Theo thông tin trên trang web của Mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc, Bộ quốc phòng Nhật Bản vừa lập dự toán ngân sách cho việc chế tạo 2 khu trục hạm thế hệ mới lớp 27DD, được đánh giá là thuộc loại mạnh nhất trên thế giới.
Khu trục hạm mới với tính năng nâng cấp rất mạnh
Theo thông tin từ truyền thông Nhật Bản, 2 khu trục hạm thế hệ mới của nước này sẽ được trang bị hệ thống động cơ turbin khí và hệ thống động lực điện mới nhất, có công suất và độ ổn định tốt nhất thế giới.
Ngoài ra, tàu sẽ được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis phiên bản mới nhất của Mỹ, đồng thời còn được trang bị 2 loại vũ khí tiên tiến nhất trên thế giới là pháo quỹ đạo điện từ và vũ khí phòng thủ laser.
Từ trước đến nay, các tàu khu trục Nhật Bản đều được trang bị tên lửa SM-2 (Standard Missile-2) và SM-3 của Mỹ, sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng Mk-41, có năng lực phòng không, phòng thủ tên lửa rất mạnh.
Theo thông tin cho biết, khu trục hạm thế hệ mới của Nhật vẫn giữ nguyên cơ cấu tên lửa này.
Tên lửa SM-2 hiện đang sử dụng trên tàu khu trục Nhật là phiên bản SM-2 2MR BlockII hoặc SM-2 BlockIII có tầm bắn tới 167km với cơ chế dẫn đường phức hợp, đoạn giữa nó điều chỉnh đường bay bằng quán tính + vô tuyến điện, đoạn cuối dẫn đường bằng radar bán chủ động.
Tên lửa SM-2 có tầm bắn ngắn hơn so với loại SM-3 nhưng vừa có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, vừa có khả năng bắn hạ cả máy bay.
Còn tên lửa đánh chặn RIM-161A, còn gọi là SM-3 có tầm bắn trên 500km, độ cao đánh chặn đạt tới 160km.
Hệ thống tác chiến Aegis thế hệ mới, được trang bị hệ thống radar cải tiến, điều khiển bằng các hệ thống máy tính cực mạnh, có khả năng chống các sóng xung kích của bom xung mạch điện từ.
Ngoài ra, hệ thống này còn được cải thiện khả năng chỉ thị mục tiêu bên ngoài và khả năng trao đổi thông tin số liệu.
Truyền thông nước này cho biết, các khu trục hạm tương lai của Nhật có thể sẽ được trang bị radar AMDR của hãng Raytheon có tính năng còn cao hơn cả AN/SPY-1D(V) (phát hiện 300 mục tiêu, theo dõi 100 mục tiêu, tầm quét 320km, cùng lúc điều khiển chiến hạm tấn công 18 mục tiêu khác nhau với độ chính xác cao).
Hệ thống vũ khí laser hiện đang được Cục nghiên cứu và thiết kế công nghệ trực thuộc Bộ quốc phòng Nhật Bản phát triển, có khả năng tác chiến cả trên biển và đất liền, có khả năng đối phó được với bất cứ loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất và tên lửa chống hạm nào.
Kế hoạch nghiên cứu phát triển pháo quỹ đạo điện từ cũng đang được Bộ quốc phòng Nhật Bản triển khai. Kinh phí phân bổ cho hạng mục này đã được phê duyệt trong ngân sách quốc phòng 2015.
Ngoài ra, tàu còn được trang bị radar tìm kiếm, đo đạc mục tiêu trên biển thế hệ mới và sonar kiểu mảng kéo nhằm thu thập các thông tin về tàu ngầm.
Tàu còn được lắp đặt hệ thống pháo Phalanx Block 1B có khả năng đáp ứng được yêu cầu tác chiến phòng chống tên lửa giai đoạn cuối.
Hệ thống pháo Phalanx có ưu điểm là sử dụng chung hệ thống dẫn đường của tên lửa nên có độ chính xác rất cao trong đánh chặn tên lửa hành trình chống hạm.
Sẽ có sự chuyển mình, trang bị tên lửa hành trình Tomahawk?
Hiện nay Nhật Bản đang có 6 chiếc khu trục hạm Aegis, trong đó 4 chiếc thuộc lớp Kongo, bao gồm: DDG-173 Kongo, DDG-174 Kirishima, DDG-175 Myoko và DDG-176 Cyokai; 2 chiếc thuộc lớp Atago là DDG-177 Atago và DDG-178 Ashigara.
Hiện số lượng tàu Aegis Nhật Bản đã vượt qua tất cả các đồng minh khác, chỉ chịu đứng sau Mỹ.
Về mặt chất lượng, các tàu khu trục này cũng có chất lượng vượt trội các tàu khu trục phòng không của các cường quốc châu Á khác như Ấn Độ, Trung Quốc.
Không những thế, các chiến hạm này cũng hơn hẳn các tàu khu trục phòng không của châu Âu sử dụng các biến thể trên hạm của hệ thống phòng không Aster-30.
Có thể khẳng định, lực lượng tàu Aegis của Nhật hiện đứng đầu châu Á về phòng không hạm, trên thế giới cũng chỉ kém duy nhất một mình Mỹ.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất là do những hạn chế trước đây của Bản “Hiến pháp hòa bình”, Nhật không được phép sở hữu các loại vũ khí mang tính chất tấn công nên các khu trục hạm nước này không được trang bị các tên lửa hành trình Tomahawk.
Tuy nhiên, hiện nay Nhật đang nỗ lực phá bỏ những rào cản của bản Hiến pháp này, chuyển từ một chiến lược quân sự mang tính phòng thủ sang kết hợp phòng thủ và tấn công, được phép tham gia “Quyền phòng vệ tập thể” và tham gia hoạt động quân sự trên khắp thế giới.
Tuy hiện nay chưa có thông tin gì về việc tàu khu trục Nhật Bản sẽ được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất nhưng rất có thể với những “cởi trói” mới về chiến lược quân sự, khu trục hạm Nhật trong tương lai sẽ được trang bị loại tên lửa này?
Khi đó, với hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa Aegis tiên tiến nhất và khả năng tấn công mặt đất rất mạnh của tên lửa Tomahawk, có thể nhận định chắc chắn rằng, khu trục hạm Aegis tương lai của Nhật Bản sẽ được xếp vào dạng mạnh nhất trên thế giới.