Trang mạng Livefistdefence mới đây đã đăng tải các hình ảnh thử nghiệm trên biển của tàu khu trục Kolkata Project 15A. Như vậy sau 11 năm từ ngày khởi công đóng mới, Hải quân Ấn Độ sắp sở hữu trong biên chế cỗ máy chiến tranh hàng đầu khu vực.
Sự có mặt của tàu khu trục Kolkata sẽ đưa Hải quân Ấn Độ trở thành một thế lực lớn trên đại dương. Tuy nhiên, vấn đề đang được quan tâm là so với các tàu khu trục cùng loại của các cường quốc hải quân trong khu vực, đặc biệt là so với người hàng xóm Trung Quốc Kolkata có được lợi thế nào không?
Hệ thống điện tử vượt trội
Kolkata là lớp tàu khu trục mang tên lửa điều khiển được thiết kế rất hiện đại với khả năng tàng hình cao. Đây là một chương trình đầy tâm huyết của Ấn Độ nhằm đưa hải quân nước này trở thành lực lượng hàng đầu khu vực. Bên cạnh đó đây cũng là một nỗ lực lớn của Ấn Độ nhằm bắt kịp tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc.
Tàu khu trục Kolkata của Ấn Độ (phía trên) vượt trội về hệ thống điện tử so với Type-052C của Trung Quốc (ở dưới)
Kolkata được xem như câu trả lời dành cho Type-052C của Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với tốc độ chóng của Type-052C, sự phát triển của Kolkata khá chậm chạp với rất nhiều lỗi phát sinh trong quá trình đóng, song điều đó không làm ảnh hưởng nhiều đến sức mạnh chiến đấu của con tàu.
Điểm vượt trội của Kolkata so với đối thủ Type-052C là hệ thống điện tử cực mạnh mà trái tim là radar quét mạng pha điện tử chủ động AESA EL/M-2248 MF-STAR gồm 4 mảng anten gắn trên đỉnh tháp radar, mang lại khả năng kiểm soát mục tiêu rất rộng.
Đây là loại radar được đánh giá tốt nhất thế giới hiện nay, nó cung cấp các hình ảnh chất lượng cao, hỗ trợ giao diện vũ khí theo từng điều kiện thời tiết và môi trường khó khăn nhất trong lĩnh vực hải quân hiện tại cũng như tương lai.
Radar này có khả năng tự động theo dõi các mục tiêu trên không và trên biển cùng lúc. Nó có khả năng chiếu xạ và dẫn hướng cho cả tên lửa hải đối không và tên lửa chống tàu, pháo hạm. EL/M-2248 MF-STAR có độ chính xác rất cao và hiệu suất tương đương với radar AN/SPY-1D trên các tàu khu trục Aegis của Mỹ.
Hỗ trợ cho radar chính là radar giám sát EL/M-2238 STAR. Cả 2 loại radar này đều do IAI Elta của Israel chế tạo. Bên cạnh đó Kolkata còn được trang bị radar giám sát trên không LW-08 của tập đoàn Thales, Pháp.
Về năng lực chống ngầm, tàu khu trục Kolkata được trang bị bộ định vị thủy âm thế hệ mới HUMSA-NG bao gồm một mảng gắn ở thân tàu và một mảng kéo theo. Hệ thống chiến tranh điện tử Deseaver MK II do Elbit Systems sản xuất và hệ thống dữ liệu chiến đấu đa mục tiêu EMCCA Mk-4 của Ấn Độ.
Trong khi đó tàu khu trục Type-052C sử dụng hệ thống điện tử do Trung Quốc chế tạo với chất lượng rất khó kiểm chứng. Xét về hệ thống điện tử, tàu khu trục Kolkata chiếm nhiều ưu thế hơn so với đối thủ Type-052C.
Nỗi kinh hoàng mang tên BrahMos
Một nhân tố khác kết hợp tạo nên sức mạnh vượt trội cho tàu khu trục Kolkata là hệ thống vũ khí tối ưu của nó. Tàu khu trục Kolkata được trang bị 4x8 hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) sử dụng 2 loại tên lửa phòng không Barak-1 tầm bắn 12 km và tên lửa đánh chặn tầm trung Barak-8 có tầm bắn 70 km.
Tên lửa chống hạm siêu âm BrahMos (phía trên) hoàn toàn vượt trội so với YJ-62 (ở dưới) về tất cả các chỉ số.
Tên lửa Barak-8 có khả năng hoạt động độc lập rất cao và gần như không phải phụ thuộc vào hệ thống nhắm mục tiêu hay dẫn đường. Đây là một sản phẩm liên doanh giữa Ấn Độ và Israel, tuy vậy sự phát triển của loại tên lửa này đang diễn ra khá chậm, gây ảnh hưởng nhiều đến thời gian đưa tàu khu trục Kolkata vào hoạt động.
Về khả năng phòng không, Type-052C có lợi thế hơn với hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HHQ-9 (biến thể hải quân của HQ-9) có tầm bắn 150 km. Tuy nhiên, lợi thế này của Type-052C không phải là quá lớn. Kinh nghiệm từ các cuộc xung đột trong thời gian qua cho thấy, thắng bại trong tác chiến phòng không thường quyết định ở khu vực tầm trung.
Vũ khí đáng sợ nhất của khu trục hạm Kolkata là 16 ống phóng thẳng đứng sử dụng tên lửa hành trình chống hạm PJ-10 BrahMos. Đây là loại tên lửa chống hạm có tốc độ nhanh nhất thế giới hiện nay với tầm bắn lên đến 300 km. BrahMos thực sự là một mối đe dọa chết người cho bất kỳ tàu chiến nào.
Trong khi đó Type-052C sử dụng tên lửa chống hạm YJ-62 tầm bắn trên 300 km, tốc độ cận âm. YJ-62 chắc chắn không thể so sánh với BrahMos về tất cả các chỉ số.
Về pháo hạm, ban đầu tàu khu trục Kolkata dự định trang bị pháo hạm 130 mm của Nga, tuy nhiên sau đó lại chuyển sang sử dụng pháo hạm 76 mm của Pháp có tốc độ bắn lên đến 220 viên/phút. Type-052C được trang bị pháo hạm 100 mm có lợi thế hơn về tầm bắn còn Kolkata có lợi thế về tốc độ bắn.
Về chống ngầm, tàu khu trục Kolkata được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533mm cùng 2 hệ thống phóng rocket chống ngầm RBU-6000. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của 2 trực thăng chống ngầm Agusta Westland Sea King hoặc HAL Dhruv.
Trong khi đó Type-052C được trang bị 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi cùng sự hỗ trợ của 1 trực thăng chống ngầm Z-9C hoặc Ka-28 của Nga. Về năng lực chống ngầm tàu khu trục Kolkata có ưu thế hơn với sự hỗ trợ của 2 hệ thống RBU-6000 còn Type-052C không có loại này.
Về khả năng phòng thủ tầm cực gần, tàu khu trục Kolkata được trang bị 4 pháo bắn siêu nhanh AK-630. Trong khi đó Type-052C chỉ được trang bị 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Type-730. Khả năng phòng thủ tầm cực gần của Kolkata còn được hỗ trợ từ tên lửa phòng không tầm thấp Barak-1 còn Type-052C chỉ dựa vào pháo nên hạn chế hơn so với Kolkata.
Về hệ thống động lực của Kolkata và Type-052C là tương đương nhau. Type-052C sử dụng hệ thống động cơ đẩy hỗn hợp turbine khí-diesel CODOG còn tàu khu trục lớp Kolkata được trang bị hệ thống đẩy COGAG (động cơ tuabin khí kết hợp).
Từ các thông số kỹ thuật nêu trên cho thấy tàu khu trục Kolkata của Ấn Độ chiếm ưu thế hơn so với đối thủ Type-052C của nó, đặc biệt báo chí Ấn Độ từng nhận định rằng sử dụng tên lửa chống hạm lắp đầu tự dẫn radar thụ động hoàn toàn có thể đánh chìm tàu khu trục Type-052C với xác suất 100%.
Tàu khu trục INS Kolkata chạy thử nghiệm
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA