Khám phá tính năng tên lửa HJ-8 của Trung Quốc

Đức Anh |

Tầm bắn ngắn, cơ chế dẫn hướng tồn tại nhiều nhược điểm là những hạn chế của tên lửa chống tăng chủ lực HJ-8 trong biên chế quân đội Trung Quốc.

HJ-8 là tên lửa chống tăng chủ lực của Trung Quốc. Theo Military-today, tên lửa này phục vụ quân đội trong giai đoạn 1984 - 1988. Tương tự nhiều vũ khí khác, HJ-8 vay mượn thiết kế từ các mẫu tên lửa chống tăng của nước ngoài.

Thiết kế của HJ-8 pha trộn giữa Milan của Pháp, BGM-71 TOW của Mỹ và 9M113 Konkurs của Liên Xô, nó thuộc loại tên lửa chống tăng dẫn đường bằng dây thế hệ 2.

Ống phóng HJ-8 được bố trí trên giá 3 chân tương tự BGM-71, trong khi cơ cấu phóng và hệ thống ngắm mục tiêu lại giống Milan. Tên lửa có đường kính 120 mm, dài 1.560 mm, trọng lượng 11,2 kg, trọng lượng phóng 25 kg.

Người điều khiển tên lửa ở trạng thái quỳ, sau khi phóng, họ phải duy trì đường ngắm cho đến khi tên lửa chạm mục tiêu. HJ-8 được dẫn hướng bán tự động bằng dây dẫn, tầm bắn khoảng 3 km.

Điểm nổi bật của tên lửa này là khả năng xuyên phá khá mạnh. Đầu đạn của HJ-8 có thể đánh bại giáp của hầu hết các xe tăng thế hệ 2 như Leopard-1, T-62, M60 và AMX-30.

Thế hệ đầu của HJ-8 chỉ có khả năng xuyên 100 mm giáp đồng nhất, nhưng sức xuyên đã được cải thiện qua các biến thể mới. Quân đội Trung Quốc có vẻ hài lòng với HJ-8 vì trong suốt thời gian qua họ không nhập khẩu tên lửa chống tăng từ nước ngoài.

Đến những năm 1990, Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Hoa Bắc (NORINCO) đã phát triển các phiên bản mới của HJ-8 sử dụng hệ dẫn đường bằng laser. Theo NORINCO, biến thể mới nhất như HJ-9 có tính năng tương đương Kornet-EM của Nga.

Kém xa Kornet của Nga

Cơ cấu phóng của HJ-8 khá cồng kềnh.

Cơ cấu phóng của HJ-8 khá cồng kềnh

Tên lửa chống tăng dẫn đường bằng dây có nhược điểm là người điều khiển phải duy trì đường ngắm cho đến khi chạm mục tiêu.

Hạn chế này khiến người bắn có thể gặp nguy hiểm nếu lộ vị trí và đối phương bắn trả. Trong khi đó, thiết kế của HJ-8 khá cồng kềnh càng làm cho trắc thủ dễ bị lộ hơn.

Ngoài ra tầm bắn của HJ-8 chỉ khoảng 3 km, kém xa so với 5 km của 9M133 Kornet. Sức xuyên của HJ-8 chỉ đủ khả năng đối đầu với các xe tăng thế hệ cũ, hệ thống dẫn hướng sao chép của nó cũng là một ẩn số.

Các biến thể mới của HJ-8 như HJ-9 được giới thiệu sử dụng hệ thống dẫn hướng bám chùm laser bán tự động, có thể là sao chép từ tên lửa Hellfire của Mỹ. Tuy nhiên, HJ-9 có trọng lượng tới 37 kg nên chỉ phóng đi từ trực thăng hoặc xe thiết giáp.

Tên lửa chống tăng HJ-8 đã được xuất khẩu cho khoảng 20 quốc gia, chủ yếu ở Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên chưa có thông tin về việc sử dụng HJ-8 trong chiến đấu, mặc dù Trung Đông vốn thường xuyên xảy ra xung đột quân sự.

Trong khi đó, tên lửa Kornet được trang bị hệ thống dẫn hướng bám chùm laser bán tự động cho phép mở rộng tầm bắn tới 5 km, lên đến 10 km với Kornet-EM.

Khả năng xuyên giáp chính là điểm nổi bật của Kornet. Đầu đạn của tên lửa có sức xuyên tới 1.200 mm sau khi phá giáp phản ứng nổ. Kornet đủ khả năng tiêu diệt mọi xe tăng hiện đại nhất bằng cú đánh trực diện.

Một số tên lửa Kornet đã được sử dụng để đánh bại xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 hiện đại nhất của Mỹ. Xét ở tất cả các chỉ số, tên lửa chống tăng chủ lực của Trung Quốc kém xa Kornet của Nga.

Tên lửa chống tăng HJ-12 thế hệ mới của Trung Quốc

Gần đây trong triển lãm quốc phòng Eurosatory-2014 ở Pháp, NORINCO đã giới thiệu một tên lửa chống tăng mới là HJ-12. Người ta không khó nhận ra HJ-12 là bản sao của FGM-148 Javelin do Mỹ sản xuất.

Hiện đại hóa vũ khí bằng cách sao chép luôn là phương châm của các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại