Nghĩa vụ quân sự khắc nghiệt
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có luật nghĩa vụ quân sự khắc nghiệt nhất thế giới. Ở Hàn Quốc, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là một chiếc giấy chứng nhận cho “lòng yêu nước” của mỗi cá nhân đối với tổ quốc của mình. Vì thế, hầu như mọi đối tượng nam thanh niên từ độ tuổi 18 đến 35 đều phải dành một quãng thời gian tuổi trẻ của mình để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Những trường hợp miễn, giảm nghĩa vụ ở Hàn Quốc chủ yếu là do vấn đề sức khỏe như người tàn tật, người mắc bệnh tâm thần, truyền nhiễm, không có khả năng lao động.
Hàn Quốc có luật nghĩa vụ hà khắc như vậy bởi trên thực tế, hiện nay quốc gia này vẫn đang trong tình trạng đình chiến chứ không phải là đã kết thúc chiến tranh với Triều Tiên. Mối đe dọa luôn thường trực từ quốc gia láng giềng đã buộc Hàn Quốc phải trong tư thế sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh bất cứ lúc nào. Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt quan tâm tới việc huấn luyện quân sự và sẵn sàng cho những tình huống an ninh bất ngờ.
Nam thanh niên Hàn Quốc trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự có quyền chọn thời điểm thực hiện nghĩa vụ. Cũng như các quốc gia khác, họ thường bắt đầu thời hạn nghĩa vụ quân sự của mình trước khi đi học đại học, trong khi học đại học bằng cách bảo lưu kết quả học tập, hoặc sau khi vừa tốt nghiệp đại học.
Hàn Quốc có kỷ luật quân ngũ nghiêm túc và khắc nghiệt. Từ việc ăn, ngủ, tập luyện, vui chơi, thể dục thể thao cho tới vấn đề nhỏ nhất là vệ sinh hàng ngày, lính nghĩa vụ đều phải tuân thủ theo giờ giấc, quy định cụ thể. Khoảng 2 năm trong quân đội, họ sẽ phải chịu đựng các bài tập huấn luyện vô cùng gian khổ, hà khắc, hoàn toàn thay đổi nếp sống hàng ngày trong gia đình. Tất cả các nam thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đều trở nên rắn rỏi và trưởng thành lên rất nhiều. Chính môi trường rèn luyện trong quân đội đã giúp họ có được thể lực cường tráng cùng tinh thần đoàn kết, trách nhiệm.
Bình đẳng với tất cả mọi người
Nếu ở một số quốc gia, những người bình thường có thể được miễn giảm nghĩa vụ khi có lý do chính đáng, thì riêng ở Hàn Quốc, không có ai có thể trốn tránh khỏi nhiệm vụ này. Thậm chí những người nổi tiếng cũng không được ưu tiên hơn người bình thường. Đã có những nghệ sĩ trong giới giải trí đã mất cả sự nghiệp sau khi trở về từ nghĩa vụ quân sự bởi hai năm là quãng thời gian đủ cho người hâm mộ có thể quên lãng đi các ngôi sao từng nổi tiếng của mình. Họ buộc phải chấp nhận điều này bởi nếu bị đánh giá về lòng yêu nước, lòng trung thành và trách nhiệm với tổ quốc, họ có thể còn nhận búa rìu dư luận còn tồi tệ hơn.
Những nghệ sĩ Hàn Quốc dần mất đi vị trí trong lòng khán giả do sự mờ nhạt sau khi trở về từ nghĩa vụ quân sự như Kangta, cựu thành viên ban nhạc H.O.T đình đám một thời; hay như diễn viên Wonbin từng nổi tiếng tại Việt Nam qua bộ phim “Trái tim mùa thu”.
Ở Hàn Quốc cũng từng có những người đã lụi bại sự nghiệp vì trốn nghĩa vụ quân sự. Cách đây hơn một thập kỷ, trong một cuộc vận động bầu cử tổng thống, con trai của một ứng cử viên tổng thống hàng đầu bị phát hiện được miễn trừ quân dịch trong bối cảnh đáng ngờ. Sự kiện này đã khiến vị ứng cử viên thất bại cay đắng trong cuộc bầu cử năm đó.
Hay như trường hợp ca sĩ Steve Yoo có hai quốc tịch Mỹ và Hàn Quốc. Năm 2002, khi quân đội gọi Steve Yoo nhập ngũ, anh này liền bỏ quốc tịch Hàn Quốc. Dù đây là hành động hợp pháp thuộc về quyền công dân nhưng chính quyền thành phố Seoul xác định nó là hành động đào ngũ nên Yoo bị trục xuất khỏi Hàn Quốc vĩnh viễn.
Dư luận Hàn Quốc đã làm vai trò người giám sát cực kỳ nghiêm khắc đối với những thành phần đặc biệt tham gia nghĩa vụ quân sự. Mỗi lần tiến hành bầu cử chính phủ mới, báo chí đều đăng tải thông tin về địa điểm và thời gian mà các thành viên nội các từng phục vụ quân đội. Công luận cũng tập trung tìm hiểu về quá trình thi hành nghĩa vụ quân sự của con cái các nghị sĩ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn và các nhân vật nổi bật khác. Đối với người Hàn Quốc, điều rất quan trọng là con cái tầng lớp thượng lưu phải bình đẳng với con cái bình dân trong thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Trước năm 2009, Hàn Quốc cũng từng cho phép những người thuộc diện con lai hoặc con em của các gia đình đa văn hóa được miễn nhập ngũ. Tuy nhiên, từ sau năm 2009, luật nghĩa vụ quân sự được sửa đổi, theo đó, không còn bất cứ người bình thường nào được miễn trừ nhiệm vụ. Con lai Hàn Quốc cũng là thành viên của xã hội nước này, nên cần phải bình đẳng như mọi thanh niên khác. Chính vì thế, lời tuyên thệ nhập ngũ của thanh niên Hàn Quốc cũng được chỉnh sửa từ “vì quốc gia dân tộc” thành “vì quốc gia nhân dân”.