Khái niệm xe chiến đấu hỗ trợ tăng đã được các nhà thiết kế Nga đề xuất sau chiến tranh Chechnya lần thứ nhất. Trong cuộc chiến này, lực lượng xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga đã phải hứng chịu những thiệt hại nghiêm trọng khi tác chiến trong môi trường đô thị.
Xe tăng chiến đấu chủ lực vốn có hạn chế trong khả năng quan sát, điểm hạn chế này càng trở nên nguy hiểm hơn khi xe tăng tác chiến trong môi trường đô thị, nơi mà các tòa nhà, các con hẻm đã gần như làm mất khả năng quan sát của xe tăng.
Bên cạnh đó, pháo tăng gặp khó khăn trong việc tác chiến với các mục tiêu từ trên cao, khẩu đại liên 12,7mm trên nóc xe tăng thường không đủ mạnh để vô hiệu hóa các mục tiêu ẩn nấp sau các bức tường, cũng như không đủ độ áp đảo về hỏa lực để khiến đối phương phải từ bỏ nhiệm vụ.
Lúc đó sự cần thiết phải có một loại xe chiến đấu có hỏa lực mạnh, khả năng tấn công tốt với các mục tiêu trên cao, tầm bắn xa để tạo áp đảo về hỏa lực thậm chí có thể tiêu diệt luôn các xe tăng chiến đấu chủ lực của đối phương. Đó chính là tiền đề cho sự ra đời của xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT.
BMPT là viết tắt của cụm từ (Boyevaya Mashina Podderzhki Tankov, phiên âm tiếng Nga) tạm dịch là xe chiến đấu hỗ trợ xe tăng. Ngay khi xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2005, mẫu xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT 1 đã được đặt cho biệt danh “Kẻ hủy diệt” bởi sức mạnh ghê ghớm của nó.
Một số mẫu BMPT 1 đã được chuyển giao cho quân đội Nga để tiến hành đánh giá từ năm 2005. Tuy vậy, Kẻ hủy diệt 1 vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của quân đội Nga. Nhưng tại triển lãm RAE-2013, sự xuất hiện của BMPT 2 còn gọi là Kẻ hủy diệt 2 đã khiến giới quân sự thế giới ngạc nhiên và buộc họ phải xem xét lại vai trò của nó.
Trong khi BMPT 1 được phát triển trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 thì BMPT 2 được phát triển trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72. Do đó, loại xe chiến đấu hỗ trợ xe tăng này còn được gọi là BMPT 72.
Về cơ bản, Kẻ hủy diệt 2 có thiết kế tương tự Kẻ hủy diệt 1 nhưng có nhiều cải tiến về mặt hỏa lực, hệ thống điều khiển cũng như thiết kế tháp pháo. Tháp pháo của Kẻ hủy diệt 2 được thiết kế cao hơn đôi chút so với trước, chân tháp pháo có thiết kế vát xuôi chứ không bằng phẳng như trước.
Cận cảnh module chiến đấu đa năng của Kẻ hủy diệt 2. Module chiến đấu này có thể đảm đương nhiệm vụ hỗ trợ cho xe tăng, vừa có khả năng diệt tăng như một xe tăng chiến đấu chủ lực thực sự.
Nói chung đây là một tháp pháo dạng module cực kỳ hiện đại và rất hầm hố. Kẻ hủy diệt 2 được trang bị pháo tự động nòng kép 2A42M 30mm. Pháo được thiết kế với khả năng ổn định cao hơn, cung cấp khả năng bắn chính xác hơn, tốc độ bắn nhanh hơn.
Pháo 2A42M có thể bắn được nhiều loại đạn khác nhau như: Đạn xuyên giáp APDS, APFSDS, đạn nổ phân mảnh, đạn HE. Đạn xuyên giáp bắn từ pháo 2A42M có khả năng xuyên giáp dày 20mm từ khoảng cách 700 mét, giáp dày 14-18mm từ khoảng cách 1.500 mét. Đặc biệt, loại đạn xuyên giáp APFSDS M929 mới có khả năng xuyên thủng giáp dày 55mm ở khoảng cách tới 1.000 mét, lên đến 2.000 mét, với giáp dày 45mm.
Vũ khí uy lực nhất trên Kẻ hủy diệt 2 chính là 4 tên lửa chống tăng dẫn bằng vô tuyến 9M120M Ataka-T, NATO định danh là AT-9 Spiral-2. Tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu theo cơ chế dẫn đường bán tự động SACLOS. Thiết bị chỉ thị mục tiêu sẽ phát đi một chùm tín hiệu đến mục tiêu, một thiết bị phát sóng vô tuyến khác ở đuôi tên lửa sẽ giữ cho tên lửa hướng theo chùm tín hiệu đã được chiếu xạ cho đến khi trúng đích.
Tên lửa có đường kính 130mm, dài 1830mm, sải cánh 360mm, tên lửa lao đến mục tiêu với tốc độ lên đến 550 m/s, tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu trong phạm vi từ 1000-8000m. Tên lửa được trang bị đầu đạn liều đúp có khả năng xuyên giáp dày tới 900mm sau giáp cảm ứng nổ.
Sức xuyên này thừa sức đánh bại tất cả các loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất thế giới hiện nay, thậm chí là ở cả tương lai gần. Như vậy, ngoài khả năng yểm trợ hỏa lực đối phó với các mục tiêu “khó nhai” từ trên cao cho xe tăng chiến đấu chủ lực, Kẻ hủy diệt 2 còn có khả năng diệt tăng như một xe tăng chiến đấu chủ lực thực thụ.
Ngoài ra, Kẻ hủy diệt 2 được trang bị hai súng phóng lựu 30mm, một súng máy 7,62mm cùng 2 hệ thống phóng lựu đạn khói ngụy trang 81mm.
Điều đặc biệt của Kẻ hủy diệt 2 là module chiến đấu của nó có thể trang bị trên khung gầm nhiều loại xe tăng chiến đấu chủ lực khác nhau, tạo nên một sự hồi sinh sức mạnh chiến đấu.
Bên cạnh nâng cấp về vũ khí, Kẻ hủy diệt 2 còn được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực cực kỳ hiện đại. Máy tính đường đạn kỹ thuật số cho phép tác chiến hiệu quả hơn, thời gian phản ứng nhanh hơn. Hệ thống cảm biến chỉ thị mục tiêu tinh vi cho phép phát hiện những mục tiêu được ngụy trang kỹ càng nhất.
Điểm mạnh của Kẻ hủy diệt 2 là nhà sản xuất đã mang đến một giải pháp hồi sinh sức mạnh ngay cả với những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực già cỗi nhất. Chỉ cần thay tháp pháo cũ bằng tháp pháo của Kẻ hủy diệt 2, một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực lạc hậu như T-55 có thể nhanh chóng trở thành một sát thủ cho mọi loại xe tăng trên chiến trường.
Tháp pháo của Kẻ hủy diệt 2 là một thiết kế dạng module tích hợp nên dễ dàng trang bị trên nhiều loại khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực khác nhau, nhất là các sản phẩm do Liên Xô sản xuất trước đây. Đây được xem là một thiết kế mang tính cách mạng, vừa đem lại sức mạnh hỏa lực cao vừa tiết kiệm chi phí.
Tháp pháo của Kẻ hủy diệt 2 cũng là một giải pháp khả thi để Việt Nam có thể hồi sinh sức mạnh cho các xe tăng chiến đấu chủ lực T-55 của Việt Nam hiện nay.