'Lính canh trời' trên đỉnh Sơn Trà

Đỉnh Sơn Trà của TP Đà Nẵng cao 621m so với mực nước biển, quanh năm mây trắng. Đó cũng là nơi các chiến sĩ ở trạm rađa 29 (trung đoàn rađa 290, sư đoàn phòng không không quân 375) đang canh giữ bầu trời của Tổ quốc tại khúc ruột miền Trung.

Tất cả chuyến bay trên bầu trời đều được quản lý, theo dõi - Ảnh: TẤN VŨ
Tất cả chuyến bay trên bầu trời đều được quản lý, theo dõi - Ảnh: TẤN VŨ

Cung đường ngoằn ngoèo từ chân cầu Thuận Phước lên đến trạm rađa 29 lẫn trong bạt ngàn cây xanh. Càng lên cao cái se lạnh càng như quấn lấy da người. Trời ngả bóng chiều, sương đã la đà sát mặt đất. Nếu ngày nắng đẹp, nhìn từ TP Đà Nẵng sẽ thấy rất rõ ba quả cầu màu trắng như ba quả trứng ai mang đặt lên đỉnh núi. Hôm chúng tôi đến, sương sa rát mặt, cách nhau 10m chẳng thể thấy người, nên các quả cầu khổng lồ to hơn căn nhà năm tầng cũng bị che khuất trong màn mây.

Khổ như ở Trường Sa

Dọc đường đi, chúng tôi thấy từng tốp chiến sĩ mang can nhựa hì hục xách nước ngược dốc lên núi. Chuyện thiếu nước mùa khô trên đỉnh Sơn Trà nhiều năm nay đã là thông lệ. Đã hai tháng ròng mưa ít, chiều chiều các chiến sĩ phải chạy bộ xuống dưới dốc cách đó khoảng 5km để tắm. Tắm xong, mỗi người phải mang hai can nhựa nước ngọt lên núi để dành cho việc vệ sinh cá nhân vào ngày hôm sau.

Người ướt đầm mồ hôi, trung sĩ Nguyễn Đắc Trung cười nói: “Xách nước, luyện thể lực luôn anh ạ! Ai cũng vậy, ở đây chỉ huy và chiến sĩ như nhau!”. Việc thiếu nước khiến những luống rau cũng héo hon theo. Quang cảnh tận dụng nước sinh hoạt, nước rửa chén, nước vệ sinh cá nhân xong rồi tỉ mẩn tưới từng cọng rau khơi gợi cho chúng tôi cuộc sống của các chiến sĩ ở Trường Sa và nhà giàn DK1 - cảnh mà tưởng chừng như chẳng bao giờ gặp ở đất liền.

Dãy Sơn Trà nhô mình ra biển nên phải hứng cái gió ràn rạt quanh năm, gió thổi tốc các cánh cửa, gió luồn vào mọi ngóc ngách căn nhà, gió xát da thịt. Những cọng rau vừa thiếu nước, vừa hứng gió lùa, teo tóp gượng sống lây lất. Thay vì trồng rau trong thùng xốp như các chiến sĩ ở Trường Sa, vườn rau của các chiến sĩ trạm rađa 29 phải xây hẳn một tường gạch chắn gió để lá rau khỏi bị gió xé. Đại úy Đỗ Xuân Vũ, trạm trưởng rađa 29, chia sẻ: “Để thích nghi gió, tôi phải mang nhiều giống rau từ quê nhà Quảng Trị vào đây trồng. Trồng rau theo mùa vì mùa đông là rét, mùa hè là gió và nắng”.

Nếu như mùa khô việc thiếu nước chỉ kéo dài hơn ba tháng thì mùa đông là nỗi ám ảnh nhất của các chiến sĩ ở ngọn núi này. Nước mặn và hơi muối làm các chiến sĩ ở Trường Sa phải khốn khổ quanh năm, thì nơi đây hơi ẩm và gió biển mặn cũng khiến bộ đội nhọc nhằn không kém. Đại úy Vũ cho biết: “Quanh năm phải đắp chăn bông. Chiếu đơn vị cấp phát hai tuần là nổi nấm mốc. Sương muối khiến việc giặt áo quần phải mất hai tuần mới khô”. Hạ sĩ Nguyễn Văn Hiếu thì tâm sự: “Sợ nhất là mùa đông mây mù, cách nhau 5m chẳng thấy. Xung quanh chỉ là màn sương dày đặc, cả tuần, cả tháng như vậy, mọi thứ cứ như trong bóng đêm”.

Các chiến sĩ ở trạm rađa 29 trên đỉnh Sơn Trà (TP Đà Nẵng) phải đi rất xa để mang nước về sinh hoạt - Ảnh: TẤn VŨ.
Các chiến sĩ ở trạm rađa 29 trên đỉnh Sơn Trà (TP Đà Nẵng) phải đi rất xa để mang nước về sinh hoạt - Ảnh: TẤn VŨ.

Mang tiếng là trạm rađa đóng quân trên phường Thọ Quang, thành phố loại 1, trực thuộc trung ương hẳn hoi, nhưng các chiến sĩ trên đỉnh Sơn Trà quanh năm chỉ biết ở trong rừng nhìn về thành phố qua ánh đèn đêm hoặc từ ống nhòm trong những ngày nắng đẹp. Ngày chủ nhật, mỗi chiến sĩ được nghỉ hai giờ, với quãng đường chưa đầy 10km nhưng dốc cao, vực sâu, tiền xe ôm 200.000 đồng/chuyến nên chẳng chiến sĩ nào muốn xuống Đà Nẵng.

Ngồi đưa mắt nhìn về thành phố, trung sĩ Trương Bá Du, người Thanh Hóa, tâm tư: “Phố gần vậy nhưng từ ngày đóng quân ở đây, tôi chưa một lần đặt chân xuống núi để thăm. Thấy bãi biển dài xanh, thấy những cây cầu dây văng, những ngôi nhà cao vút... thích lắm!”. Nhiệm vụ của Du là quan sát việc cất hạ cánh của máy bay và theo dõi mọi hoạt động bay của sân bay Đà Nẵng.

“Mắt thần Đông Dương”

Không một chuyến bay nào, một vật thể lạ nào khi bay vào không phận quản lý của trạm rađa này mà bị bỏ lọt mục tiêu. Để Tổ quốc không bị tập kích bất ngờ từ trên không, những người “lính canh trời” trên đỉnh Sơn Trà phải dán mắt 24/24 giờ trên màn hình huỳnh quang. Thượng úy Nguyễn Văn Hiển, phó trạm trưởng rađa 29, tâm sự: “Với người lính binh chủng khác thì việc chiến đấu còn có thời hạn, riêng rađa luôn luôn trong tình trạng chiến đấu và tập trung sẵn sàng đến mức cao độ. Bởi với tốc độ của các máy bay hiện đại còn nhanh hơn tốc độ âm thanh nên thiếu cảnh giác trong tích tắc, không phận sẽ bị xâm phạm”.

Ghi chép, quan sát, theo dõi mục tiêu là việc làm thường xuyên của các trắc thủ rađa - Ảnh: TẤn VŨ
Ghi chép, quan sát, theo dõi mục tiêu là việc làm thường xuyên của các trắc thủ rađa - Ảnh: TẤn VŨ

Ngoài nhiệm vụ canh gác vùng trời bình yên cho Tổ quốc, trạm rađa 29 còn có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là dẫn đường cho các máy bay chiến đấu. “Đất trời bao la nhưng máy bay bay trên đó đều có đường đi theo quy định hẳn hoi. Giờ nào, bay đến đâu, bay như thế nào, bay hay chưa, mọi hoạt động hàng không dù trong nước hay quốc tế hoạt động trên bầu trời đều được trạm quản lý, kiểm soát chặt” - đại úy Đỗ Xuân Vũ nói.

Vì nhiệm vụ đặc biệt và bảo đảm bí mật quân sự, chúng tôi không được phép vào bên trong các quả cầu khổng lồ trên núi. Nhưng nhìn tác phong khẩn trương, thái độ sẵn sàng và nghiêm nghị của những người lính nơi này, chúng tôi thấu hiểu công việc và nhiệm vụ căng thẳng của các trắc thủ rađa.

Có gần mười năm trong việc dẫn đường và theo dõi mục tiêu rađa, trung úy Bùi Đức Cảnh - sĩ quan dẫn đường của sư đoàn không quân 375 - cho biết bây giờ vùng trời ở miền Trung, đặc biệt là khu vực từ Đông Hà đến Buôn Ma Thuột, từng ngọn núi, từng hòn đảo, thậm chí từng đám mây tích điện đều hiện diện trên màn hình rađa. Anh nói: “Vịnh Đà Nẵng uốn khúc kiểu khác, vịnh gần Chu Lai khác, rồi đảo Lý Sơn hiện lên khác nữa trên màn hình, nhưng quen rồi nên mình biết, nhận ra vật lạ ngay khi chúng có mặt trên màn hình”.

Để Tổ quốc không bị bất ngờ, nhiệm vụ của các chiến sĩ rađa là rất thiêng liêng. Việc phối hợp nhịp nhàng giữa người dẫn đường và các phi công lái máy bay chiến đấu là vô cùng quan trọng. Ở bất kỳ một cuộc chiến nào, trong chiến thắng cũng như thất bại của không quân, rađa đều đóng góp một phần không nhỏ.

Ngày chúng tôi đến thăm, rất nhiều tốp máy bay xuất kích từ sân bay Đà Nẵng để tập luyện. Những chiếc máy bay gầm gừ, rồ máy ầm đinh tai, lăn bánh trên đường băng, rồi bất ngờ xé toạc bầu trời lao vút lên cao. Từng chiếc nghiêng cánh bổ nhào rồi lượn một vòng ra phía biển trước khi quay lại đất liền. Những trắc thủ rađa lại cắm cúi vào màn hình ghi chép thông tin tất bật nhưng tất cả phối hợp rất nhịp nhàng. Tất cả vì một mục đích tối thượng: canh giữ bầu trời Tổ quốc bình yên.

Với vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng của Sơn Trà, bằng sức mạnh không vận của mình, người Mỹ cho tiến hành xây dựng trạm rađa khổng lồ tại đây vào năm 1965. Nhiều người Đà Nẵng còn nhớ như in những chuyến bay vận tải thả từng chiếc xe ủi trên đỉnh núi Sơn Trà, rồi vật tư, trang thiết bị cho người Mỹ ngày đêm hì hục xây dựng. Những quả cầu phủ một lớp vải đặc biệt bắt đầu xuất hiện trong một thời gian ngắn sau đó.

Theo thượng úy Nguyễn Văn Hiển - phó trạm trưởng trạm rađa 29, trước năm 1975 người Mỹ đã dùng rađa từ đỉnh Sơn Trà để khống chế và theo dõi toàn bộ khu vực rộng lớn từ đảo Guam phủ qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), qua Thái Lan và bao trùm toàn bộ Đông Dương. Sơn Trà khi đó cũng tham gia làm nhiệm vụ dẫn đường cho phi công Mỹ cất cánh từ sân bay Utapao (Thái Lan) và đảo Guam ném bom miền Bắc VN. Biệt danh “mắt thần Đông Dương” cũng có từ thời đó. Ngày nay, đỉnh Sơn Trà vẫn được sử dụng đặt đài rađa quan sát phục vụ nhiều lĩnh vực từ hàng không dân dụng, không quân và hải quân VN. Trạm rađa 29 có chức năng đảm bảo an toàn một vùng trời rộng lớn của Tổ quốc từ Đồng Hới (Quảng Bình) đến Buôn Ma Thuột.

 

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại