Không quân Mỹ “lấp liếm” về những vấn đề của F-35?

Anh Tuấn (lược dịch) |

Trong một báo cáo dài 8 trang, Không quân Mỹ đã đưa ra hướng dẫn cụ thể về việc nhận xét khả quan cho máy bay tiêm kích F-35 vốn đã gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật và tài chính.

Chi phí của chương trình Máy bay chiến đấu đa chức năng F-35 giờ đây đã lên đến 1,5 nghìn tỉ USD.

Không quân Mỹ, từ lâu đã gặp vấn đề giám sát chi phí của các loại vũ khí mới, có kế hoạch biến loại máy bay này trở thành “một loại khí tài hàng đầu thế giới”. Tuy nhiên, bản thân chiếc máy bay đã gặp rất nhiều lỗi kỹ thuật và nhận được không ít những phàn nàn.

Một nghiên cứu của viện nghiên cứu RAND (Mỹ) cho thấy kết cấu của F-35 “thua gấp đôi các loại máy bay của Trung Quốc và Nga”.

Bên cạnh đó, viện này khẳng định F-35 có “khả năng tăng tốc kém, khả năng đạt độ cao kém, khả năng xoay trở trên không kém, và nó còn có vận tốc tối đa thấp”.

Đầu năm 2015, F-35 đã chịu thất bại trong một cuộc không chiến với F-16, một phi cơ được chế tạo từ những năm 1970. Mãi đến gần đây, Không quân Mỹ và hãng Lockheed mới phát hiện ra nguyên nhân vì sao động cơ F-35 lại phát hỏa khi cất cánh.

Trong bản thông báo, Không quân Mỹ nói về việc tại sao họ cần F-35. Đó là bởi ba lý do chính là “vũ khí lợi hại, khả năng sống sót cao và dễ thích ứng với tình hình chiến sự”.

Song hệ thống vũ khí của máy bay phải mất bốn năm nữa mới có thể đưa vào hoạt động, và khả năng sống sót của máy bay vẫn còn bỏ ngỏ khi động cơ có thể bốc cháy.

Thêm vào đó, trong bản thông báo, Không quân Mỹ cũng nói về việc phải trả lời về các câu hỏi của truyền thông ra sao, bao gồm về mũ bay của phi công trị giá 400.000 USD, các công nghệ F-35 mà Mỹ đang chia sẻ cho 11 quốc gia khác nhau, hay việc chiếc máy bay tiêm kích này rất kém khi tấn công từ xa.

Sau khi đã nêu ra những vấn đề về F-35, Không quân Mỹ tin rằng họ sẽ khiến “các chính trị gia Mỹ, công luận Mỹ và các đối tác quốc tế an tâm hơn và tự tin vào khả năng của F-35 và nhận ra được tầm quan trọng của F-35 đối với an ninh quốc phòng”.

Trong khi đó, Không quân Mỹ đang phải nhận nhiều sự chỉ trích từ Quốc hội và một nhóm các sĩ quan quân đội cấp cao ủng hộ sử dụng máy bay A-10 Thunderbolt II.

Nhằm tìm cách đưa hàng tỉ ngân sách vào dự án F-35, Không quân Mỹ đang ép ngừng sử dụng máy bay A-10, mặc dù F-35 vẫn chưa thể được điều động cho đến năm 2019.

Có thể thấy rằng, F-35 vẫn chưa hề tạo được niềm tin đối với dư luận cũng như nhiều quan chức Mỹ. Tuy vậy, hãng Lockheed và quân đội Mỹ vẫn hi vọng sẽ có thể sản xuất 2.400 máy bay F-35 trong vòng hơn 20 năm.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại