải quân sự hạng nặng, đồng thời mua thêm máy bay vận tải quân sự II-76 của Nga để tăng năng lực tác chiến đổ bộ. 

Trong 10 năm tới những chiếc máy bay vận tải này sẽ trở thành công cụ cơ động chiến lược của quân đội Trung Quốc khi địa bàn tác chiến của họ có thể vươn tới khu vực Trung Á, Vịnh Ba Tư, eo biển Đài Loan và các khu vực tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông và Biển Đông.

Thời báo Hoàn Cầu tổng hợp đánh giá từ các tạp chí quân sự của Mỹ nhận định rằng, lực lượng lính dù không quân Trung Quốc hiện đã "luyện" thành 6 tuyệt kỹ và nâng cao đáng kể khả năng tác chiến.

Đầu tiên, lực lượng này có thể làm tê liệt hệ thống chỉ huy của đối phương bằng một lực lượng nhỏ lính dù đổ bộ chiếm lĩnh trung tâm chỉ huy, trung tâm thông tin, trạm ra đa cảnh báo, rải vi rút máy tính, cắt đường truyền, cáp quan và hệ thống thông tin liên lạc của đối phương.

Trang bị cá nhân của một lính dù không quân Trung Quốc
Trang bị cá nhân của một lính dù không quân Trung Quốc

Thủ đoạn thứ 2 đã đạt trình "tuyệt kỹ" của lính dù Trung Quốc, theo Hoàn Cầu là tấn công vào hệ thống thiết bị quân sự trọng điểm, giá trị cao của đối phương. Những "tử huyệt" đối phương mà lính dù Trung Quốc có thể mò đến chính là các kho đạn, phong tỏa đường băng.

"Tuyệt kỹ" thứ 3 của lính dù Trung Quốc, cũng theo tờ báo này, chúng sẽ sử dụng các thủ đoạn để phá hoại hệ thống đảm bảo hậu cần của đối phương, đặc biệt là nhằm vào các đường ống xăng dầu, kho lương thực, mạng lưới điện, các nút giao thông, cầu cống như đánh bom, gài mìn.

Thủ đoạn thứ 4 được triển khai vào ban đêm, đó là cận chiến, lính dù Trung Quốc sẽ áp dụng trong việc đột kích, đột nhập ban đêm để hỗ trợ lực lượng chủ lực mở cửa đầu cầu bằng cách làm tê liệt hệ thống quan sát ban đêm của đối phương.

Thứ 5, lính dù Trung Quốc được tập trung huấn luyện tác chiến nơi địa hình hiểm yếu, thực hành đổ bộ và rút quân bằng trực thăng, hiệp đồng cùng các lực lượng không quân, hải quân và thủy quân lục chiến.

Chiến xa lính dù ZBD-03 do Trung Quốc nghiên cứu, chế tạo để thay thế dần loại BMD-2 nhập của Nga
Chiến xa lính dù ZBD-03 do Trung Quốc nghiên cứu, chế tạo để thay thế dần loại BMD-2 nhập của Nga

Đối với địa bàn thành thị, và cũng là "sở trường" thứ 6 của lính dù Trung Quốc, lực lượng này sẽ tập trung vào đánh phá, đột kích đài truyền hình, đài phát thanh, tổng hành dinh các cơ quan chính quyền để làm rối loạn nội bộ đối phương.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, quân đoàn dù số 15 không quân Trung Quốc đã có kinh nghiệm tác chiến phong phú, khả năng cơ động đổ bộ đường trường và đang tiếp tục mở rộng lực lượng, đào tạo cho các đơn vị.

Chiến thuật sử dụng lính dù, đổ bộ lính dù của Trung Quốc là học từ Nga, tuy nhiên theo tờ Hoàn Cầu, lực lượng này cũng đã tạo ra được bản sắc riêng của lính dù Trung Quốc. 

Bắc Kinh đã nghiên cứu chế tạo chiến xa lính dù ZLC-2000 và ZBD-03 để thay thế cho chiến xa lính dù BMD-2 nhập từ Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại