Là một phiên bản gần như hoàn toàn mới và có năng lực chống ngầm mạnh hơn rất nhiều so với Ka-27, Ka-27M đã nhận được sự quan tâm rất lớn của hải quân Trung Quốc. Bởi vì, trong thời gian gần đây, Trung Quốc rất lo lắng trước sự xuất hiện ồ ạt của các tàu ngầm hiện đại trên biển Đông nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Trong khi đó, chống ngầm lại là điểm yếu cố hữu của hải quân nước này.
Đặc tính ưu việt chủ yếu của phiên bản trực thăng chống ngầm thế hệ mới Ka-27M là radar mảng pha điện tử thế hệ mới, có khả năng phát hiện từ xa các mục tiêu rất nhỏ, ví dụ như kính tiềm vọng của tàu ngầm hoặc các thiết bị mở rộng khác. Hơn nữa, loại radar mới này còn có khả năng phát hiện và theo dõi hàng chục mục tiêu khác nhau.
Ka-27M được trang bị một hệ thống các thiết bị đồng bộ để săn tàu ngầm, ví dụ như hệ thống trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện, hệ thống sonar, hệ thống đo đạc từ lực. Tất cả các thiết bị này được tích hợp trong 1 mạng lưới thống nhất và đồng bộ, giúp nhân viên kỹ thuật trên tàu có thể cập nhật và xử lý số liệu nhận được trên một thiết bị hiển thị đa chức năng.
Theo tiết lộ của các quan chức ngành công nghiệp quốc phòng Nga, Ka-27M có khả năng phát hiện tàu ngầm ở độ sâu tới 500m, sau đó truyền dẫn các số liệu về mục tiêu cho tàu mẹ, đồng thời sử dụng các loại vũ khí mang theo như: Ngư lôi, bom khoan nước sâu để tự mình tấn công tiêu diệt tàu ngầm.
Thành công trong thử nghiệm Ka-27M đã mở đường cho công tác nâng cấp, hiện đại hóa vài chục chiếc Ka-28 (Phiên bản xuất khẩu của Ka-27) mà Nga đã xuất khẩu ra nước ngoài. Từ sau năm 2000 đến nay, Trung Quốc chính là khách hàng đứng đầu về số lượng mua sắm loại trực thăng chống ngầm này.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc rất lo lắng trước sự xuất hiện ồ ạt của các tàu ngầm tiên tiến trên biển Đông và biển Hoa Đông. Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore và nhiều quốc gia khác đã chế tạo hoặc mua sắm các loại tàu ngầm thông thường rất hiện đại như: Tàu ngầm Soryu của Nhật, tàu ngầm HDW-214 của Hàn Quốc, tàu ngầm Scorpene của Malaysia, tàu ngầm Archer của Singaporre, tàu ngầm HDW-209 của Indonessia…
Hiện Trung Quốc đang xây dựng 1 căn cứ tàu ngầm chiến lược trên đảo Hải Nam để khống chế khu vực biển Đông. Trung Quốc lo lắng một số quốc gia Đông nam Á sử dụng lực lượng tàu ngầm và tàu mặt nước của họ để ngăn chặn hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc trên biển Đông, cắt đứt tuyến giao thông vận chuyển chiến lược (chủ yếu là năng lượng) trên biển của Trung Quốc.
Vì vậy, tăng cường khả năng trinh sát và chống ngầm trên biển Đông nói chung và xung quanh đảo Hải Nam nói riêng đang là nhiệm vụ có tính cấp bách đối với hải quân Trung Quốc. Mua sắm các loại trực thăng chống ngầm tiên tiến của Nga có thể nâng cao “thần tốc” khả năng chống ngầm cho hải quân Trung Quốc, bảo đảm cho các tàu chiến hạng nặng của Trung Quốc yên tâm ra hoạt động trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!